Thổ Nhĩ Kỳ 'nhũn nhặn' ở Idlib: Hiệu ứng Nagorno-Karabakh?

Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái xuống thang hết sức bất ngờ ở Khu vực giảm leo thanh xung đột Idlib-Syria, sau thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm sự hiện diện ở Idlib

Thỏa thuận giảm leo thang ở Khu vực giảm leo thang xung đột Idlib và thành lập khu phi quân sự ở phía nam của tỉnh này lâu nay bị đình trệ do Thổ Nhĩ Kỳ chưa muốn cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố thân al-Qaeda như Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và Đảng Hồi giáo Turkistan (Turkistan Islamic Party), vì những nhóm này là nòng cốt của “phe đối lập” do Ankara hậu thuẫn.

Bài viết trên trang web của hãng tin al-Masdar News nhận định, tình hình này không thể thay đổi nếu không có một hoạt động quân sự khác của Quân đội Syria hoặc ý chí chủ quan của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự bắt đầu hoạt động chống lại những kẻ khủng bố ở Idlib. Kịch bản thứ hai có vẻ khó xảy ra vì nó không có lợi cho Ankara.

Tuy nhiên, có vẻ như Moscow vẫn chưa từ bỏ ý định thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một số hành động mang tính xây dựng và trong 2 tháng qua, các máy bay chiến đấu của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tiến hành một số lượng lớn các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng và trại huấn luyện của những kẻ khủng bố.

Trong bối cảnh đó, Ankara đã sơ tán các trạm quan sát của mình ở Maar Hattat, Morek và Sher Mughar, đồng thời bắt đầu rút lực lượng khỏi Qabtan al-Jabal và Sheikh Aqil. Hầu hết các vị trí này đã bị Quân đội Syria bao vây trong các đợt tiến công chống khủng bố trước đó.

Động thái này đi ngược lại với tuyên bố của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ rút không có đồn bốt nào, kể cả những trạm kiểm soát đang bị bao vây, khỏi Khu vực giảm leo thang xung đột Idlib và thay vào đó, quân đội Syria sẽ rút lui về các vị trí phía sau.

Theo bình luận trên trang web của hãng tin al-Masdar News, việc Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt sự hiện diện ở Idlib là một minh chứng rõ ràng cho thấy các nỗ lực ngoại giao kết hợp với các cuộc không kích trên thực địa của phía Nga có tác dụng cụ thể.

Có sự liên quan nào giữa thỏa thuận ngừng bắn Nagorno Karabakh với tình hình Idlib/Syria?

Có sự liên quan nào giữa thỏa thuận ngừng bắn Nagorno Karabakh với tình hình Idlib/Syria?

Tuy nhiên, theo giới phân tích, còn có những nguyên nhân khác tác động đến cục diện ở khu vực giảm leo thang xung đột cuối cùng ở Syria, đặc biệt là sự liên quan của nó với một thỏa thuận ngừng bắn khác, diễn ra ở một khu vực cách đó gần 1000 km.

Cục diện ở Idlib bắt đầu có sự biến chuyển vào tháng 11, với những động thái khá tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là sau khi Thỏa thuận ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh được ký kết hôm 10/11, với trung gian hòa giải là Nga.

Sự trao đổi giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 05/12 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm bớt sự hiện diện quân sự ở miền Bắc Syria.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga lưu ý rằng, việc chấm dứt các hành động thù địch vẫn được duy trì ở hầu hết lãnh thổ Syria, nhưng riêng tình hình ở Idlib vẫn căng thẳng. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 11, việc rút trạm quan sát thứ 4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất.

“Việc thực hiện các thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về ổn định tình hình ở khu vực giảm leo thang xung đột Idlib vẫn tiếp tục. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm bớt sự hiện diện của mình tại các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của quân chính phủ Syria” - bà Maria Zakharova nói.

Đây là điều hết sức bất ngờ vì mới chỉ 1 tháng trước đó, chính quyền Ankara đã tuyên bố sẽ không rút bất cứ trạm quan sát nào trong vùng lãnh thổ do Quân đội Syria (SAA) kiểm soát, thậm chí còn đe dọa sẽ đáp trả khốc liệt nếu các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa.

Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm sự hiện diện ở Khu vực giảm leo thang xung đột Idlib-Syria

Tạp chí Mỹ “Lợi ích Dân tộc” (The National Interest-NI) vừa qua đã có bài viết nêu ra 3 sai lầm nghiêm trọng của tình báo Mỹ trong cuộc xung đột quân sự vừa qua ở Nagorno-Karabakh, làm suy yếu đáng kể vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực Caucasus (Kavkaz) và trên thế giới.

Ở đây chúng ta không bàn tới 2 sai lầm đầu (bất ngờ về sự bùng phát xung đột ở Nagorno-Karabakh và việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sau thỏa thuận ngừng bắn 10/11), tờ tạp chí Mỹ cho rằng, sai lầm thứ 3 là tình báo Mỹ mờ mịt về chi tiết các cuộc đàm phán kín giữa ông Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo phân tích của NI, ngoài các điều khoản liên quan đến việc phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Nagorno-Karabakh và vùng Caucasus (Kavkaz), các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước còn bao hàm các vấn đề quốc tế khác, đặc biệt là một số vấn đề tại các điểm nóng Syria.

Theo National Interest, ông Erdogan có thể đồng ý giảm sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại, giúp tăng cường sự hiện diện của Nga ở khu vực giảm leo thang xung đột Idlib của Syria để đổi lấy việc ông Putin ủng hộ Ankara tham gia vào tiến trình hòa bình ở Nagorno-Karabakh.

Thực tế cho thấy đúng là Thổ Nhĩ Kỳ đã được phép tham gia lực lượng giám sát ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.

Mặc dù phạm vi hoạt động của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ giới hạn trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng đó đã là thành công lớn với ông Erdogan, bởi vì nước này đã công khai bước ra từ bóng tối, khi trước đó chỉ hiện diện âm thầm trong cuộc chiến giữa Baku và Erevan.

Và hiện nay, việc Thổ Nhĩ Kỳ giảm hiện diện ở Idlib phải chăng là hành động “đáp lễ” cho Nagorno-Karabakh?

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tho-nhi-ky-nhun-nhan-o-idlib-hieu-ung-nagorno-karabakh-3423827/