Thơ Văn Trọng Hùng

Văn hiến trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ của Văn Trọng Hùng, một nhà thơ, kịch tác gia đã có những tập thơ, vở kịch tạo ấn tượng sâu sắc với công chúng Bình Định và cả nước. Là người từng trải, đã vượt qua nhiều trận mưa bom, bão đạn trong những năm kháng chiến và gắn bó nhiều năm với hoạt động văn hóa thời bình, Văn Trọng Hùng có cái nhìn đa chiều, sâu sắc với cuộc sống. Bởi vậy, thơ và kịch của ông giàu suy tư, trăn trở, có tính phản biện và gợi mở lớn lao. Đã có 3 Luận văn Thạc sĩ được bảo vệ thành công với đề tài thơ, kịch của ông.

Nghĩ về Trần Thủ Độ

Nhà thơ, nhà biên kịch Văn Trọng Hùng

Tên thật: Văn Trọng Hùng.
Bút danh: Văn Trọng Hùng.

Sinh năm 1954
Quê quán: Xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Chỗ ở hiện nay: Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định.

Quá trình hoạt động, công tác:
– Năm 1968: Tham gia hoạt động cách mạng.
– Năm 1972: Thoát ly lên chiến khu, làm công tác võ trang tuyên truyền rồi hoạt động trong ngành văn hóa – thông tin.
– Năm 1997- 2008: Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Bình Định.
– Năm 2008 – 2014 : Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định.
– Năm 2014 đến nay: Giám đốc Văn phòng đại diện Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tại Bình Định.

Tác phẩm đã xuất bản:
– Dạo khúc nhân tình: Tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 1991;
– Bóng trúc: Tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2001.

– Đi tìm chân chúa: Tập kịch bản, Nxb. Sân khấu, 2004.

– Đối ảnh: Tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2006.
– Hầu chuyện tiền nhân: Thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2012.

- Khúc ca bi tráng: Tập kịch, Nxb. Sân khấu, 2017.

Những kịch bản đã dàn dựng:
+ Nước mắt Diêm vương (1992);
+ Tiết Giao trả ngọc (1993);
+ Phong thần (1994);
+ Đi tìm chân chúa (1997);
+ Anh hùng với giai nhân (Viết chung với Sỹ Chức, 1999);
+ Luận anh hùng (2003);
+ Nhìn lại một vương triều (2011);
+ Đêm sáng phương Nam (Viết chung với Đoàn Thanh Tâm, 2012);
+ Khúc ca bi tráng (2013);
+ Hồn tháp (2016);
+ Nước non cửa phật (2016).

+ Quan khiêng võng (2018 – đang dàn dựng)

Giải thưởng văn học, nghệ thuật:
– 12 giải thưởng về kịch bản và vở diễn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trong đó có 2 huy chương vàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
– Giải tác giả kịch bản Văn học xuất sắc nhất Hội thi sân khấu chuyên nghiệp Tuồng và Dân ca toàn quốc năm 2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

- Giải A của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tác giả kịch bản sân khấu, năm 2016.
– 8 giải A Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu (5 giải A kịch, 3 giải A thơ), các lần I (1991-1995), lần II (1996-2000), lần III (2001-2005), lần IV (2006-2010), lần V (2011-2015) của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.

Phòng thông tin tư liệu -Thư viện tỉnh Bình Định

“Hỏi ai thề trước mặt vua

Đầu thần chưa rụng thì chưa nên hàng”

Trải tháng năm

đến nay ông vẫn là vị Thái sư kỳ lạ nhất

Sáng như nhật nguyệt - nỗi niềm dân nước

Mờ tựa sương sa - đạo lý luân thường!

Ông là ai mà chỉ một cuộc hôn nhân,

đã thay đổi cả đế vương

Nhà Lý thành nhà Trần không đường tên mũi đạn

Trị nước võ văn hưng thịnh

Lo dân cơm áo sách đèn…

Ông là ai mà độc đoán, bạo tàn

Diệt người diệt cho tận gốc

Kiếm đã tuốt là không thương tiếc

Phán quyết duyên tình, phán quyết cả vua, tôi?!

