Thọ Xuân - Quế Sơn như hai dòng sông 'chung đầu hợp cuối'

Hơn nửa thế kỷ song hành, cùng nhau vượt qua mưa bom, bão đạn trong chiến tranh, cùng nhau thi đua sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước, mối tình kết nghĩa Thọ Xuân - Quế Sơn đã để lại những dấu ấn khó phai và mãi là nền tảng vững chắc của tình cảm keo sơn, gắn bó, ngày càng bền chặt...

Lãnh đạo huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) tặng tranh lưu niệm cho huyện Thọ Xuân nhân kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thọ Xuân – Quế Sơn. Ảnh: Lê Phượng

Thanh Hóa – Quảng Nam từ xa xưa đã có một mối kết giao lịch sử đặc biệt. Để rồi theo mạch nguồn ấy, cháu con của hai miền đất giàu di sản này lại kết giao tình huynh đệ, kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Ở hai miền Nam - Bắc, người xứ Quảng - người xứ Thanh không chỉ là dân một nước, mà đã là con một nhà. Dưới mái nhà chung ấy, huyện Thọ Xuân, quê hương của hai vị hoàng đế Lê Hoàn, Lê Lợi, đã kết nghĩa với huyện Quế Sơn, miền đất sinh ra nhiều bậc hiền tài danh sỹ thuộc hàng “Ngũ phụng, Tứ hổ” của khoa bảng đất Việt. Lễ kết nghĩa diễn ra vào ngày 20-11-1968, tại buổi lễ hai huyện đã tiến hành ký biên bản kết nghĩa trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai tỉnh, cùng nguyện ước gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng chống kẻ thù chung, thống nhất nước nhà; đồng thời, phát động phong trào thi đua: Quế Sơn không sợ gian khổ hy sinh, ra sức chiến đấu giết giặc lập công, Thọ Xuân vừa sản xuất vừa chiến đấu, động viên nhân dân hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đặc biệt là cho Quế Sơn kết nghĩa theo tinh thần “Quế Sơn gọi, Thọ Xuân sẵn sàng”. Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa hết sức sâu sắc, thể hiện tình đoàn kết Bắc – Nam một nhà, là sợi dây nối liền tình đồng chí, tình anh em, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi giữa Đảng bộ, quân và dân hai huyện Thọ Xuân - Quế Sơn. Những người con của Lam Kinh đã cùng những người anh em sông Thu Bồn sát cánh bên nhau trong những năm tháng đạn bom, cùng sẻ chia những gian khó thời hậu chiến. Mối thâm tình lịch sử ấy theo năm tháng đã tồn tại, đang phát triển và mãi bền chặt.

Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, Thọ Xuân luôn dõi theo, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào miền Nam nói chung và nhân dân Quế Sơn – Quảng Nam nói riêng; không ngừng tăng cường chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quế Sơn kết nghĩa”, nhân dân Thọ Xuân ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai, tăng gia sản xuất với những cánh đồng 5 tấn/ha để lấy lương thực chi viện cho chiến trường; đồng thời đã 10 lần tuyển quân vào Nam, trong đó nhiều người đã được sát cánh cùng quân và dân Quế Sơn chiến đấu chống giặc. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, những người con ưu tú của Thọ Xuân đã được nhân dân Quế Sơn hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng; nhiều đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trên quê hương Quế Sơn kết nghĩa. Với 41 người con trung kiên của Thọ Xuân vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Quế Sơn anh hùng, hàng trăm con em khi trở về cuộc sống đời thường, thân thể không còn nguyên vẹn cùng với biết bao sự hy sinh thầm lặng khác. