Thơ ca Trường Sơn nâng bước những đoàn quân

Nhà thơ Trần Quang Quý, cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội, đã xuất bản 14 tập thơ, truyện ngắn, tiểu luận, bút ký… và được nhiều giải thưởng văn học, trong đó, có giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2016. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online về thơ ca Trường Sơn.

 Nhà thơ Trần Quang Quý.

Nhà thơ Trần Quang Quý.

Phóng viên: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã mang đến thi cảm như thế nào cho các nghệ sĩ thưa ông?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc. Trong môi trường ấy, các nghệ sĩ đến với Trường Sơn, hòa với màu xanh đại ngàn, màu xanh áo lính…mà xúc cảm, chớp lấy những khoảnh khắc tâm trạng, những chi tiết, tình huống của đời sống chiến tranh viết nên thi điệu của mình trong bản “tổng phổ” thơ kháng chiến. “Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc nếu cần ta sẽ chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…” là một trong những câu thơ có tính “hiệu triệu” tinh thần chống Mỹ tiêu biểu, được Chế Lan Viên viết đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Hào khí của cả giai đoạn lịch sử được nhà thơ Tố Hữu phản ánh trong những câu thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Phạm Tiến Duật, nhà thơ của Đường Trường Sơn với những bài thơ về tình yêu của những người lính từ hai phía Trường Sơn gian khổ nhưng vẫn ánh lên vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn để xua đi gian khổ những mùa khô khắc nghiệt…, thôi thúc bao chàng trai, bao cô gái trẻ đến với Trường Sơn “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”.

Phóng viên: Chiến đấu trên một mặt trận vô cùng ác liệt, nơi thử thách cao độ ý chí, trí tuệ và lòng quả cảm của con người Việt Nam trước vũ khí tối tân của đế quốc Mỹ, có phải thơ ca đã vượt lên hiện thực đời sống chiến trường?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Đạn bom, trận mạc quá khốc liệt, thời tiết rừng núi khắc nghiệt, thiếu thốn về vật chất, thiếu thốn tình cảm gia đình….nhưng tinh thần chung nhất của người lính vẫn là ý chí vượt qua những thử thách, vững tin vào lý tưởng giành độc lập tự do, đặt lợi ích Tổ quốc lên trên lợi ích của mình. Người chiến sĩ Giải phóng “Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” trong thơ Lê Anh Xuân. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết về người vợ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý: “Em ra đi chẳng để lại gì/Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi”. Sự hy sinh cao đẹp như thế, chẳng những thúc giục chính ông vào chiến trường, “sống đẹp những ngày em chưa kịp sống” mà còn có ý nghĩa thức gọi bao người sống vì lý tưởng cao đẹp khác, vào phía Trường Sơn, phía những mặt trận nóng bỏng đang cần họ. Ở Nguyễn Khoa Điềm, là tôn vinh truyền thống đất nước, là hình ảnh cao quý, rất đáng tự hào của đất nước mà mỗi người “Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/Làm nên Đất Nước muôn đời...”. Thanh Thảo bày tỏ và lý giải sự lựa chọn không thể khác của thế hệ mình: “Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình/Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”. Những năm 1969-1971, nữ nhà thơ Xuân Quỳnh vào Trường Sơn, bám theo cung đường Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn để viết. Bài thơ “Viết trên đường 20” kể về con đường “Nơi mọi chiếc xe đều mang màu lá/Binh trạm đầu tiên thao thức nhớ/Đêm đêm theo những đoàn xe/Ánh đèn gầm mù đục dẫn em đi…”. Cuộc sống trong rừng Trường Sơn qua thơ Nguyễn Đức Mậu vẫn tấp nập những “quán trọ” trạm giao liên và “Bệnh viện, văn công ở trong hang đá/Bộ đội gọi nơi đây là thành phố/Dù không có một ngôi nhà”…

Phóng viên: Có phải những ca khúc, giai điệu phổ thơ Trường Sơn cũng là một nét độc đáo của thi ca Trường Sơn lúc bấy giờ không thưa ông?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Thơ ca là danh từ ghép vẫn thường được nói về thơ. Có thể trong thơ có tính nhạc, giai điệu, nhưng cũng có thể do âm hưởng ngợi ca là chủ đạo, nhất là thơ Việt thời kỳ chống Mỹ. Chất ca của thơ về Trường Sơn cũng vậy, vì “nhiệm vụ” động viên lực lượng kháng chiến như đã nói. Nhưng ở đây chỉ nói riêng khía cạnh các bài hát phổ thơ về Trường Sơn, những bài hát từng thổn thức trong lòng người chiến sĩ như Bóng cây Kơnia, nhạc Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh (1932-1964) phỏng dịch từ dân ca H’rê (phổ nhạc 1971); “Bài ca Trường Sơn” của nhà thơ Gia Dũng, lính Sư đoàn 312 anh hùng, được Trần Chung phổ nhạc và là bài hát được hầu hết lớp trẻ thuộc và yêu thích. “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” là bài thơ được Nguyễn Trung Thu hoàn thành trong một đêm và Trần Chung phổ nhạc đã lan tỏa không chỉ với bộ đội Trường Sơn mà là mọi chiến trường và cho mãi đến tận hôm nay. “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, bài thơ của Phạm Tiến Duật, được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc; “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, thơ Hữu Thỉnh, nhạc Doãn Nho cùng nhiều ca khúc khác âm vang trong tâm hồn người lính trên những chặng đường Trường Sơn ra trận, và trở thành “Bài ca đi cùng năm tháng”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bức tượng đài chiến thắng, biểu tượng Trường Sơn còn tồn tại mãi mãi, là một phần hy sinh to lớn của nhân dân để làm nên lịch sử đấu tranh cách mạng, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Cùng góp phần làm nên Trường Sơn, Trường Sơn trong tình cảm, tâm thế và tự hào Việt Nam, trong đó có vai trò nổi bật của thơ ca Trường Sơn.

Phóng viên: Vâng! Xin cảm ơn nhà thơ!

NGUYỄN ANH SƠN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tho-ca-truong-son-nang-buoc-nhung-doan-quan-574252