Thổ Nhĩ Kỳ: Giao tiếp bằng ngôn ngữ chim, nhiều người dân không cần đến điện thoại

'Ngôn ngữ chim' độc đáo tại Thổ Nhĩ Kỳ giúp người nông dân tại vùng núi hiểm trở giao tiếp dễ dàng hơn đang có nguy cơ bị đe dọa, khiến cho nước này đang tìm kiếm các biện pháp bảo tồn hình thức giao tiếp đặc biệt này.

Người dân làng Kuşköy Organ Civelek đang truyền lại "ngôn ngữ chim" cho thế hệ trẻ. (Nguồn: New York Times)

Tại khu vực Biển Đen nơi có địa hình đồi núi hiểm trở, người dân gần như không thể trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ thông thường, bởi đa số các ngôi nhà đều nằm cách xa nhau. Nhằm giải quyết trở ngại đó, người dân làng Kuşköy đã sáng tạo ra bộ ngôn ngữ cho riêng mình, bằng cách sử dụng tiếng sáo với khả năng truyền đạt mọi thông tin và tiếng nói như các loại ngôn ngữ thông dụng khác.

Ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt

Là một trong những người huýt sáo giỏi nhất ở Kuşköy - ngôi làng nằm ở dãy núi thuộc tỉnh Giresun, phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng sáo của Muazzez Kocek được đánh giá là trong trẻo và vang xa tới vài dặm, đến những đồi chè lớn và vườn cây ăn trái của vùng núi Biển Đen. Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến thăm làng Kuşköy vào năm 2012, Muazzez Kocek đã chào đón vị Tổng thống 65 tuổi của đất nước thảm bay bằng tiếng sáo: “Chào mừng Tổng thống đến thăm làng của chúng tôi!

Thứ ngôn ngữ bí mật mà bà Muazzez Kocek sử dụng ngôn ngữ là kuş dili, còn được biết đến là “ngôn ngữ chim”. Đây là tiếng cổ xưa được sử dụng rộng rãi tại những nơi có địa hình đồi núi của quốc gia nằm ở “Ngã tư của nền văn minh Đông Tây” này. Theo đó, “ngôn ngữ chim” đã biến đổi toàn bộ từ vựng trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thành các âm thanh với tần số cao độ và giai điệu du dương. Từ hàng trăm năm nay, hình thức giao tiếp bằng cách huýt sáo này đã trở thành công cụ giao tiếp quan trọng giữa những người nông dân, giúp trò chuyện trở nên dễ dàng trong điều kiện địa lý cách trở.

Ngày nay, có khoảng 10.000 người ở tỉnh Giresun và các khu vực lân cận đang sử dụng thứ tiếng cổ xưa này. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng, khiến cho nhu cầu sử dụng “ngôn ngữ chim” để giao tiếp ngày càng giảm, dẫn đến việc hình thức giao tiếp huýt sáo này đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Tiếng sáo của bà Muazzez Kocek được đánh giá là trong trẻo và vang xa tới vài dặm. (Nguồn: New York Times)

Bắt đầu học ngôn ngữ chim từ lúc 6 tuổi khi đi làm ruộng cùng cha, tính đến nay, bà Kocek đã sử dụng thứ ngôn ngữ này được 40 năm. Bà Kocek cho biết: “Ngôn ngữ chim là di sản của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ nó và tiếp tục sử dụng thứ tiếng cổ này”. Tuy nhiên, dù bà Kocek đã cố gắng truyền lại nét văn hóa truyền thống này cho ba người con gái, song chỉ có cô con gái 14 tuổi Kader Kocek biết nói và có thể huýt sáo bài quốc ca Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các nước trên thế giới còn lưu giữ được loại ngôn ngữ huýt sáo này. Phương thức giao tiếp tương tự cũng được sử dụng tại một số khu vực khác như Quần đảo Canary, Hy Lạp, Mexico và Mozambique.

Mới đây, “ngôn ngữ chim” được cho là đã “làm mê hoặc” các nhà nghiên cứu và các chuyên gia ngôn ngữ học. Theo đó, các nhà khoa học tin rằng, cấu trúc não xử lý ngôn ngữ luôn cố định, và việc giải thích ngôn ngữ chủ yếu xảy ra ở bán cầu não trái, trong khi giai điệu, nhịp điệu và tiếng hát sẽ do bán cầu não bên phải tiếp nhận. Tuy nhiên, theo nghiên cứu do nhà sinh học Onur Güntürkün tiến hành tại làng Kuşköy, ngôn ngữ chim được xử lý ở cả hai bán cầu não.

Truyền lại một di sản văn hóa

Là một trong những người có thể huýt sáo thành thục, Organ Civelek cảm thấy rất tự hào về phong tục ngôn ngữ ở đây và muốn chia sẻ rộng rãi “ngôn ngữ chim” này với khách du lịch.

Kể từ năm 1997, hằng năm, làng Kuşköy đều tổ chức Lễ hội Ngôn ngữ, Văn hóa và Nghệ thuật Chim, nơi cộng đồng dân làng tập hợp để luyện tập và thi nói ngôn ngữ chim. Theo đó, những thí sinh tham gia cuộc thi sẽ được ban giám khảo hướng dẫn nội dung trước khi trình bày với Hội đồng giám khảo.

Bên cạnh đó, mặc dù không có khách sạn nào đang được xây dựng tại làng Kuşköy, song người dân địa phương tại ngôi làng xa xôi này đang cải tạo một trường học cũ thành nhà nghỉ, với hy vọng sẽ tiếp đón nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài hơn.

Tại khu vực Biển Đen nơi tập trung nhiều địa hình đồi núi hiểm trở, người dân gần như không thể trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ thông thường bởi đa số các ngôi nhà tại đều nằm cách xa nhau. (Nguồn: New York Times)

“Ngôn ngữ chim” đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2014, song loại hình giao tiếp kỳ lạ này đã được liệt vào trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn của UNESCO năm 2017. Trong một thông cáo báo chí, tổ chức này tuyên bố rằng, việc sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống còn của ngôn ngữ chim”.

Mặc dù công nghệ được cho là đang góp phần khiến cho loại hình giao tiếp này dần biến mất, song cũng chính công nghệ là tác nhân giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ “ngôn ngữ chim”.

Là người sáng tạo ra từ điển ngôn ngữ huýt sáo Islık Dili Sözlüğü, ông Civelek hiện đang sử dụng ứng dụng trên để phục vụ tốt hơn cho việc giảng dạy “ngôn ngữ chim” cho trẻ em trong dịp Hè. Ứng dụng Islık Dili Sözlüğü đã nhận được sự chú ý rộng rãi của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, khi người phát triển ứng dụng được mời lên Đài truyền hình quốc gia.

“Điện thoại của bạn có thể bị mất hoặc bị hỏng, nhưng nếu bạn thở được, bạn có thể huýt sáo. Ngôn ngữ chim là một công cụ giao tiếp đặc biệt mà bạn có thể mang theo bất cứ nơi nào,” ông Civilelek cho biết.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tho-nhi-ky-giao-tiep-bang-ngon-ngu-chim-nhieu-nguoi-dan-khong-can-den-dien-thoai-95285.html