Thổ dừng Mùa xuân Hòa bình: Ngại đụng độ Quân đội Syria?

Việc ông Erdogan tạm dừng chiến dịch quân sự 'Mùa xuân Hòa bình' là do Thổ Nhĩ Kỳ sợ lệnh trừng phạt của Mỹ hay tránh đụng độ quân đội Syria?

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng bắn ở bắc Syria

Ngày 17/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn kéo dài 120 giờ tại phía đông bắc Syria. Theo thỏa thuận, Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) sẽ phải rút khỏi "vùng an toàn" rộng 32km tính từ biên giới Syria.

Tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ được đưa ra sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan Ankara. Theo ông Pence, việc rút quân của YPG sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, ông không chắc chắn rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara đồng ý ngừng bắn trong 5 ngày, sẵn sàng kết thúc chiến dịch quân sự nếu lực lượng người Kurd rút khỏi vùng đệm ở miền bắc Syria.

Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đình chỉ chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” trong vòng 5 ngày để các tay súng của đảng Công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) [Ankara thường đánh đồng lực lượng của PKK với các tay súng của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân của người Kurd Syria] và Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Syria (NDF) rút khỏi những vùng đệm an ninh được thiết lập.

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng chính phủ Syria và quân đội Nga đã có mặt trên một số khu vực quan trọng bao gồm cả Manbij và Kobani. Do đó, Ankara sẽ thảo luận về các khu vực này với Moscow trong chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Nga vào ngày 22/10.

Bình lâunạ về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Ankara và ca ngợi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

"Đây là ngày tuyệt vời với nước Mỹ, với Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, một ngày tuyệt vời với nền văn minh. Đây là tình huống mà tất cả mọi người đều hài lòng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là lãnh đạo tốt và đã làm điều đúng đắn, tôi rất tôn trọng ông ấy" - Trump phát biểu hôm 17/10.

Về phía người Kurd, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do YPG dẫn đầu đã tuyên bố rằng, họ đang thực hiện lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, tuyên bố không hề cho biết là liệu YPG có chấp thuận rút quân khỏi "vùng an toàn" [của Thổ Nhĩ Kỳ] hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Trước đó, chính quyền tự trị các vùng lãnh thổ ở đông bắc Syria [do người Kurd kiểm soát] đã tuyên bố rằng, họ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Damascus để triển khai Quân đội Syria (SAA) dọc theo toàn bộ biên giới của đất nước giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, để giúp đẩy lùi cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang được Ankara hậu thuẫn.

Người Kurd rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ không có lí do gì để tiếp tục “xâm lược Syria”

Sợ Mỹ hay tránh đụng độ Quân đội Syria?

Ngay sau khi quân Mỹ rút khỏi các cứ điểm ở bắc Syria, Quân đội Syria đã nhanh chóng tiến lên phía bắc để thiết lập quyền kiểm soát ở hàng loạt các thành phố, thị trấn quan trọng như: Thị trấn Manbij thuộc tỉnh Aleppo; Ain-Isa thuộc quận Tell Abyad và Tabqa của tỉnh Raqqa; Qamishli và Hasaka thuộc tỉnh Al-Hasaka.

Theo giới phân tích, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ phải ngừng chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” không phải là do sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà chẳng qua là do Quân đội Syria đã tiếp quản hết các cứ điểm của người Kurd, về chính danh, phía bắc Syria đã do chính quyền Damascus quản lý chứ không phải người Kurd, do đó, Ankara không còn lí do gì để tiếp tục chiến dịch.

Nếu ông Erdogan vẫn tiếp tục tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có lí do gì để biện bạch cho mình về cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” và khi đó, Ankara sẽ phải nhận sự chỉ trích của cả thế giới và phải đối đầu với một “cuộc chiến chống xâm lược” của Quân đội Syria.

Nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Trung Đông (ORSAM) Oytun Orhan hôm 17/10 đã đánh giá khả năng xảy ra đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở phía đông bắc Syria gần như bằng không.

Theo ông, không bên nào muốn tham gia vào cuộc đối đầu quân sự mang tính chất quốc gia này. Orhan nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hành động thận trọng trong các chiến dịch trước đó ở Syria.

Theo ông, chiến dịch hiện tại không phải là ví dụ đầu tiên về hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria. Như đã biết, trước đó trong khuôn khổ chiến dịch “Shield of the Euphrates” (Lá chắn Euphrates), và “Olive Branch” (Cành ô liu), lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã “tương tác” với các nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) của phe đối lập Syria, nhưng luôn hành động cẩn thận, không dẫn đến đụng độ quy mô lớn.

Trong tình hình hiện tại, không bên nào muốn mở “cái hộp Pandora” để tham gia vào cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng nguy hiểm. Ngoài ra, điều cực kỳ quan trọng là sự hiện diện của Nga trong khu vực, mà sau khi người Mỹ rời đi, Nga đã tăng cường hơn nữa vị thế của mình ở Syria.

Như được biết, Nga đóng vai trò "trung gian” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong khuôn khổ tiến trình Astana. Nga cũng sẽ không cho phép đụng độ giữa các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và Syria" - Orhan nhấn mạnh.

Vị chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, khả năng thiết lập đối thoại giữa Ankara và Damascus là hoàn toàn có thể xảy ra, mặc dù là rất khó khăn, bởi từ 8-9 năm qua, giữa hai nước đã hình thành một mối ngờ vực lẫn nhau đáng kể, dẫn đến liên lạc hoàn toàn bị phá vỡ.

Theo ông, phải mất thời gian để khôi phục điều này nhưng quá trình này đang dần dần tăng cường. Với sự trung gian của Nga, trong tương lai Ankara và Damascus có thể sẽ chuyển sang thiết lập mối liên hệ giữa hai bên trên cơ sở Nghị định thư Adana.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-dung-mua-xuan-hoa-binh-ngai-dung-do-quan-doi-syria-3389695/