Thơ và ca dao

Trước hết xin nói rằng, tôi không phải là nhà nghiên cứu về ca dao, tục ngữ, cũng không phải là nhà nghiên cứu về văn học. Đơn giản tôi là một nhà thơ, một người yêu thơ nên tôi rất thích những câu thơ gần với ca dao, hay chính những câu thơ đã biến thành ca dao, tục ngữ, hay thành ngữ.

"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao..."

Đó là những câu ca dao in trong sách giáo khoa phổ thông thời tôi đi học. Mãi gần đây, tôi mới biết đó là những câu thơ trong bài “Bút quan hoài” của Á Nam Trần Tuấn Khải. Cả những câu thơ này nữa trong bài thơ “Bút quan hoài” cũng đã biến thành những câu ca dao, in ở nhiều nơi cho học sinh học:

"Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau..."

Nếu tôi không đi tìm những câu thơ hay cho cuốn sách “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ”, tôi đâu biết hai câu ca dao rất quen thuộc: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” chính là hai câu thơ trong bài “Trăng quê” của Bàng Bá Lân.

Cũng trong sách giáo khoa phổ thông, nếu tôi nhớ không nhầm thì những câu thơ sau đây của nhà thơ Ngô Văn Phú đã được ghi là ca dao mới:

"Trên trời mây trắng như bong
Ở giữa cánh đồng, bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng".

Tôi thiển nghĩ những nhà thơ này thật hạnh phúc khi thơ của mình đã biến thành ca dao. Và tôi cũng nghĩ rằng, tất cả những câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ có tự bao đời nay đều bắt đầu từ một tác giả nào đó, từ một nhà thơ nào đó, từ một người nào đó sáng tác ra rồi dần dần được truyền tụng, được lưu truyền trong nhân dân, rồi từ sáng tác của một người đã biến thành của nhiều người, biến thành tài sản tinh thần vô giá của hàng triệu người từ đời này qua đời khác.

Tôi rất thích một bài hát của cố nhạc sỹ An Thuyên, bài “Ca dao em và tôi”. Sinh thời, có lần An Thuyên đưa vợ ông qua nhà vườn của tôi ở Sóc Sơn chơi, tôi định hỏi ông rằng: “Cắt nửa vầng trăng, xẻ đôi câu thơ...” - câu hát mở đầu bài “Ca dao em và tôi” chẳng phải là ý hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” chứ đâu phải ca dao, nhưng khi nghĩ lại tôi thấy mình hỏi thế là thiển cận quá! Có rất nhiều câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" chẳng phải đã biến thành ca dao, tục ngữ được người dân nhiều đời nay ngân nga, truyền tụng đó sao!

Tôi cũng rất thích thơ lục bát của cố nhà thơ Nguyễn Bính và thiển nghĩ, nhiều câu thơ của ông hình như là sự biến hóa tài tình giữa ca dao và thơ. Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi đã thuộc lòng và cho đến tận bây giờ tôi vẫn ngân nga mỗi khi đứng trước giậu mùng tơi nhà mình:

"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có giậu mồng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng...".

Vừa rồi, có người mời tôi đi sinh hoạt một câu lạc bộ thơ quần chúng. Bây giờ, những câu lạc bộ thơ quần chúng như thế nhiều lắm, cũng là điều tốt thôi, nhiều người yêu thơ, đến với thơ, đến giao lưu với nhau còn hơn là tụ tập nhậu nhẹt, cờ bạc... Và biết đâu ở đó, qua thời gian sẽ có những câu thơ của những tác giả vô danh nào đó biến thành ca dao!

Nhưng ở đây, tôi không đề cập đến thơ quần chúng, thơ quần chúng khác hẳn với thơ hay, khác hẳn với ca dao. Điều tôi muốn nói là bây giờ có người lên Facebook, lên diễn đàn đả kích loại thơ mà họ gọi là thơ “ca dao”; “thơ lục bát, thơ dễ đọc, dễ thuộc” họ cho là lạc hậu rồi, là loại thơ “mậu dịch”... quá đát!