Ta suy nghĩ về ông công, tội đầy vơi

Mờ mờ tỏ tỏ

Vẫn sáng lên tài trí một đại thần,

Sáng gương người tạo lập triều Trần

Triều của muôn dân ba lần đuổi giặc

Hào khí Đông A không bao giờ tắt!

Một chút lạ lùng ta chưa biết

Ông không biết chữ

mà sao biết dựng một vương triều?!

Đêm ấy ở Côn Sơn

Khi Nguyễn Trãi được minh oan

Thị Lộ vừa cười vừa khóc

Nàng không dám trở về rừng trúc

Cùng những oan hồn lang - thang - ở - Thăng Long

Cả kinh thành đèn được đốt nhiều hơn

Trăm họ mừng vui bàn tán…

Không dám nhìn ánh sáng

nàng đi về phía những làng xa

Sao đã yêu một bậc tài hoa

Lại không xa được một quân vương lỗi đạo

Phải danh vọng làm ta không tỉnh táo

Hay ta đã quá yêu mình?

Thị Lộ

khuất dần vào cõi u linh.

Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên

Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách

Về khuya mưa như trút nước

Lê Lợi đến thăm

Nguyễn Trãi đã đi nằm!

Lời Mỵ Châu

Gả con cho Trọng Thủy là cha

Hẹn hò với Trọng Thủy cũng từ cha

Vì cha không nói với con người con yêu là giặc

Người yêu nào khi chia xa mà chẳng hẹn ngày gặp mặt

Nên những chiếc lông ngỗng kia mới khắc khoải ở dọc đường

Con không trách cha trút giận một đường gươm

Dẫu là vua, cha cũng chỉ người trần mắt thịt

Kẻ đáng trách là thần Kim Quy

Đã tặng nỏ thần cho cha, sao không giúp cha cách gìn giữ nỏ

Lại bảo con là giặc?!

Con hóa ngọc trắng trong mà oan nghiệt

Cha ơi, con không cần người đời khen, chê, xót xa, thương tiếc

Chỉ muốn là Mỵ Châu thuở trước

Mỵ Châu bé bỏng của cha

Mỵ Châu chưa gặp Trọng Thủy bao giờ!

Trước hòn vọng phu

Trước hòn vọng phu

Ta cúi đầu trước tình yêu của nàng

Ta cúi đầu trước lòng chung thủy của nàng

Bồng con chờ chồng mà hóa đá

Nhân gian kim cổ được mấy người?

Những áng mây vì nàng trôi chậm lại

Những người đàn bà vì nàng tiết hạnh hơn

Những đóa hoa vì nàng bốn mùa thao thức

Đất nước có nàng thêm những trang thơ.

Ta chỉ thương đứa bé kia

Đứa bé chưa biết mặt cha,

Chưa biết tình yêu,

lòng chung thủy

Sao

phải hóa đá

cùng nàng?!

Thánh Gióng

Từ người mẹ nghèo sinh ra

Từ hạt cơm làng vụt lớn

Từ sắt thép, tre làng đánh giặc

Giặc tan lại bay về trời

Truyền thuyết sáng ngời trong lòng dân muôn thuở.

Ta cứ nghĩ vẩn vơ

Ngày ấy nếu ông làm vua

Rồi con cháu ông làm vua

Không biết được - thua

và liệu bây giờ

có vết nhơ nào để lại?

Gửi Thúy Kiều

Phải chi Kim Trọng là ta

Thì nàng đâu phải phong ba một đời

Dẫu không khuấy nước chọc trời

Lật nhào cung điện, đổi ngôi sơn hà

Thì nàng vẫn mãi bên ta

Tiết trinh đâu phải chỉ là tiết trinh!

Thúy Vân trăm đẹp nghìn xinh

Vẫn không thay được bóng hình Kiều xưa

Yêu như ai đó bằng thừa

Lấy em, thay chị lại vừa được quan!

Ta đây quyết chí tìm nàng

Dẫu xơ xác nhụy, dẫu tàn tàn hương

Thủy chung vẫn vẹn yêu thương

Thói đời như lớp mờ sương sá gì!

