Thờ ơ với chuyển đổi số, doanh nghiệp khó bứt phá sau đại dịch

Rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số nằm ở tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi của doanh nghiệp. Đến nay, vẫn còn không ít doanh nghiệp thờ ơ, coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để phô diễn hay là chi phí phải gánh chịu mà không phải khoản đầu tư quan trọng để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Diễn đàn có sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh xuất nhập khẩu. Ảnh: T.U

Diễn đàn có sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh xuất nhập khẩu. Ảnh: T.U

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh tại Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA" được tổ chức ngày 28/7, tại Hà Nội.

Thờ ơ với chuyển đổi số do tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi

Theo đại diện VCCI, thương mại điện tử và ở cấp độ cao hơn là số hóa các hoạt động xuất nhập khẩu, là cuộc cách mạng giúp chúng ta có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả và thông qua đó, không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ có được cơ hội vươn ra thị trường thế giới một cách bình đẳng với DN lớn và có thể tham gia, hưởng lợi trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Có thể thấy, ở thời điểm hiện nay, một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk, một thợ may ở Hội An cũng có thể nhấp chuột bán hàng trên Internet. Cũng theo ông Lộc, những tháng ngày chống chọi với dịch Covid -19 cho chúng ta thấy thương mại trực tuyến quan trọng đến mức nào.

Bàn về câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn chồng chất đã tạo ra “cú hích” để DN nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và là nền tảng để giải quyết hiệu quả yêu cầu cấp bách đặt ra trong kỷ nguyên mới: chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng, chuyển đổi số giúp các DN, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 cho thấy, hiện nhiều DN nước ta đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình DN tới DN (B2B) cũng như DN tới người tiêu dùng (B2C).

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, vẫn còn không ít DN thờ ơ, coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để phô diễn hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của các DN và cả nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện VCCI cũng dẫn chứng, những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức…

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực thi EVFTA

Chủ tịch VCCI khẳng định: Nếu không nhanh chóng ứng dụng các công nghệ số, xuất nhập khẩu vẫn chỉ là sân chơi riêng của các DN lớn trong khi phần lớn các DN Việt đều có quy mô nhỏ và vừa. Có thể thấy, thương mại điện tử là công cụ quan trọng nhất bảo đảm cho các khu vực DN này có thể tham gia và hưởng lợi trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đây là yêu cầu cốt lõi bảo đảm thành công bền vững cho tiến trình hội nhập…

Cũng theo ông Lộc, do tầm quan trọng của kinh tế số, thương mại điện tử, nên các FTA như EVFTA, CPTPP… đều có một chương riêng quy định về vấn đề này: Bảo đảm tạo thuận lợi và bảo vệ các hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân, tôn trọng quyền tự do của các chủ thể thương mại điện tử.

Trong bối cảnh đó, ông Lộc cho rằng, chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ mà là phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, thể chế quốc gia. Do đó, Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Còn trách nhiệm của DN là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc tích hợp công nghệ số trong toàn bộ quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là bắt buộc. Bên cạnh đó, việc phối hợp vận hành nền tảng số giữa các cơ quan nhà nước trong cả mạng lưới dịch vụ số bảo đảm cho xuất nhập khẩu như CO, hải quan, thuế, logistic, ngân hàng… là vấn đề quan trọng sống còn.

Còn theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Hiệp định EVFTA được thực thi là cơ hội lớn để DN đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19.

"Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các DN một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đơn cử, Hiệp định EVFTA đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ. Đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến và cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn. Trên thực tế, những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam như Gạo Hải Hậu, Trà Tân Cương… mới chỉ có “tiếng” ở trong nước, còn ở EU vẫn khá mờ nhạt. Do đó, DN cần tận dụng quá trình chuyển đổi số, để đưa các chỉ dẫn địa lý tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-28/tho-o-voi-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-kho-but-pha-sau-dai-dich-90120.aspx