Hiến pháp năm 1946: Bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ

Hiến pháp năm 1946 được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản Hiến pháp nào trên thế giới với những giá trị có ý nghĩa muôn đời.

Trong muôn vàn khó khăn của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đó là xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ. Ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, với việc xác định “Chúng ta phải có bản Hiến pháp dân chủ”, những công việc chuẩn bị dự thảo Hiến pháp đã được tích cực tiến hành. 10 tháng sau khi Quốc hội khóa I ra đời, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I chính thức thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Vì hoàn cảnh chiến tranh, bản Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố nhưng Hiến pháp năm 1946 được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản Hiến pháp nào trên thế giới với những giá trị có ý nghĩa muôn đời.

Hiến pháp năm 1946 được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ.

Hiến pháp năm 1946 được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ.

Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua ngày 9/11/1946 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I với 240/242 đại biểu tán thành. Vậy là, sau gần 3 thập kỷ kể từ Bản yêu sách của dân An Nam (năm 1919) gửi hội nghị Versailles đến năm l946, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện.

Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn, phức tạp, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm cùng một lúc đe dọa nền độc lập dân tộc mới giành được, Hiến pháp 1946 thực sự là công cụ đặc biệt quan trọng và có hiệu lực nhất để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng và thực hiện quyền lực nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại kì họp thứ 2, Quốc hội Khóa I.

Theo Giáo sư Thái Vĩnh Thắng, nguyên Chủ nhiệm khoa hành chính nhà nước, trường Đại học Luật Hà nội thì bản Hiến pháp năm 1946 dù ngắn gọn, súc tích, chỉ có 3.385 từ, 70 điều, 7 chương nhưng chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc, cốt lõi.

"Những tư duy đảm bảo quyền tự do dân chủ tương đối mẫu mực mà sau này mình phải khôi phục lại. Bây giờ nhiều nội dung vẫn tiến bộ, về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, Các quyền tự do dân chủ của người dân, tự do cá nhân tuy quy định ít nhưng rất sâu sắc"- GS Thắng cho hay.

Giá trị cốt lõi xuyên suốt của Hiến pháp năm 1946 là giá trị dân chủ. Từng điều trong bản Hiến pháp đều nhất quán một quan điểm, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, xây dựng một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Đó vừa là mục đích của cuộc Cách mạng giành độc lập, đó cũng là mục tiêu phải hướng tới khi chính thể dân chủ cộng hòa đã được lập nên. Hiến pháp quy định nội dung và cách thức thực hành dân chủ; là phương tiện để cho nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ.

GS Trần Ngọc Đường

Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội phân tích: "Sau chương Chế độ chính trị là chương về Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để thấy rằng vị trí pháp lý của quyền tự do dân chủ trong điều kiện ra đời của bản Hiến pháp được đưa lên hàng đầu để nói Bác nhận thức sâu sắc quyền tự do dân chủ của người dân của một nước mới giành được độc lập. Các quyền tự do dân chủ phải được ghi nhận đầy đủ trong bản Hiến pháp. Người dân là người chủ và là người làm ra bản Hiến pháp đó nên điều đầu tiên và trước hết là họ phải có quyền tự do dân chủ. Giá trị quyền tự do dân chủ trong Hiến pháp năm 1946 đầy đủ trên các mặt, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như các quyền tự do của cá nhân công dân được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch".

Dân chủ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu "dân là chủ và dân làm chủ". Lần đầu tiên, người dân Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một nước độc lập có chủ quyền. Lần đầu tiên, các quyền tự do dân chủ của con người được Hiến pháp, đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm, trong đó có những quyền quan trọng như quyền tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc, quyền bầu cử và ứng cử, quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, quyền tư hữu tài sản, quyền học tập, quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài…

Những giá trị cốt lõi tốt đẹp của bản Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa và phát huy trong bốn bản Hiến pháp sau này là Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Bốn bản Hiến pháp là bốn nấc thang về việc ghi nhận và phát triển các quyền cũng như cơ chế bảo vệ các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.

Việc ghi nhận các quyền tự do, dân chủ của người dân là giá trị tiến bộ nhưng quan trọng hơn là khẳng định cơ chế thực hiện, bảo đảm và bảo vệ quyền. Ngay trong lời nới đầu của Hiến pháp năm 1946 khẳng định nguyên tắc: thực hành một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Yêu cầu này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong những ngày đầu Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, thù trong, giặc ngoài mà vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay.

GS Lê Minh Thông.

Giáo sư Lê Minh Thông, trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những giá trị tiến bộ của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân đã được phát huy và tạo ra giá trị thực trong xã hội.

"Sự trưởng thành về mặt dân chủ, từ nhận thức trong xã hội đến thực hành dân chủ, không khí dân chủ, tinh thần đối thoại... có bước trưởng thành và phát triển, cách ứng xử của nhà nước đối với xã hội cũng khác, tinh thần pháp quyền rất rõ, nhà nước không còn can thiệp như trước đây, người dân đến cơ quan công quyền không còn bị "hành" như trước dây. Thành phố Hồ Chí Minh, dân đánh giá cán bộ, công chức ngay trong ipad đặt ở trước cửa cơ quan. Lương cán bộ, công chức được tính trên sự đánh giá đó; quyền sở hữu được khẳng định, được bảo vệ, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển"- GS Thông khẳng định.

Tuy vậy, giáo sư Lê Minh Thông cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, trong một số lĩnh vực, hiện chúng ta còn thiếu luật để cụ thể hóa các cơ chế thực hiện quyền dân chủ trực tiếp hay quá trình tổ chức triển khai thường có độ vênh với các quy định của Hiến pháp, của luật khiến dân vẫn kêu, vẫn chưa vui, chưa thật sự tin cậy.

Từ thực tế này, Giáo sư Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, điều quan trọng là sự thay đổi trong tư duy, trong trách nhiệm của những người thực thi luật. Theo GS Liên, quy định trước đây Nhà nước là người ban quyền, hiện nay là trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền đó. Luật thì nhiều rồi nhưng vẫn rơi rớt tư tưởng Nhà nước là người phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền.

Để những giá trị của Hiến pháp tiếp tục lan tỏa, tạo nên những giá trị tốt đẹp trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, theo các chuyên gia, quan trọng là phải giúp cho xã hội, nhân dân cũng như các cán bộ công chức nhận thức được giá trị mới và vai trò của Hiến pháp và vấn đề bảo đảm thực hiện trong thực tế. Bởi hiện nay yếu nhất vẫn là thực thi pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước bên cạnh việc ban hành quy định pháp luật có cơ chế thực thi cao, tuân thủ pháp luật dễ dàng, không tốn kém thì cũng phải đề cao kỷ luật thực thi pháp luật, nhất là đối với cán bộ, công chức nhà nước./.

Vân Hồng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hien-phap-nam-1946-ban-hien-phap-dan-chu-tien-bo-828802.vov