Thổ đã quyết định số phận thương vụ S-400?

Việc mua S-400 có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ trả giá đắt, tuy nhiên nhiều dấu hiệu cho thấy, Ankara đã có lựa chọn tốt nhất cho mình vào lúc này.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Thom Hill vừa có nhận định cho rằng, việc nhà sản xuất tên lửa châu Âu EuroSam đã quyết định bán và sản xuất hệ thống phòng không tối tân SAMP-T tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, nhiều khả năng số phận thương vụ S-400 đã được Ankara quyết theo cách không như mong muốn của Nga.

Vị nghị sĩ này cho biết, nếu thương vụ này được Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn như vậy thì đây là quyết định đầy khôn ngoan bởi họ thừa hiểu sẽ mất mát những gì nếu vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình tăng cường sức mạnh phòng không bằng hệ thống S-400 do Nga sản xuất.

Hệ thống S-400.

Thom Hill cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang phá hoại quan hệ song phương với Mỹ; do đó, quốc hội nước này sẽ phải xét lại các hợp đồng mua sắm công nghệ tiên tiến của nước này, trong đó dĩ nhiên là dự án F-35A sẽ được xem xét đầu tiên.

Trước đây, chính quyền Ankara đã cam kết mua 116 máy bay chiến đấu F-35A theo chương trình “Máy bay chiến đấu liên hợp” (Joint Strike Fighter - JSF).

Đây là chương trình đa quốc gia do Mỹ đứng đầu, nhằm phát triển một dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5, nhưng bị các chuyên gia vạch trần thực chất là một kế hoạch mà các nước đồng minh góp tiền cho Mỹ phát triển công nghệ, rồi bán lại cho họ với giá cắt cổ.

Nghị sĩ này lưu ý rằng, sự hợp tác địa-chính trị chặt chẽ của Ankara với Moscow và quyết định đặt hàng hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến của Nga có thể làm phức tạp kế hoạch của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mua chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ, phiên bản không quân F-35A.

Nghị sĩ Lankford cảnh cáo, những yếu tố này làm cho việc chuyển giao công nghệ F-35 trở nên nhạy cảm và khả năng cung cấp những công nghệ tiên tiến cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "ngày càng trở nên nguy hiểm", bởi nó có thể lọt vào tay những quốc gia thù địch với Mỹ.

Nếu kế hoạch này bị ngăn chặn, nó sẽ đồng nghĩa với việc Ankara không được phép mua, chứ đừng nói là tiếp cận bất cứ công nghệ nào trên chiếc máy bay chiến đấu tàng hình tối tân nhất của Mỹ.

Đây sẽ là tổn thất lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nước này cũng đang có tham vọng là nâng tầm công nghiệp hàng không của đất nước và tìm kiếm những hỗ trợ về công nghệ để phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 TFX.

TFX là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 do Công ty chế tạo Hàng không Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, với sự hỗ trợ công nghệ từ hãng chế tạo hàng không Saab AB của Thụy Điển và BAE Systems của Anh.

Tuy nhiên, dự án tiến triển rất chậm, do các đối tác mới chỉ sản xuất được các chiến đấu cơ thế hệ 4, nên giới công nghiệp quốc phòng nước này rất cần sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ - quốc gia có kinh nghiệm và công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo tiêm kích thế hệ 5. Nếu Mỹ cự tuyệt kế hoạch mua sắm F-35A thì đó sẽ là mất mát lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi thuyết phục nước này bỏ S-400 Triump để thay bằng PAC-3 không được, việc các nghị sĩ nước này yêu cầu chặn gói thầu 116 chiến đấu cơ F-35A của Thổ Nhĩ Kỳ là ngón đòn cuối cùng của chính quyền Washington, sẽ buộc ông Erdogan phải lựa chọn giữa S-400 Nga và F-35A của Mỹ.

Hành động này không còn là một quyết định ngăn chặn một gói thầu mua sắm vũ khí nữa mà đã biến thành một “tối hậu thư chính trị”. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục mua S-400 Triump, thì họ sẽ phải từ bỏ F-35A, đồng nghĩa với việc không còn là đồng minh của Mỹ và NATO.

Do đó, vị nghị sĩ này cho rằng, rất có thể thương vụ S-400 giữa Moscow và Ankara đã âm thầm chấm dứt.

Bởi Thổ dù rất cứng rắn trong những tuyên bố của mình nhưng không dám đánh đổi nhiều thứ chỉ để chọn mua vũ khí Nga.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tho-da-quyet-dinh-so-phan-thuong-vu-s-400-3359560/