Thơ Tô Hằng Thanh trong nhịp điệu biển và 'Độc thoại với thiên nhiên'

Nữ nhà thơ Tô Hằng Thanh, hội viên Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa (SN 1956, năm 1972 là nghệ sĩ trong Đoàn Văn công Giải phóng Liên khu V) vừa ra mắt tập thơ 'Độc thoại với thiên nhiên' do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Đây là tập thơ thứ 5 của chị.

Thơ Tô Hằng Thanh những năm qua xuất hiện đều đặn trên báo chí Trung ương và các tỉnh phía Nam với giọng thơ đằm thắm, giầu nữ tính. Những cung bậc cảm xúc của thơ trữ tình ở mọi cảnh sắc với con người và đời sống hôm nay. Có lẽ được sống ở Nha Trang, thành phố biển đẹp nhất nước nên tâm hồn nữ nhà thơ này tràn đầy màu sắc, âm thanh của sóng biển, nắng ấm và cát vàng.

Bìa cuốn “Độc thoại với thiên nhiên” của nhà thơ Tô Hằng Thanh.

Em mãi là chân sóng
Nuôi khát vọng trùng khơi
Bến bờ luôn chờ đợi
Sóng choàng dâng trắng dòng

Em nguyện làm chân sóng
Gói thức ngủ ngày đêm
Hòa tình yêu biển động
Cuộn dào dạt lắng êm

Mấy câu trong bài thơ “Chân sóng” nói trên cho thấy, trong người thơ này, tiếng-sóng-thơ luôn là nỗi khát khao đánh thức nhiều cảm xúc và năng lượng thơ của chị. Không chỉ thế, tác giả còn xa xót cảm nhận được nỗi đời dâu bể, trầm luân trong một ngày “Biển cạn”:

Có một chiều biển cạn
Gió lặng nhìn ngẩn ngơ
Sóng không còn vô tư
Bờ đá gồ ghề thở

Có một mùa hạn hán
Mong chờ cơn mưa ngâu
Lòng ta như biển cạn
Sóng về đâu…về đâu

Cuộc đời bao bể dâu
Rong rêu trùm mặt đá
Biển cạn dòng như đã
Hững hờ con sóng say

Như vậy, hình bóng của biển cả trong thơ Tô Hằng Thanh luôn có hai chiều buồn-vui của cuộc đời nhân thế, nó không chỉ mang vẻ đẹp khao khát sự rộng lớn, huy hoàng của thiên nhiên mà còn thao thức ở những đáy sâu của một miền sóng mặn như những câu thơ dưới đây trong bài “Tựa vào ngực đá”:

Biển muôn đời mặn chắt
Giấu lòng mình bão giông
Có một chiều lặng lẽ
Đi về phía hoàng hôn
Gió đi tìm ngã rẽ
Cát ngu ngơ tủi hờn
Con sóng nào vừa lớn
Biết tuổi mình bao nhiêu
Có hiểu gì dại khôn
Để thấu lòng biển cả
Tựa đầu vào ngực đá
Biển mặn chát muôn đời

Hình như trong đoạn thơ trên, biển đã nói hộ nỗi lòng của tình người - tình đời đấy chứ! Tác giả đã nhân cách hóa nỗi niềm của biển cả và vách đá trong nhạc điệu thơ 5 chữ khá quen thuộc với chị. Tôi nghĩ, phần nào đó, tác giả Tô Hằng Thanh đã chịu ảnh hưởng trong các bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh viết về biển trong nhịp điệu say đắm, da diết của thể thơ 5 chữ này.

Một điểm quan trọng đáng chú ý, trong tập thơ “Độc thoại với thiên nhiên”, thơ Tô Hằng Thanh dường như đã thấm lắng tình quê hương, tình con người trong những khoảnh khắc thân thương rung động trái tim tác giả ở nhiều cung bậc:

Vẫn là phố - phố thì rất cổ
Con đường về vẫn nhỏ thế thôi
Trở lại Hội An cơn mưa vừa đổ
Miên man buồn, chiều sẫm hoàng hôn rơi

Hội An! Những ngôi nhà trong tôi
Hai mắt cửa như người thương chờ đợi
Những cột kèo từ bao năm không mỏi
Nắng mưa chẳng hao mòn, ngày tháng cứ dần trôi

(Trở lại Hội An)

Vẫn thiết tha, da diết gợi cảm như vậy, trong một bài thơ khác, tác giả đánh thức dòng sông trở lại với non ngàn trong giai điệu tình quê vời vợi:

Ngủ nhiều rồi sông ơi thức dậy
Con đò chiều lặng lẽ qua đây
Nhớ một thuở sông đầy tiếng sóng
Mà sao giờ chỉ một mái chèo ngây

