Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 Nga: Phương Tây đón sự thật sốc

Chần chừ cho Thổ gia nhập EU, Châu Âu lặng nhìn Ankara quay gót theo Nga.

Hãng tin tức Đức Die Welt mới đây đã đăng tải bài bình luận liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp các đe dọa từ chính quyền Mỹ và các đồng minh châu Âu để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Nga chuyển S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ báo Đức cho rằng, động thái mới nhất về việc chuyển thiết bị S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy sự kiên quyết của Ankara với phương Tây. Đó cũng có thể dấu hiệu cho thấy các đồng minh NATO khó có cơ hội cho phép Thổ Nhĩ Kỳ quay đầu. Ankara có thể sẽ phải rời khỏi hàng ngũ đồng minh với NATO.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ chọn hướng xoay trục sang Nga bất chấp đe dọa của Mỹ và châu Âu là bởi họ cho rằng, Nga đang có nhiều ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông hơn Mỹ.

Die Welt cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Receip Tayyip Erdogan đã chọn bố trí hệ thống S-400 ở gần Thủ đô Ankara nhằm tránh nguy cơ đảo chính đã từng xảy ra vào năm 2016. Khi cuộc đảo chính nổ ra, tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị không kích.

Ông Erdogan có thể đã lo ngại về khả năng nếu triển khai tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất thì Washington có thể điều khiển các tên lửa trong hệ thống phòng không từ xa. Trong tình huống bị tấn công thực sự, nếu các tên lửa bị Washington khống chế, tắt kích hoạt hệ thống phóng, hậu quả là không thể kiểm soát.

Đáng chú ý là thương vụ mua S-400 của Nga cũng được các thành viên trong Đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Lãnh đạo phe đối lập tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Kilicdaroglu đã nói rằng, các thiết bị quân sự là cần thiết để đảm bảo an ninh đất nước và cũng từ chối hợp tác với Washington sau khi Mỹ tuyên bố sẽ có thể từ chối bán hệ thống phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nếu mong muốn trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ không được đáp ứng, dĩ nhiên, chúng tôi sẽ theo đuổi các lựa chọn khác để đảm bảo an ninh của đất nước" - ông Kilicdaroglu nói.

Sau khi thương vụ S-400 gần như được hoàn tất với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại quay sang đổ lỗi cho tình hình bế tắc hiện tại là do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ chối bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đương kim Tổng thống Mỹ cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã không được đối xử một cách công bằng.

Sau đo, Mỹ đã hoàn tất thỏa thuận bán tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara vẫn chưa chấp nhận, nói rằng các điều khoản do Mỹ đề xuất không tốt như thỏa thuận với Nga đã ký từ trước vào tháng 12/2017.

Sự lo ngại của tờ báo Đức chỉ cho thấy một phần các lo lắng ở châu Âu về việc một đồng minh trong khối NATO lại sở hữu các thiết bị quân sự tối tân của địch thủ. Đó là Nga.

Trong tình huống như vậy, châu Âu cũng cần suy nghĩ kỹ hơn về sự quay lưng của Thổ Nhĩ Kỳ về phía đồng minh. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng nuôi tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) song sự chần chừ của châu Âu càng khiến họ khó khăn trong việc hối thúc Ankara kiểm soát dòng người di cư từ Trung Đông đến miền đất hứa ở các nước Âu châu.

Khi EU đã liên tục từ chối Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng đòn gì để phản ứng, tương tự như việc mua S-400 để "trả thù" thương vụ Patriot với Mỹ.

Thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, châu Âu cảnh báo ông Erdogan cẩn trọng duy trì quyền lực. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Trong khi đó, Giáo sư khoa học chính trị người Đức Thomas Eger trả lời phỏng vấn Tạp chí Focus Online lại cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang chọn cách "cắt tay cắt chân" chính mình khi quay lưng vào đồng minh mà chấp thuận mua hệ thống S-400 của nó.

Ông Thomas Eger cho rằng thương vụ mua S-400 giữa Ankara và Moscow sẽ làm xấu đi đáng kể mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, khiến Washington buộc phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua thiết bị quân sự của Nga.

Mặc dù theo chuyên gia Thomas Eger, Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng cố gắng trì hoãn trừng phạt nhưng về mặt pháp lý, ông sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn việc áp trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Eger nói thêm rằng nếu "Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rời khỏi NATO, đây sẽ là một tổn thất lớn về mặt địa chính trị chiến lược cho liên minh".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Eger, việc xuất hiện cuộc xung đột giữa Ankara và Washington đã là "một chiến thắng tuyệt vời cho Tổng thống Vladimir Putin". Ông lưu ý rằng thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn ở trong NATO, trong số các thành viên khác của liên minh quân sự này sẽ có sự ngờ vực lẫn nhau.

Thậm chí, nhờ thương vụ mua S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ, danh tiếng của Nga trên thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh chóng, quân đội Nga sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu bí mật, đây sẽ là một lợi thế rất lớn cho các hoạt động đặc biệt của nước này. Đồng thời, nhà phân tích chính trị Đức gọi việc tăng cường mối quan hệ giữa Moscow và Ankara là "tin nóng quốc tế".

Tuy nhiên, Ankara có thể phải trả một cái giá quá cao khi chấp nhận đánh đổi mối quan hệ với Nga dẫn tới thiệt hại lớn về chính trị và kinh tế. Cái giá này có thể còn phải trả bằng quyền lực của Tổng thống Erdogan.

Bất chấp các cảnh báo, Tổng thống Erdogan trước đó đã thông tin về khả năng Mỹ sẽ không trừng phạt Ankara về thương vụ S-400. Các trừng phạt của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể chỉ là đòn "giơ cao đánh khẽ" mà thôi.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tho-nhi-ky-mua-s-400-nga-phuong-tay-don-su-that-soc-3383762/