Thơ, đàn một gánh ta đi

Cách xa cái chốn thị phi tầm thường…

Mà thôi, thôi đã đoạn trường

Phải chi Kim Trọng đường đường là… ta!

Hầu chuyện Nguyễn Hữu Chỉnh

- Cầm bút là ông

Cầm gươm là ông

Nhà thơ là ông

Chính khách cũng là ông

Cánh chim bằng ngang dọc cả Bắc Nam?

- Nhưng đời ta vinh nhục long đong

Thế sự nhân tình mấy ai đã hiểu!

- Ai không hiểu ông?

- Bạn tri giao không hiểu

Bọn chép sử không hiểu

Quê hương ta không ít người bảo ta có tội

Các ngươi cũng chỉ biết ta là kẻ lộng quyền phản bội

Là người gian ngoa đen tối

Mà không thấy ta có lòng phò tá Tây Sơn

Ai là người giúp chúa lấy Phú Xuân

Ai dâng kế phò Lê diệt Trịnh

Ai trình vua gả công chúa Ngọc Hân

Để mối tình kia vang vọng ngàn năm

“Ai tư vãn” đời đời bất tử?

- Vậy sao ông đòi đất, đòi trời, chống vua, chống chủ

Làm chúa Trịnh thứ hai ở đất Hà Thành?

- Bởi ta không thể cúi đầu trước bọn vô danh

Khi Tây Sơn hai lần bỏ ta trên đất Bắc

Ta muốn có ngọn cờ sắc khác

Một giang sơn, trăng gió của riêng ta!

- Bây giờ ba thế kỉ đã đi qua

Mọi chuyện trở thành quá vãng

Sao ông vẫn ở nơi này uống rượu múa gươm?

- Vì ta đã là người của đất Thăng Long!

Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế

Chẳng oai nghiêm như lúc giữ thành

Không kiếm lệnh cũng không mũ mão

Ông khoác nhẹ tấm áo choàng trứng sáo

Mắt mơ màng cùng trời đất An Nhơn

- Cuộc chiến đi qua đã mấy trăm năm

Sao ông còn ở lại đây không về quê cũ?

- Người trung nghĩa đã thành bất tử

Thì nơi nào chẳng hóa quê hương!

- Là tướng của Gia Long tử chiến với Tây Sơn

Sao ông không giống kẻ tiểu nhân kia trả thù hèn hạ

Lại dừng ngựa cho Đồ Bàn yên ả

Đốt cháy mình để bá tánh bình an?(*)

- Một đời ta vì trăm họ, giang san

Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân, yêu nước!

Mà thôi. Trải năm tháng những gì mất, được

Mặc đời sau công, tội luận bàn

Ngươi nhìn kia Trần Quang Diệu đang sang

Rượu đã sẵn. Và… trăng đã đến!

__________

(*) Võ Tánh trấn giữ thành Hoàng Đế (Bình Định), bị tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu vây hãm nhiều ngày. Võ Tánh đề nghị Trần Quang Diệu không hại đến tính mạng bá tánh và binh lính trong thành thì ông sẽ mở cửa thành và tự thiêu. Trần Quang Diệu y lời và đã an táng ông theo nghi thức trọng thể.

Thị Hến

Nghe em sắm vai Thị Hến

Bỏ cơm anh đi xem tuồng

Chao ôi, người thật thà như đếm

Mà nhập vào Thị Hến cũng điêu ngoa.

Đốp chát trùm sò, dịu ngọt sai nha

Chân ngoặc thầy đề, mắt đưa tình quan huyện

Giữa công đường em lả lơi chao lượn

Chốn trang nghiêm tối sáng cứ chập chờn.

Thương các quan bà khuya khoắt đêm hôm

Vượt tiếng cú kêu truy chồng ong bướm

Em đùa chi đau vậy Hến

Khiến các quan phải tề tựu… góc buồng!

Kịch hết rồi tiếng cười hãy còn vương

Em lại là cô diễn viên hiền dịu

Chỉ có điều này anh chưa hiểu

Sau đêm ấy rồi, Thị Hến sẽ ra sao?