(Đánh thức dòng sông)

Ở giai đoạn gần đây, trong nhiều bài thơ của mình, Tô Hằng Thanh đang thao thức, chiêm nghiệm với các miền trầm tích văn hóa cổ xưa, với những thăng trầm của lịch sử còn để lại những dấu ấn không thể phai mờ qua thời gian, từ bài “Tiếng vọng một vương triều” với những câu thơ:

Bụi thời gian đâu xóa được hình hài
Vương quốc Chămpa thời xưa cổ
Vọng nghe từ lá đổ
Tiếng nhạc Chăm réo rắt
Tiếng người Hời
Tiếng vọng từ hư không
Thăm thẳm ngàn trùng
Đá khắc nên hình hài
Vũ điệu Chăm cong dáng mềm vũ nữ
Nét mặt buồn trĩu xuống dáng vai thon

Đến bài thơ “Thánh địa Mỹ Sơn” còn trong nhạc điệu bi tráng của một thời hưng phế giấu mình trong rừng thẳm lời nguyện cầu của núi non xưa:

Bao vương triều đã phủ rêu phong
Bụi thời gian trùm lên phế tích
Bảy mươi ngôi đền hướng về phía Đông
Nhận ánh sáng mặt trời trầm mặc

Có thể thấy, trên cánh đồng mùa màng của thơ Tô Hằng Thanh, cảnh sắc thiên nhiên luôn đối thoại với người thơ trong một tâm thế nhiều ưu tư, trăn trở:

Có một ngày cô đơn
Tìm về nơi xa thẳm
Độc thoại cùng xanh thắm
Nỗi buồn có vơi hơn

Ngồi một mình thấy thương
Rễ cây si dài mãi
Yêu ai mà cây phải
Quấn quýt nỗi đoạn trường

Cũng với sự tự vấn và tâm thức nói trên, những câu thơ mang hơi thở của đời sống nhân sinh cần lao, được tác giả khắc họa đậm nét hơn như một sự sẻ chia, đồng cảm với phận người vất vả trong cuộc sống hôm nay:

Chiếc đòn gánh oằn vai ngày tháng
Nắng cháy da đong từng giọt mồ hôi
Bàn chân bước đi-bỏng rát
Người đàn bà lặng lẽ- mím chặt môi

Người đàn bà gắn cuộc đời mình vào gánh muối
Mặn từng giọt mồ hôi lấp lánh ánh mặt trời
Vị muối mặn kết tinh từ lam lũ
Từ nhọc nhằn những bữa cơm vơi

(Người đàn bà gánh muối)

Trong khi đối thoại với thiên nhiên, tác giả Tô Hằng Thanh nhiều lúc lắng mình lại để lắng nghe, để cảm nhận được chiều sâu của những thanh âm đã làm nên vẻ đẹp của núi sông, của tình người trong tiếng đàn - tiếng lòng muôn thuở mà người xưa gửi lại với nhiều tâm sự ưu tư ví như bài thơ “Khúc tì bà bên sông” với mấy đoạn thơ khá lắng đọng:

Sương khói mơ hồ buông
Dòng sông lẳng lặng chảy
Khúc Tì bà ai gảy
Chìm mãi vào hư không

Thi sĩ hồn non sông
Câu thơ miên man gió
Tiếng đàn tan hư vô
Nỉ non khúc đoạn trường

Khói sương hòa sóng sánh
Ly trà thi nhân mời
Câu thơ nào đặc quánh
Tiếng tì bà chơi vơi…!

Tập thơ gần 200 trang với hơn 99 bài thơ cho thấy sự sung mãn trong sáng tạo của tác giả Tô Hằng Thanh trong mấy năm qua. Nhưng sự dễ viết cũng có thể làm cho người viết dễ quen tay khi thơ chị nhiều sự đơn điệu mượt mà lại thiếu đi phần gai góc, nhiều khi giầu cảm xúc mà lại thiếu các ý tưởng sâu sắc. Tôi cảm thấy, có một số bài thơ chị viết cho nhanh, cho xong để viết bài khác mà không muốn sửa chữa kỹ cả về ngôn từ và nhịp điệu thơ nên thành phẩm không được hoàn hảo như ý. Viết đến đây, tôi lại nhớ câu châm ngôn của cố nhà thơ Lê Đạt “Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi”. Mong rằng tác giả Tô Hằng Thanh ngày càng thấy khó viết sẽ càng ngấm được những câu thơ hay của thơ đích thực.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tho-to-hang-thanh-trong-nhip-dieu-bien-va-doc-thoai-voi-thien-nhien-i699383/