Thổ Nhĩ Kỳ trong cơn khủng hoảng

Các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ rút hết vốn từ thị trường. Các nhà máy điện năng buộc phải đóng cửa do giá nhiên liệu nhập khẩu tăng mạnh. Các dự án xây dựng ở thành phố Istanbul không thể được hoàn thiện sau khi các chủ thầu cạn tiền- đó là những gì người ta thấy ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ những ngày này.

Một tòa nhà xây dựng dở dang ở trung tâm thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Suy thoái khó tránh khỏi

Tại một khu vực mua sắm sầm uất ở Istanbul, ông Cenap Sarialioglu nói rằng ông lo ngại cửa hàng bán thuốc của mình sẽ không thể cung cấp đủ thuốc men cho khách hàng nữa. Ông Sarialioglu, Chủ tịch Viện dược sỹ của thành phố Istanbul, cũng cho hay ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các dược sỹ trong thành phố bày tỏ quan ngại rằng các đại lý sẽ cắt nguồn cung các loại thuốc quan trọng bởi chúng không còn mang lại lợi nhuận cho họ nữa.

Giá thuốc chữa bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ luôn được duy trì ở mức cố định, thế nhưng đà giảm mạnh giá trị của đồng Lira của nước này gần đây đã khiến cho việc nhập khẩu thuốc trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều. “Bắt đầu từ tháng 9 tới, chúng tôi sẽ có rất nhiều vấn đề”- ông Sarialioglu nói - “Chúng tôi cần có một giải pháp khẩn cấp”.

Làm ăn kinh doanh ở một đất nước nằm sát khu vùng chiến sự, một quốc gia có chính sách hà khắc, tỷ lệ lạm phát cao và một đồng tiền đang xuống giá thê thảm là điều không hề dễ dàng.

Thế nhưng trong những tuần gần đây, thách thức mà giới ngân hàng và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt thậm chí đã lên một mức độ căng thẳng mới. Sau khi mất gần 1/4 giá trị chỉ trong vòng vài ngày hồi đầu tháng này, đồng Lira đã phục hồi chút ít giá trị. Việc đồng Lira giảm giá còn kéo theo cả các đồng tiền ở nhiều thị trường mới nổi, như đồng Rand của Nam Phi, đồng Rupee của Ấn Độ...

Đồng Lira sụt giá - càng trở nên nghiêm trọng hơn do căng thẳng ngoại giao với Mỹ liên quan tới một mục sư bị giam giữ - đã phơi bày áp lực kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt suốt nhiều năm liền. Giới kinh tế học cho rằng nó có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến một điểm sụp đổ. Trong suốt một thập kỷ qua, giới doanh nghiệp ở nước này sống sót nhờ các khoản nợ giá rẻ, trong khi các ngân hàng cũng phát hành vô số thẻ tín dụng.

“Một cuộc suy thoái là điều khó tránh khỏi”- bà Salva Demiralp, GS kinh tế tại ĐH Koc ở Istanbul, nhận định - “Câu hỏi là liệu tầm ảnh hưởng của nó sẽ sâu rộng đến mức nào”.

Vị chuyên gia này cho rằng chỉ có những biện pháp quyết liệt mới có thể ổn định giá trị đồng Lira và giải quyết tỷ lệ lạm phát đang ở mức 16%. Ngân hàng trung ương cần phải nâng tỷ lệ lãi suất lên khoảng 28%, từ mức 17,75% hiện tại.

Biện pháp không hiệu quả

Tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, quản lý ngân hàng trung ương, lại không sẵn lòng cho phép tăng tỷ lệ lãi suất hoặc giảm chi tiêu của chính phủ trong các nhiệm vụ công.

Các biện pháp mà Chính phủ đưa ra hiện tại là hạn chế mức chi tiêu bằng thẻ tín dụng của người dân. Ngân hàng trung ương cũng giảm nhẹ một số quy định về mức tiền dự trữ mà các ngân hàng thương mại cần có, nhằm giải phóng một lượng tiền mà họ có thể sử dụng để đối phó với bất ổn thị trường tiền tệ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Berat Albayrak mới đây tuyên bố rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cần một cuộc giải cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - một bước đi mà giới phân tích cho là cần thiết để ổn định nền kinh tế nước này.

Giới chuyên gia còn nhận định rằng việc đồng Lira sụt giá sẽ còn kéo dài, gây ra một cuộc suy thoái ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc suy thoái, nếu xảy ra, sẽ chấm dứt chuỗi đà tăng trưởng không ngừng của Thổ Nhĩ Kỳ suốt 2 thập kỷ qua. Cuộc suy thoái gần đây nhất mà nước này hứng chịu đã chấm dứt vào năm 2001. Kể từ đó, đất nước này đã giảm tỷ lệ người nghèo đến 50%, giúp hàng triệu người dân leo lên tầng lớp trung lưu, và trong vài năm gần đây đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dựa vào đợt bùng nổ trong ngành xây dựng, nhờ vào cơ chế vay vốn dễ dàng và mức chi tiêu khủng của chính phủ. Và điều đó giờ trở nên vô cùng bất ổn.