Hồ Quý Ly

Chữ Nôm thay chữ Hán

Tiền giấy thay tiền đồng

Minh đạo thay Lão, Khổng

Tuốt kiếm dựng non sông.

Lệnh xuống phương Nam mở

Chiếu chỉ giảm điền trang

Hạn nô ban sắc luật…

Tất cả vì giang san.

Cơ nghiệp vẫn sụp đổ

Đất nước thuộc ngoại bang

Phải chăng mưu lược đủ

Thiếu kế sách dân an?

Chiều nay thăm thành cũ

Tây Đô nhuốm điêu tàn

Nhắm mắt nhìn điện ngọc

Dậy nỗi buồn mang mang.

Phỏng vấn Đào Duy Từ

- Ngày ấy nếu không bị đuổi khỏi trường thi,

Người có vào Nam tìm chân chúa?

Chỉ là cớ

Chân chúa ở đâu mà tìm!

- Ngày ấy nếu làm quan cho chúa Trịnh,

Người có đắp lũy Trường Dục?

Chỉ là một cách,

Lũy ở lòng dân!

- Ngày ấy gặp Sãi vương nghe nói chúa rất quý Người?

Chỉ là vương sách,

Vì chúa cần ta!

- Người nghĩ gì về chặng đường mình đã đi qua?

Tốt, xấu ở mọi nơi

- Người khuyên gì lớp hậu sinh chúng tôi?

Đừng bước qua sự thật!

Hỏi chuyện Lý Chiêu Hoàng

- Từ ngôi vua bỗng thành Hoàng hậu

Hoàng hậu thành công chúa

Công chúa thành phu nhân...

Bà có buồn tủi oán than?

- Những chức ấy không phải của ta

Cả ngôi báu kia ta cũng chỉ ngồi chứ phải đâu thiên tử!

- Vậy điều gì làm bà xót xa giận dữ?

- Ta thương phụ hoàng ta

người có xác không hồn

phải bỏ ngôi bỏ vợ.

Ta buồn mẫu hậu ta

Người đàn bà dễ quên duyên quên nợ

Và ta trách nhà vua bạc tình kia - người đã cùng ta một thuở...

- Bà có day dứt khi nhà Lý lụi tàn tan vỡ

Nguyên do kia cũng có từ bà?

- Thời vàng son của nhà Lý đã qua

Không vào tay nhà Trần cũng vào tay kẻ khác.

- Nếu dương trần có ngày tiếp bước

Nỗi niềm kia bà mong ước điều gì?

- Ta mong được yêu và được làm dân dã!

Hai câu hỏi tháp Chàm

“Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.”

(Chế Lan Viên)

- Người trầm mặc cả ngàn năm lịch sử

Như nhà sư thiền định đuổi sân si…

Bao mưa nắng vẫn lặng yên bóng tháp

Giữa đất trời người muốn nói điều chi?

- Đất nước có thể mất đi

Nhưng dân tộc vẫn là mãi mãi

Những dục vọng làm khổ đau nhân loại

Thường bắt nguồn từ ngôn ngữ cao sang!

- Sao nhìn người không thấy thuở vàng son

Chỉ Linga - Yoni thánh thần và vũ nữ?

- Ta chỉ mang những gì bất tử

Để người đời suy nghiệm cõi nhân gian

Dẫu ngàn năm… lịch sử cứ sang trang!

Nghĩ về vua Tự Đức

“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi”

Phải chi ông chỉ làm thơ

Giận Cao Bá Quát mấy bồ văn chương

Phê Nguyễn Du chữ can thường

Say cùng mấy điệu hát tuồng rồi… thôi.

Ngôi cao mời kẻ chọc trời

Dẫu chiến bại cũng sáng ngời nước Nam

Vinh gì mũ áo xênh xang

Lại nhường giặc cả giang san lạc hồng…!

Giở trang sử cũ – buồn lòng

Tài hoa hèn yếu sao trong một người!

Văn Trong Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tho-van-trong-hung-61452