Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nhận F-35 nếu giao bí mật S-400 cho Mỹ?

Thương vụ mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ ký với Nga đã mang lại cho quốc gia này những thiệt hại không hề nhỏ trong quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ.

Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ký kết thỏa thuận mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất đã làm tiêu tốn rất nhiều giấy mực của báo giới.

Sở dĩ một đồng minh thân thiết của Washington như Ankara lại quyết định đặt niềm tin vào tên lửa phòng không Nga là do trước đó yêu cầu được cung cấp tổ hợp đánh chặn Patriot đã bị từ chối.

Ngoài việc cảnh báo sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ được tích hợp hệ thống S-400 vào mạng lưới phòng không chung của khối quân sự NATO thì Mỹ còn có "độc chiêu" của riêng mình.

Hoa Kỳ đã quyết định áp dụng điều luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (Đạo luật CAATSA) lên Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến quyết định mua S-400.

Ngoài việc cảnh báo sẽ dừng tất cả các chương trình hợp tác quân sự trong tương lai thì Washington còn tiến hành đình chỉ việc bàn giao tiêm kích tàng hình F-35A cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù lễ bàn giao vẫn được diễn ra trên đất Mỹ, tuy nhiên các tiêm kích F-35A chế tạo cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được phép đi khỏi đây khi cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt.

Điều này đã làm chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng tức giận vì họ là một trong những quốc gia đã đóng góp ngân sách vào chương trình nghiên cứu phát triển tiêm kích tàng hình F-35 ngay từ thời gian đầu.

Tuy vậy phản ứng cứng rắn của Ankara có vẻ không đủ để làm lay chuyển quyết định từ phía Washington, điều kiện tiên quyết vẫn được đưa ra đó là phải hủy bỏ thương vụ S-400 với Nga.

Với mối quan hệ đan xen chồng chéo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó mà từ bỏ việc xây dựng năng lực phòng thủ của riêng mình để tránh quá phụ thuộc vào Mỹ, nhưng mặt khác họ cũng không hề muốn quan hệ với Washington bị phá hủy.

Hậu quả mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu không chỉ giới hạn ở việc không được tiếp nhận 100 chiếc F-35 mà toàn bộ số vũ khí mua từ Mỹ trước kia cũng đứng trước tương lai bị loại biên sớm do nguồn phụ tùng đảm bảo kỹ thuật bị cắt đứt.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, Mỹ cũng rất không muốn bị mất một đồng minh cực kỳ quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara vẫn còn giá trị lớn trên bàn cờ địa chính trị khu vực.

Do vậy lúc này đã có một phương án trung dung được các nhà quan sát tình hình khu vực nhắc tới, đó là Mỹ sẽ nhắm mắt để Ankara mua S-400 và vẫn giao F-35 cho họ, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải lặng lẽ cung cấp bí mật của S-400 cho Washington.

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Nga chuyển giao công nghệ một số thành phần của S-400 để họ sản xuất tại chỗ, lúc này việc bí mật trao đổi với Mỹ là điều trong tầm tay của Ankara.

Dĩ nhiên đây mới chỉ là một giả thiết mà thôi nhưng khả năng nó trở thành hiện thực là không hề nhỏ, do vậy Moskva cũng cần phải tính tới điều này để có thể đưa ra được các phương án đối phó phù hợp.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tho-nhi-ky-se-duoc-nhan-f35-neu-giao-bi-mat-s400-cho-my/790918.antd