Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nghiên cứu và sản xuất vũ khí trong nước

Những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng tăng cường chi tiêu ngân sách quốc phòng với việc chú trọng đầu tư cho nhiệm vụ chế tạo và sản xuất vũ khí trong nước. Trong đó, dự án sản xuất tên lửa SOM của Công ty quốc phòng Roketsan, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những dự án gây được sự chú ý của dư luận.

Tên lửa SOM (Stand-off missile) là loại tên lửa hành trình được phóng từ máy bay ở độ cao đủ để tránh được hỏa lực từ các tổ hợp phòng không mặt đất.

Tên lửa hành trình tự chế tạo đầu tiên

Năm 2006, nhằm đáp ứng yêu cầu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ về việc chế tạo và sản xuất tên lửa hành trình trong nước, dự án phát triển tên lửa SOM được khởi động với sự hợp tác của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Quốc phòng TUBITAK. Sau khi hoàn thành công tác thử nghiệm vào năm 2013, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức chọn Công ty Rocketsan làm nhà thầu đảm nhiệm việc sản xuất hàng loạt loại tên lửa này.

Tên lửa SOM của Công ty Roketsan. Ảnh: Asian Defence Technology.

SOM là loại tên lửa hành trình không đối đất, có thể triển khai trong mọi điều kiện thời tiết, có nhiệm vụ phá hủy cả mục tiêu cố định lẫn di động. Loại tên lửa tầm xa này có khả năng tránh bị phát hiện, duy trì hoạt động bền bỉ, độ chính xác và sát thương cao trong tấn công. Thiết kế dạng mô-đun của SOM cho phép phát triển tên lửa này sang nhiều biến thể, qua đó đem đến sự linh hoạt trong tác chiến cho lực lượng không quân, cũng như đáp ứng những nhu cầu của khách hàng.

Tên lửa SOM có chiều dài 4 m, tổng khối lượng 600 kg, bao gồm đầu đạn nặng 230 kg, tầm hoạt động hiệu quả 180 km nhờ sử dụng động cơ phản lực. Trong tác chiến, tên lửa SOM có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu như trạm radar cố định, trung tâm chỉ huy, hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu và cả các chiến hạm hải quân của đối phương.

Tên lửa SOM còn được trang bị hệ thống dò tìm hồng ngoại (IIR) nhằm cung cấp hình ảnh với độ phân giải cao, cho phép phát hiện các mục tiêu trong phạm vi rộng, nhanh chóng, chính xác, chống tác chiến điện tử. Ngoài ra, tên lửa cũng có thể được điều hướng bằng cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống dẫn đường quán tính (INS), điều hướng tham chiếu địa hình (TRN), cảm biến nhận dạng mục tiêu tự động (ATR).

Hiện nay, các phiên bản của tên lửa SOM đang được Công ty Rocketsan sản xuất bao gồm SOM-A, SOM-B1, SOM-B2. SOM-J – một biến thể được phát triển dành riêng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, hiện đang được nghiên cứu chế tạo trong một dự án riêng.

SOM-J – tên lửa tối ưu hóa khả năng chiến đấu cho F-35

Hợp đồng hợp tác giữa Rocketsan – công ty sản xuất tên lửa SOM và Lookheed Martin – “cha đẻ” của F-35 sớm được ký kết vào tháng 5-2012, với mục tiêu chế tạo phiên bản tên lửa hành trình SOM-J dành riêng cho chiếc chiến đấu cơ đình đám này.

Video mô phỏng tên lửa SOM-J tích hợp với hệ thống vũ khí của F-35. Nguồn: Lockheed Martin.

Ông Ismail Demir, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu: “Không một loại tên lửa hành trình nào có thể đạt tới khả năng của SOM-J trong việc kết hợp với F-35. Trong tương lai, SOM-J sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho các quốc gia sử dụng máy bay F-35”.

Theo thông tin ban đầu, tên lửa SOM-J là mẫu tên lửa hành trình tầm xa, dự kiến tích hợp trên phiên bản Block 4 của dòng chiến đấu cơ F-35. Qua đó, SOM-J giúp duy trì khả năng tàng hình vượt trội của F-35, đem đến cho máy bay này khả năng tấn công mạnh mẽ và đầy hiệu quả. SOM-J cũng giúp khắc phục điểm yếu cố hữu của dòng máy bay này là khoang vũ khí có kích thước nhỏ, chỉ chứa được các loại vũ khí có tầm hoạt động hạn chế. Vì vậy, với bản chất là tên lửa phóng vượt ngoài tầm với của các hệ thống phòng không, SOM-J không chỉ giải quyết được vấn đề này, mà còn giúp F-35 đạt được khả năng tối ưu nhất. Ông Eyup Kaptan, Chủ tịch Rocketsan cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng nỗ lực chung từ hai phía sẽ tăng cường khả năng nhận biết của SOM-J và đáp ứng đòi hỏi về khả năng chiến tranh chống các mục tiêu dưới mặt đất của F-35”.

Việc sản xuất hàng loạt tên lửa SOM-J sẽ bắt đầu trong năm 2018, sau khi loại tên lửa này được thử nghiệm thành công trên phi cơ F-16 vào năm 2017.

Là tên lửa hành trình đầu tiên tự chế tạo và sản xuất, SOM được coi là niềm tự hào, là minh chứng sức mạnh của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tại tất cả các triển lãm quân sự quốc tế mà Roketsan tham dự, SOM luôn nhận được sự quan tâm lớn từ giới chuyên gia và quan chức các nước. Mới đây nhất, Quân đội Australia đã ngỏ ý muốn mua tên lửa SOM-J để tích hợp cho các máy bay F-35 của nước này. Với những đánh giá và phản hồi tích cực, tên lửa SOM được dự đoán sẽ là mặt hàng tiềm năng trên thị trường vũ khí thế giới trong thời gian sắp tới.

NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tho-nhi-ky-tang-cuong-nghien-cuu-va-san-xuat-vu-khi-trong-nuoc-551216