Thịt heo 'ăn chay' có tốt hơn thịt heo 'không ăn chay'?

Theo các chuyên gia, để chất lượng thịt heo đảm bảo các vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn thức ăn không có nguồn phụ gia gây hại và quá trình chăn nuôi không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, an thần.

Thị trường thịt heo thương hiệu lại dậy sóng khi có thêm một số sản phẩm thịt heo “ăn chay” đến từ các đại gia chăn nuôi Việt.

Đơn cử như mới đây một thương hiệu heo “ăn chay” với nguồn thức ăn (cám) được làm từ 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật, vừa mới ra mắt thị trường, chỉ sau vài tháng “thịt heo ăn chuối” gây sóng dư luận.

Đại diện đơn vị sở hữu “heo ăn chay” cũng khẳng định nguồn cám chay đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho vật nuôi, giảm tỉ lệ rủi ro nhiễm các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe vật nuôi và liên quan đến an toàn thực phẩm. Chính vì thế, thịt của heo ăn chay sẽ cho màu đỏ hồng tự nhiên, độ đàn hồi tốt, tỉ lệ rỉ nước ít, nước luộc thịt trong, ít bọt, thịt mềm, thơm, ăn không ngậy.

Thông tin cũng khiến nhiều tiêu dùng trông chờ để thử chất lượng thịt heo thành phẩm, và đặt ra nhiều dấu chấm hỏi về nguồn thức ăn chăn nuôi heo hiện nay trên thị trường. Ở khía cạnh khác, trong một nhóm chat giới chăn nuôi cũng đang có nhiều tranh cãi về nguồn thức ăn "chay" hay "không chay" của heo.

Heo cần đáp ứng đủ dinh dưỡng để lớn

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, thực tế 90% heo Việt Nam vẫn đang sử dụng nguồn thức ăn từ đạm thực vật như bã đậu, thân chuối… Điều này có nghĩa là có đến 90% heo Việt Nam cũng ăn chay.

“Hiện giá đạm động vật như giá bột cá đang rất cao nên người chăn nuôi phải dùng đạm thực vật, chủ yếu là bã đậu để thay thế. Nếu bột cá mà rẻ thì người chăn nuôi sẵn sàng dùng vì chúng đầy đủ các axit amin thiết yếu cho heo phát triển, và thịt thành phẩm cũng đẹp và ngon hơn, bởi trong bột cá có 55% độ đạm, còn các loại như bã đậu là 25% độ đạm.

Thêm vào đó bột động vật không phải là xấu vì bột thịt hay bột xương cũng rất tốt, chúng là nguồn cung chất đạm cho heo phát triển”, ông Công chia sẻ.

Theo ông Công điều quan trọng trong chăn nuôi là chúng ta phải cung cấp được đầy đủ nguồn dưỡng chất cho heo ở từng giai đoạn để chúng phát triển, thì thịt mới đạt chất lượng.

Cần cung cấp đầy đủ các chất cho heo để phát triển. ẢNH: NGUYỄN TRÍ

“Việc cho ăn gì, nó tùy thuộc vào nhu cầu chăn nuôi hộ gia đình hay là công nghiệp, cũng như phù hợp với giá thành, nhu cầu về năng suất, và chất lượng thịt an toàn tới tay người tiêu dùng. Ví dụ heo ở giai đoạn cuối trước khi xuất chuồng, nếu được chăn nuôi bằng bột bắp thì thịt ra rất đẹp, còn dùng tấm bổ sung cho heo nái, heo cai sữa thì lúc này thịt heo sẽ hồng, chất lượng thịt tốt, trong khi nuôi 100% bằng tấm thì khi thành phẩm thịt lại trắng. Điều đó để nhấn mạnh cho việc chúng ta cần phải cung cấp dưỡng chất đúng lúc cho heo”- ông Công nói.

Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh rằng, trên nguyên tắc để nuôi một con heo có giá trị thực, tức là heo mau lớn và heo đủ dưỡng chất để thịt đạt chất lượng, thơm ngon thì đòi hỏi cả đạm động vật và thực vật, các axit amin, lipit…

“Thực tế chúng tôi đã có kinh nghiệm nuôi heo bằng chuối nhưng nhận thấy heo đổ mỡ nhiều, chậm lớn. Nếu chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi theo kiểu bỏ ống thì phù hợp, còn với chăn nuôi công nghiệp thì khá phức tạp”- ông Đoán nói.

Thịt heo chỉ có vấn đề khi nguồn thức ăn chứa nhiều chất phụ gia có hại

Ở góc độ dinh dưỡng, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện khoa học công nghệ và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, cho dù nuôi bằng đạm thực vật hay động vật thì khi vào cơ thể heo, chúng cũng phải chuyển hóa thành nguồn đạm của chính nó, để phù hợp với sự phát triển của chúng.

“Thực tế, đối với hộ nuôi nhỏ lẻ, nuôi heo tại nhà ở các vùng nông thôn thì phần lớn thức ăn cho heo cũng từ đạm thực vật từ ngô, khoai, sắn, rau, cơm thừa bỏ đi, cho tới bã đậu, hèm…”, PGS-TS Thịnh nói.

Tuy nhiên cũng giống như cơ thể người, nếu dùng đạm thực vật hoàn toàn thì cơ thể cũng không đủ dưỡng chất cho chúng phát triển, gây chậm lớn. Theo vị này, nếu theo nhu cầu thị trường thì điều này không đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, và khó đáp ứng được sức ép về nguồn cung thị trường hiện nay.

Trong khi đó, PGS- TS Thịnh nhấn mạnh, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, chỉ đáng lo ngại khi mà người chăn nuôi trộn các chất phụ gia gây, hay quá trình chăn nuôi heo sử dụng thuốc kích thích, an thần... ảnh hưởng tới chất lượng thịt và sức khỏe người ăn.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thit-heo-an-chay-co-tot-hon-thit-heo-khong-an-chay-post705123.html