Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ khủng hoảng tiền tệ

Ngày 13-8, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ công bố một số biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo ổn định tài chính sau sự sụt giá của đồng nội tệ lira, đồng thời cam kết đảm bảo thanh khoản cần thiết cho các ngân hàng.

Tổng thống Tayyip Erdogan cam kết siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước tại cuộc tuần hành của người dân tại khu vực Biển Đen

Động thái này được triển khai trong bối cảnh đồng lira liên tục mất giá do giới đầu tư lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh đang xảy ra khủng hoảng ngoại giao với Mỹ.

Biện pháp ổn định tài chính

Thông báo nêu rõ, Ngân hàng Trung ương sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thị trường, đồng thời cam kết cung cấp “mọi khả năng thanh toán bằng tiền mặt mà các ngân hàng cần”. Ngân hàng Trung ương cũng điều chỉnh tỷ lệ dự trữ tiền tệ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm ngăn chặn những rủi ro liên quan đến thanh khoản. Với biện pháp điều chỉnh mới nhất, ngân hàng này sẽ “bơm” gần 10 tỷ lira, 6 tỷ USD và số vàng trị giá 3 tỷ USD vào hệ thống tài chính.

Biện pháp trên được Ngân hàng Trung ương công bố chỉ 1 ngày sau khi giá đồng lira xuống mức 7,24 lira đổi 1 USD trong phiên giao dịch tối 12-8. Đây là mức giảm lớn nhất trong ngày của đồng lira từ năm 2001. Mức lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới mức gần 16% hồi tháng 7, cao nhất trong 14 năm qua. Trước đó, ngày 10-8, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak đã công bố chương trình kinh tế mới của chính phủ, trong đó cam kết siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu khu vực công nhằm tiết kiệm khoảng 35 tỷ lira (5,6 tỷ USD). Ông cũng nhấn mạnh sự độc lập của Ngân hàng Trung ương sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời cam kết bảo đảm sự độc lập của các chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Albayrak không đề cập tới các biện pháp cụ thể để vực dậy đồng lira, vốn đã mất giá tới hơn 30% từ đầu năm nay.

Kịp thời nhưng vẫn còn lo ngại

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá đã phản ánh những lo ngại, trong đó có vấn đề căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với Mỹ. Quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng sau vụ linh mục người Mỹ Andrew Brunson bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ do nghi ngờ có quan hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố. Để trả đũa, Tổng thống Donald Trump đã công bố quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, lên mức 20% và 50%. Quyết định mới của Mỹ đã khiến thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo và đồng lira giảm mạnh và mất gần 20% giá trị trong 24 giờ.

Giới quan sát cho rằng động thái của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng là kịp thời trong bối cảnh các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quan ngại về khả năng đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ có chiều hướng “lao dốc không phanh” cũng như nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước này. Tổng thống Tayyip Erdogan muốn các ngân hàng cho vay tín dụng với lãi suất thấp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hami Aksoy, cho rằng quyết định tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời nhấn mạnh “tất cả các bước đi được thực hiện chống lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lại một sự đáp trả tương xứng”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ “trả đũa” lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara “sẽ không để thua trong cuộc chiến kinh tế” với các nước thù địch. Tuy vậy, giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển quá nóng và có xu hướng tuột dốc sau thời kỳ phát triển.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tho-nhi-ky-truoc-nguy-co-khung-hoang-tien-te-538780.html