Thổ Nhĩ Kỳ: Tìm phương án mới khi bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35

Ngày 17-7, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35, đây là quyết định chính thức sau những đồn đoán về việc Mỹ sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Bà Ellen Lord, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, tuyên bô, Washington và các đối tác đã đình chỉ Ankara và khởi động quá trình chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35. Theo quan chức này, việc chuyển chuỗi cung ứng đối với F-35 sẽ khiến Mỹ tốn từ 500-600 triệu USD chi phí kỹ thuật không định kỳ.

"Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất hơn 900 bộ phận của F-35. Chuỗi cung ứng sẽ chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các nhà máy chủ yếu nằm ở Mỹ sau khi các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình. Chắc chắn họ sẽ tiếc nuối vì mất việc làm và cơ hội kinh tế trong tương lai bởi quyết định (mua S-400)" - bà Lord nói.

Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, bao gồm tạm dừng huấn luyện cho các phi công Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả phi công và nhân viên quân sự tham gia khóa đào tạo F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến phải trở về nước ngày 31-7.

Trong khi đó, Carolyn Nelson, người phát ngôn của Tập đoàn Lockheed Martin - chịu trách nhiệm chế tạo F-35, nói: "Trong vài tháng qua, chúng tôi đã tìm các nguồn cung cấp thay thế ở Mỹ để nhanh chóng điều chỉnh vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn tham gia chương trình".

Trước đó, Washington cấm bán 100 tiêm kích F-35 cho Ankara, dự kiến bàn giao đến năm 2020. Mỹ đang xem xét mở rộng doanh số F-35 cho 5 quốc gia khác, bao gồm Romania, Hy Lạp và Ba Lan. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách David Trachtenberg lưu ý rằng, Mỹ vẫn coi trọng mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và động thái trên chỉ là "phản ứng cụ thể đối với một hành động cụ thể".

Việc loại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35 bị ảnh hưởng. Theo ông H.E. Edward Whitfield, cựu nghị sĩ Mỹ, thì một số bộ phận F-35 được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Không những thế, đây cũng là một trong những trung tâm bảo trì chính cho chương trình F-35 ở châu Âu. Vì vậy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia, Mỹ sẽ phải thay đổi rất nhiều, và thay đổi toàn những điểm quan trọng. "Nếu loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, những cuộc tranh cãi gay gắt sẽ nổ ra, làm lung lay nền tảng của liên minh NATO", ông H.E. Edward Whitfield nói.

Dù tuyên bố sẽ "chia tay" với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cho biết, Ankara vẫn "có cửa" quay trở lại chương trình F-35 nếu bỏ lô tên lửa của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ ý tưởng này. Đặc biệt, Ankara còn nhấn mạnh "muốn đi xa hơn nữa trong việc sản xuất vũ khí chung với Moscow".

Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, hành động trên của Mỹ là không công bằng và có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. "Động thái đơn phương này không phù hợp với tinh thần liên minh và không dựa trên bất kì quy định hợp pháp nào. Chúng tôi đề nghị Mỹ thay đổi quyết định sai lầm có thể gây ra những vết thương không thể khắc phục trong quan hệ chiến lược" - Bộ này kêu gọi.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp phòng không do Nga sản xuất sẽ ảnh hưởng đến các tính năng của F-35 và uy lực của NATO. Tuy nhiên, tất cả các nỗ lực của Ankara để tiếp cận Washington với hy vọng giải quyết vấn đề một cách thân thiện đã thất bại. Mỹ không tỏ ra hứng thú với việc thành lập một nhóm thảo luận trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Tuy nhiên, có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đã tính đến phương án này nên tại Triển lãm Hàng không Paris (từ 17-23/6), Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố mẫu máy bay chiến đấu mới TF-X động cơ đôi có vẻ ngoài hao hao F-35 nhưng có sải cánh rộng hơn và thân hẹp.

Phát biểu tại triển lãm, ông Temel Kotil, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của TAI, công ty Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Northrop Grumman trong sản xuất F-35, cho biết, TAI là đơn vị đã tham gia chế tạo thân máy bay của F-35, đồng thời là nhà cung cấp của hãng Northrop Grumman, một trong những công ty tham gia chế tạo F-35 và đóng vai trò lắp ráp phần lớn các bộ phận thân máy bay chiến đấu này.

"Hãng TAI có đủ năng lực để chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình TF-X. Mặc dù những gì chúng ta được thấy ở đây là một mô hình nhưng đến năm 2023, chúng tôi sẽ cho ra mắt máy bay thực sự và đến năm 2025 nó sẽ có chuyến bay đầu tiên, sau đó máy bay sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2028", Chủ tịch TAI tiết lộ.

Tuy nhiên, mọi chuyện có thể tiến triển nhanh hơn tùy theo tình hình và nhu cầu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chương trình tiêm kích F-35 bị Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng chuyển giao do mua hệ thống S-400 của Nga.

Hầu hết những tính năng kỹ thuật, khả năng chiến đấu của máy bay này chưa được tiết lộ nhưng ông Temel Kotil khẳng định, TF-X sẽ sở hữu một số tính năng mạnh hơn cả tiêm kích thế hệ 5 F-35. TF-X có thể đạt tốc độ tối đa là Mach 2. TF-X mang khả năng vận chuyển được tên lửa tầm xa và tên lửa không đối không.

Công ty quốc phòng Anh là BAE Systems ca ngợi TF-X sẽ là "chiến đấu cơ hàng đầu ở châu Âu". Khi chính thức được đưa vào trang bị, những tiêm kích mới này sẽ thay thế cho các máy bay F-16 do Mỹ sản xuất hiện có trong Không quân nước này. "Chúng tôi sẽ hoàn thành các giai đoạn cần thiết càng sớm càng tốt. Không cho phép tiến độ thực hiện dự án này bị chậm lại", Giám đốc Temel Kotil nhấn mạnh.

Đức Quý

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/tho-nhi-ky-tim-phuong-an-moi-khi-bi-my-loai-khoi-chuong-trinh-f-35-554125/