Ngay cả tài thơ Nguyễn Duy với những bài lục bát một thời nổi tiếng như “Tre xanh”; “Hơi ấm ổ rơm” cũng bị cho là “thơ mậu dịch quá đát”!

Nguyễn Duy không những thành công trong thơ lục bát, thể loại thơ gần với ca dao nhất, mà gần đây nhà thơ Nguyễn Duy còn dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi ra thơ lục bát. Tập “Về Côn Sơn” của Nguyễn Trãi mà Nguyễn Duy dịch vừa tặng tôi đều bằng thơ lục bát:

"Đời như một giấc mộng hoang
Tỉnh ra mọi sự chỉ toàn ảo thôi "...

(Nguyễn Trãi - Chợt hứng làm thơ)

Hai câu thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi được Nguyễn Duy thể hiện bằng thơ lục bát theo tôi là quá hay! Ai bảo thơ lục bát, thơ dễ nhớ, dễ đọc, dễ thuộc là thơ “quá đát”.

Tôi đến với thơ bằng những bài hát ru, những câu ca dao, tục ngữ, bằng những điệu dân ca ví giặm mà bà tôi, mẹ tôi đã hát ru tôi từ thuở còn nằm trong nôi. Chính những bài ca dao mà tôi đã học, đã đọc, đã thuộc lòng đã dẫn dắt tôi đến với thơ, đến với tình yêu đất nước quê hương:

"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác, mẹ sinh thành ra em" ...

..."Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa cành sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ..."
Những câu ca dao như thế có bao giờ cũ đâu!

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn tìm những bài ca dao ở trong nhiều cuốn sách để đọc, để ngân nga, để nói hộ lòng mình...

Và thú thực, một số bài thơ, câu thơ của tôi được bạn bè ưa thích như bài “Lặng im”; “Trước lăng Khải Định”... đều là thơ lục bát, đều mang âm hưởng ca dao. Bài thơ “Nhớ mùa thu Hà Nội” của tôi được đưa vào nhiều tuyển thơ, nhiều tờ báo đăng, nhiều người thuộc, tôi cũng lấy hình ảnh của một số câu ca dao mà tôi vừa trích ở trên:

"...Thu của cốm Vòng xanh chiều thu
Nghi Tàm cây rợp bóng người qua
Chuông ngân ngõ Huyện mờ sương khói
Lắng Thọ Xương xưa một tiếng gà..."

Bởi thế nên tôi thiển nghĩ: Ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, dễ được truyền khẩu... như ca dao, thành ngữ... cũng là một trong những tiêu chí của những bài thơ hay.

Tôi vừa đọc bài “Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào” (Tạp chí Thơ số 3 và 4 năm 2018) của tác giả Nguyễn Thanh Tâm, tôi thấy có lý khi tác giả cho rằng: “Những trường hợp thơ văn xuôi, kéo dài câu thơ và văn bản thơ là một biểu hiện của khuynh hướng phá vỡ cấu trúc hình thức thơ cũ... làm cho thể loại này tăng về số lượng nhưng lại giảm về chất lượng một cách thảm hại. Thơ bị phản bội từ những lỗ hổng như thế...”.

Mọi sự sáng tạo trong thơ theo tôi đều nhắm đến người đọc, người yêu thơ, để từ đó thơ đi vào tâm hồn con người, cảm hóa và cảm thức con người, để thơ thực sự là “điệu tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu”, người ta có thể quên nhà thơ nhưng không quên thơ, để thơ có thể biến thành ca dao, thành ngữ, truyền lại cho muôn đời sau đó mới là điều cần nói.

Nhà vườn Sóc Sơn 8- 2018

Dương Kỳ Anh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tho-va-ca-dao-509698/