Thổ Nhĩ Kỳ - Ác-mê-ni-a ký hòa ước lịch sử: Khép lại quá khứ thù địch

(HNM) - Bỏ lại sau lưng gần một thế kỷ ám ảnh về vụ thảm sát hàng loạt người Ác-mê-ni-a thời Chiến tranh thế giới thứ I, Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-mê-ni-a vừa ký một hòa ước lịch sử (hôm 10-10), tại thành phố Giu-rích của Thụy Sĩ. Đây là một thỏa thuận lịch sử không chỉ đối với hai quốc gia láng giềng "ít duyên nhiều nợ" mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự ổn định của châu Âu.

Cái bắt tay lịch sử giữa Ngoại trưởng hai nước đã chấm dứt gần một thế kỷ hận thù. Lễ ký kết diễn ra sau 2 năm đàm phán với sự trung gian hòa giải của Thụy Sĩ và hỗ trợ từ Nga, Mỹ, châu Âu. Sự có mặt của các Ngoại trưởng Mỹ, Nga, Pháp, CH Séc, người phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), Gia-vi-ê Xô-la-na để chứng kiến thời khắc Ngoại trưởng Ác-mê-ni-a, Ét-uốt Nan-ban-di-a và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, A-mét Đa-vu-tô-lu đặt bút ký vào bản hòa ước cho thấy tầm quan trọng của sự hòa giải bước đầu giữa hai nước. Những nỗ lực hàn gắn mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Ác-mê-ni-a đã tưởng chừng "giữa đường đứt gánh" khi vào giờ chót hai bên vẫn bất đồng với nhau về những tuyên bố mà cả hai dự định phát biểu sau khi ký văn kiện khiến buổi lễ bị trì hoãn tới 3 tiếng so với kế hoạch. Cuối cùng, khác biệt chỉ được "hóa giải" bằng quyết định cả hai ngoại trưởng sẽ không đọc diễn văn để tránh những lời lẽ "đụng chạm". Bản hòa ước được ký kết đã chính thức chấm dứt một thế kỷ chồng chất thù hận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-mê-ni-a. Hai nước đã xem nhau như "kẻ thù không đội trời chung" kể từ vụ thảm sát người Ác-mê-ni-a trong thời gian từ năm 1915 đến 1917, dưới thời đế quốc Ốt-tô-man tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ê-rê-van tuyên bố đây là tội ác diệt chủng vì đã gây ra cái chết của từ 1,5 đến 2,5 triệu người dân nước này và buộc những người Ác-mê-ni-a sống sót phải di tản hàng loạt ra nước ngoài. Tuy nhiên, cho tới nay An-ca-ra không thừa nhận đó là diệt chủng, mà chỉ là hành động thảm sát và rằng số nạn nhân chỉ từ 300.000 đến 500.000 người mà thôi. Để tạm gác sang một bên "di sản" đen tối và tiến đến một sự hòa giải giữa hai láng giềng, chính phủ hai nước đã đồng ý giao cho một ủy ban gồm các chuyên gia và các nhà sử học nhằm nghiên cứu các tài liệu lưu trữ và làm sáng tỏ vấn đề. Mặc dù vậy, hiện giờ quá khứ vẫn tiếp tục đè nặng lên hai nước khi khoảng 10.000 người Ác-mê-ni-a mở cuộc tuần hành tại thủ đô Ê-rê-van ngay trước lễ ký để phản đối việc nối lại bang giao với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự phản đối với thỏa thuận. Bên cạnh đó, An-ca-ra còn chịu áp lực từ đồng minh thân cận A-déc-bai-gian khi Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố phản đối hòa ước, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ - Ác-mê-ni-a bình thường hóa quan hệ khi Ba-cu và Ê-rê-van chưa giải quyết xong vụ tranh chấp khu vực Na-gô-nưi Ca-ra-bát là đi ngược lại quyền lợi của A-déc-bai-gian. Cũng vì sự tranh chấp vùng đất của A-déc-bai-gian mà Ác-mê-ni-a giành quyền kiểm soát trong cuộc chiến 1988-1994 giữa hai nước, An-ca-ra đã trả đũa bằng cách đóng cửa biên giới với Ác-mê-ni-a gần 16 năm trước đây. Do vậy, những khúc mắc trên rất có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tiến trình thông qua hòa ước tại Quốc hội mỗi nước để văn kiện chính thức có hiệu lực, đặc biệt khi nhiều nghị sĩ của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-mê-ni-a đều không ủng hộ kế hoạch, xem đây là một "cuộc hôn nhân cưỡng ép". Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun gọi sự kiện này là một quyết định lịch sử. EU cũng hoan nghênh thỏa thuận và cho rằng nó sẽ làm dịu bớt tình trạng căng thẳng tại Nam Cáp-ca-dơ, một trong những lý do cơ bản khiến Mỹ, châu Âu và Nga đều đặt nhiều kỳ vọng sự hòa giải giữa An-ca-ra và Ê-rê-van. Mùa hè năm ngoái, cuộc chiến Gru-di-a đã minh họa cho những nguy cơ bất ổn trong khu vực này, nếu các mối căng thẳng không được giải quyết. Vân Khanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/44/222997/