Thịt lợn tăng sốc lên 200 nghìn đồng/kg: Có biểu hiện găm hàng, thổi giá

Vừa qua thịt lợn tăng cao thất thường tại một số nơi, như tại Thành phố Hồ Chí Minh, thịt lợn bán ra lên mức 200.000 đồng/kg. Theo Cục Chăn nuôi, nguyên nhân không phải thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông, găm hàng, thổi giá.

Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, chiều 18/11, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bàn về giải pháp ổn định nguồn cung và thị trường thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý.

Tại đây, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho hay: Hiện nay, giá lợn hơi bình quân trên địa bàn TPHCM khoảng 70.000 đồng/kg, trong khi giá thịt ba chỉ bán ra lại lên tới 200.000 đồng/kg. Mức giá của thịt hơi và sản phẩm thịt bán thời gian qua có tăng nhưng mức tăng không đồng đều, chứa đựng yếu tố tăng do trung gian là rất lớn.

“Trước đây, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 9.500-10.000 con lợn, hiện nay chỉ tiêu thụ khoảng 8.000-8.500 con, giảm 15%. Người bán lẻ bán được ít hơn nên phải bán tăng giá lên để bù đắp chi phí”, ông Nguyễn Phước Trung cho biết thêm.

Theo Cục Chăn nuôi, giá lợn thịt một số nơi tăng cao thất thường những ngày qua báo chí phản ánh nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, trong đó đã có biểu hiện găm hàng, thổi giá.

"Hiện nay nguồn lợn thịt chủ yếu ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn, còn các hộ nhỏ trong vùng dịch cơ bản là không còn. Việc xuất bán lợn thịt yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, người chăn nuôi thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi. Điều này càng làm cho những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn cung, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao khiến giá thịt lợn ở những khu vực này tăng cao cục bộ.

Mặt khác, các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt vô hình chung tạo hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao, thương lái đẩy giá lên cao bất thường", Cục Chăn nuôi cho hay.

Để ổn định nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam kiến nghị, các bộ, ngành cần kiểm soát lợn xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời ngành chăn nuôi nên khuyến cáo người chăn nuôi kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất.

Còn theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, giải pháp đầu tiên cần thực hiện ngay là tháo gỡ trong lưu thông giữa các vùng miền. Bên cạnh đó ổn định tâm lý người dân để giá lợn không tăng đột biến trong Tết. Mặt khác,có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tín dụng đối với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện để tái đàn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, 2 tháng còn lại và quý đầu năm sau nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Đây cũng là thời điểm có nhu cầu thực phẩm cao nhất. Nếu không các các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt lẫn lâu dài.

Do đó, các bộ, ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin chính xác để tránh tâm lý thị trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước mắt cần tăng các loại thực phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng. Về thương mại, cần kiểm soát cả nhập và xuất, để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi cũng như an toàn dịch bệnh.

Cùng ngày 18/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, giá thịt lợn trung bình là 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, có nơi lên đến 75.000-80.000 đồng/kg do khan hiếm nguồn cung. CPI tháng 11 được dự báo tăng khoảng 0,8-1%.

Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu thịt lợn trên cả nước khoảng trên 600.000 tấn. Với thống kê tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu hiện nay, tổng cung đạt hơn 400.000 tấn, tức thiếu hụt hơn 200.000 tấn.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT dự đoán cung - cầu từng tháng từ nay đến Tết Nguyên đán và nhanh chóng công bố tình trạng và giải pháp bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày.

Từ đầu tháng 2 đến ngày 15/11, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, TP với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn, chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thit-lon-tang-soc-len-200-nghin-dongkg-co-bieu-hien-gam-hang-thoi-gia-post321511.info