Thổ mừng ra mặt khi Nga-Syria tạm dừng giải phóng Idlib

Không muốn mất đi mối quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về cả chính trị-quân sự-kinh tế nên Nga tạm ngừng chiến dịch giải phóng Idlib.

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Sochi hôm 17/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thỏa thuận đình chỉ vô thời hạn chiến dịch quân sự ở Idlib của Quân chính phủ Syria và thành lập khu vực chống leo thang quân sự mới.

Bộ trưởng quốc phòng của hai nước đã ký bản ghi nhớ về sự ổn định tình hình trong khu phi leo thang Idlib, trong đó vấn đề quan trọng nhất là đến ngày 15 tháng 10 sẽ thành lập khu phi leo thang quân sự (sâu khoảng 15-20km), dọc theo đường tiếp xúc giữa các lực lượng đối lập và chính phủ trên địa bàn tỉnh Idlib của Syria.

Theo thỏa thuận, các nhóm khủng bố và đối lập cực đoan, bao gồm cả chi nhánh al-Qaeda Syria là Hay’at Tahrir al-Sham-HTS (trước đấy là Jabhat al-Nusra, sau đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham) sẽ rời khỏi Idlib, cùng với các vũ khí hạng nặng. Còn thường dân và phe “đối lập ôn hòa” với một lượng nhỏ vũ khí hạng nhẹ vẫn ở lại.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ cùng nhau kiểm soát quá trình rút lui của các nhóm khủng bố và điều quân nắm giữ vùng đệm phi quân sự. Do đó, trong thời gian tới, hai bên sẽ đưa thêm lực lượng quân sự vào Idlib.

Chặn đường Mỹ vào Idlib, kéo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Nga Sputnik, các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đã cho ý kiến nhận xét tầm quan trọng của thỏa thuận về Idlib mà Moscow và Ankara đã đạt được trong cuộc gặp của hai vị Tổng thống Vladimir Putin và Recep Tayip Erdogan ở Sochi.

Chuyên gia về chiến lược quân sự Naim Babyuroglu chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, người ta đã nhận được từ Hoa Kỳ tín hiệu về khả năng thâm nhập vào lãnh thổ Idlib. Tuy nhiên, với thỏa thuận đạt được ở Sochi, đã đóng lại trước mũi người Mỹ lối thâm nhập tiềm năng vào địa bàn tỉnh này.

Cuộc gặp ở Sochi giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chứng tỏ rằng “khu vực diễn tập” của Washington chỉ giới hạn ở Manbij và vùng lãnh thổ phía đông từ Euphrates. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện quyết tâm trong tương lai gần sẽ tập trung tất cả lực lượng của mình vào khu vực Idlib.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận buộc Quân đội Syria phải ngừng chiến dịch giải phóng Idlib

Nhờ thỏa thuận đạt được giữa Moscow và Ankara về Idlib, đã xuất hiện cơ hội tăng cường hơn nữa sự hợp tác cả về kinh tế và quân sự giữa hai nước. Mà điều này lại chỉ ra rằng, quá trình tách Thổ Nhĩ Kỳ xa khỏi Hoa Kỳ và xích gần với Moscow vẫn đang tiếp nối.

Chuyên gia Babyuroglu cũng nhắc tới tuyên bố của Tổng thống Erdogan về sự cần thiết nhanh chóng giải phóng vùng lãnh thổ phía đông sông Euphrates.

"Nhận định của Tổng thống về mối đe dọa với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ khu vực này cho ta cơ sở để giả định rằng, sau khi thực hiện thỏa thuận về Idlib, sự chú ý của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dồn vào Manbij (Aleppo) và địa bàn phía đông của Euphrates.

Chắc chắn là sau ngày 15 tháng 10, chính quyền Ankara sẽ cố gắng thương lượng với Washington về tình hình ở Manbij, dù tất nhiên là việc này sẽ chẳng hề dễ dàng.

Thỏa thuận Nga-Thổ chứng minh hiệu quả định dạng Astana

Đến lượt mình, chuyên gia Hasan Unal - Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Tổng hợp Atilim ở Ankara cũng bình luận rằng, thỏa thuận Nga-Thổ về Idlib là "điển hình tốt nhất của thỏa thuận theo tinh thần định dạng Astana".

Theo ông, thỏa thuận đạt được đã chặn đứng cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ tưởng chừng phát sinh không thể tránh khỏi trong trường hợp tiến hành chiến dịch ở Idlib, cũng như hàng loạt hành động khiêu khích tiềm tàng gắn với các binh sĩ nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ Syria.

Do đó, có thể nói rằng, thỏa thuận Sochi là hình mẫu đáp ứng đầy đủ tinh thần và nhiệm vụ của tiến trình Astana.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-mung-ra-mat-khi-nga-syria-tam-dung-giai-phong-idlib-3365792/