Sức ép gia tăng

Trên tuyến phố có tên Nur-u Osmaniye, gần khu vực thương mại sầm uất nhất của Istanbul, ông Arthur Kossaryan đứng trước một cửa hàng trống không nơi mà ông đang làm việc. Cửa hàng này trước kia từng là một trong những nơi bán đồ cổ nổi tiếng nhất thành phố. Nhưng mới đây, chủ đất đã yêu cầu ông trả tiền thuê bằng đồng USD.

Làn sóng đánh bom khủng bố cùng âm mưu đảo chính thất bại năm 2016 đã xua sạch du khách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, đồng Lira bắt đầu sụt giá vào đầu năm nay và mất gần nửa giá trị. Chủ cửa hàng đồ cổ này giờ không thể trả nổi tiền thuê nhà và việc làm ăn cũng bị phá sản.

“Trong tình trạng bất ổn này, người ta ngừng mua sắm”- ông Kosaryan nói - “Họ đang chờ đợi giá cả hạ xuống”.

Tính đến thời điểm này thì giới lãnh đạo doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tỏ rõ thái độ tích cực. “Chúng tôi sẽ sống sót”- Ugur Dalbeler, Giám đốc công ty thép Colakoglu Metalurji nó - “Chúng tôi đã từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn rồi”.

Trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất thép của Thổ Nhĩ Kỳ đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 50% đối với sản phẩm thép của nước này, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa hai bên liên quan tới việc trả tự do cho mục sư Mỹ Andrew Brunson vẫn chưa đi đến đâu.

Ông Dalbeler cho hay, nhiều năm trước, Iraq là thị trường nhập khẩu nhiều nhất thép của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng rồi phong trào “Mùa xuân Arab” kéo đến gây ra cuộc nội chiến ở Syria và làm cho thị trường Trung Đông của họ bị cắt giảm nghiêm trọng. Các nhà sản xuất thép ở Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải quay sang thị trường Mỹ để sống sót. Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng, các công ty thép một lần nữa lại phải tìm các thích nghi, đương nhiên vẫn bằng cách đi tìm thị trường mới.

Cạn kiệt thuốc men

Tình hình các doanh nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên hỗn loạn sau thông tin về việc Mỹ áp thuế đối với thép xuất khẩu của nước này. Nhưng tình trạng đó đã chấm dứt sau khi chính phủ Qatar cam kết đầu tư 15 tỷ USD vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên giới kinh tế học cho rằng hành động của Qatar vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ. Các khoản cho vay mà Qatar phát đi ở dưới dạng đồng USD, trong khi giá trị đồng Lira đang suy giảm, các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn. Giới doanh nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ cần có khoản vay 200 tỷ USD từ các ngân hàng và giới đầu tư nước ngoài trong năm 2018 để có thể trả các khoản nợ hiện tại; theo ước tính của ĐH Oxford.

Dù số lượng các khoản nợ xấu của Thổ Nhĩ Kỳ chưa đến mức đáng báo động, nhưng trong vài tháng gần đây, đã có một số công ty lớn của nước này đề nghị các ngân hàng giúp tái cơ cấu lại các khoản nợ của họ. Các nhà kinh tế học lo ngại rằng điều đó sẽ khiến cho các công ty khác làm tương tự, và ngân hàng sẽ bị quá tải.

Chính phủ quản lý giá thuốc, trong khi các chủ cửa hàng thuốc lo rằng sẽ sớm cạn nguồn cung (Nguồn: AP).

Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng phơi bày ra nhiều điểm yếu trong nền kinh tế nước này, vốn được che đậy bằng đà tăng trưởng thần tốc.

Hiện nay, một số nhà máy điện của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đóng cửa tạm thời do chi phí vận hành tăng, dù chưa gây ra tình trạng cắt điện. Nhiều công ty trong nước cũng cảm thấy khó khăn trong việc mua máy móc vận hành, trong khi các bệnh viện cũng buộc phải mua về máy móc giá rẻ... Tất cả đều do đồng Lira sụt giá.

Ông Sarialioglu, một dược sỹ, nói rằng ông hết sức lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung thuốc điều trị ung thư. Loại thuốc này luôn được nhập khẩu từ nước ngoài. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quy định giá thuốc nên các nhà cung ứng không thể tự nâng giá được.

“Trong điều trị ung thư, không có loại thuốc nào thay thế được”- ông Sarialioglu nói - “Nếu biện pháp điều trị không được thực hiện đúng cách và hiệu quả, bệnh nhân có thể hứng chịu những hậu quả không thể đảo ngược”.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/tho-nhi-ky-trong-con-khung-hoang-tintuc413778