Thổ Nhĩ Kỳ - Saudi Arabia đấu khẩu vụ nhà báo Jamal mất tích

Vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi - biên tập viên của một tờ báo có tiếng ở Saudi Arabia - làm dấy lên mối quan ngại trên toàn cầu, đặc biệt sau khi hồi cuối tuần qua các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giới chức nước này cho rằng ông Khashoggi đã bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul.

Vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi - biên tập viên của một tờ báo có tiếng ở Saudi Arabia - làm dấy lên mối quan ngại trên toàn cầu, đặc biệt sau khi hồi cuối tuần qua các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giới chức nước này cho rằng ông Khashoggi đã bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul.

Cuộc khẩu chiến quanh nghi án nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào cuộc gay gắt, và có những tuyên bố chỉ trích nhắm vào Riyadh. Các nhà chức trách Ankara và Riyadh đã đưa ra những giải trình mâu thuẫn về số phận của nhà báo này, nhân vật thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi Arabia về chính sách đối ngoại và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, đòi chính phủ các nước có câu trả lời rõ ràng về số phận của nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AFP

Người biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, đòi chính phủ các nước có câu trả lời rõ ràng về số phận của nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AFP

Riyadh phải “chứng minh” nhà báo đã rời khỏi lãnh sự quán

Tổng thống Erdogan, trong tuyên bố đưa ra hôm 9-10, đã yêu cầu giới chức Saudi Arabia phải chứng minh, nhà báo Jamal, người mất tích từ tuần trước, đã rời khỏi lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi phải có được kết quả từ cuộc điều tra này ngay khi có thể. Các quan chức thuộc lãnh sự quán này không thể tự bào chữa chỉ bằng cách nói là “ông ấy đã rời đi”, ông Erdogan nói và nhấn mạnh thêm: “Nếu anh ấy đã rời đi, các bạn phải chứng minh điều đó bằng những hình ảnh cụ thể”.

Hồi cuối tuần, một quan chức chính phủ cho biết, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã kết luận, nhà báo Jamal bị sát hại bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul. Theo quan chức nói trên, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp tình tiết đáng chú ý, đó chính là trong thời gian nhà báo Jamal có mặt tại Lãnh sự quán, một phái đoàn gồm 15 người Saudi Arabia, trong đó có một số quan chức, đã đến thăm tòa nhà này và sau đó tất cả đều rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Các điều tra viên Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ những người này đã sát hại ông Jamal và đây là vụ giết người đã được lên kế hoạch từ trước.

Riyadh kịch liệt phủ nhận cáo buộc và nói rằng, nhà báo Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán.

Mở rộng điều tra

Tổng thống Erdogan, người tuyên bố đích thân theo dõi vụ việc cho biết, Ankara hiện không có tài liệu hay bằng chứng nào về vụ việc này, nhưng sẽ tích cực điều tra.

Đó là lý do mà các phương tiện truyền thông cho biết, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực thuyết phục chính phủ Saudi Arabia cho phép lục soát lãnh quán của họ tại Istanbul. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong tuyên bố cuối ngày 8-10 cũng kêu gọi chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự biến mất của ông Jamal và công khai minh bạch kết quả điều tra. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lần thứ 2 triệu tập đại sứ Saudi Arabia về sự biến mất của nhà báo này. Một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận, đại sứ Saudi Arabia đã gặp Thứ trưởng nước chủ nhà Sedat Onal. Đại sứ Saudi Arabia lần đầu tiên được triệu tập về vụ việc này hôm 4-10. Lúc đó, Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, đại sứ Saudi Arabia cho biết, ông không có bất kỳ thông tin nào về việc ông Jamal đang ở đâu.

“Tội ác khủng khiếp”

Những người biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul với các biểu ngữ: “Chúng tôi sẽ không rời khỏi mà không có Jamal Khashoggi”, yêu cầu có câu trả lời rõ ràng về số phận của nhà báo này. Nhà hoạt động Yemen Tawakkol Karman, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2011, cho biết, đây sẽ là một “tội ác khủng khiếp” nếu những tuyên bố về cái chết của ông Jamal là sự thật.

“Giết chết anh ấy cũng giống như giết chết chúng tôi. Chính sách này chỉ là một chính sách khủng bố. Không có sự khác biệt giữa khủng bố nhà nước và các hành động khủng bố khác”, bà nói thêm. Nhà báo Jamal rời khỏi Saudi Arabia vào năm ngoái do lo sợ bị trừng phạt về những quan điểm của mình, và mất tích trong vòng hơn 48 giờ đồng hồ sau khi đi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbu hôm 2-10. Ông Khashoggi đến lãnh sự quán để đăng ký các thủ tục cần thiết cho cuộc hôn nhân với bà Hatice Cengiz, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng, không có bằng chứng cho thấy ông đã rời khỏi phái bộ ngoại giao này, trong khi đó Riyadh cho hay ông rời khỏi đó cùng ngày.

Vụ mất tích của nhà báo Khashoggi - biên tập viên của một tờ báo có tiếng ở Saudi Arabia - làm dấy lên mối quan ngại trên toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã vào cuộc, tuyên bố bày tỏ “lo ngại” về sự biến mất của nhà báo. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, đồng minh hàng đầu của ông Trump ở Thượng viện, đã cảnh báo về một tác động “tàn phá” đối với liên minh Mỹ - Saudi Arabia nếu cáo buộc sát hại được xác nhận.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_196493_tho-nhi-ky-saudi-arabia-dau-khau-vu-nha-bao-jama.aspx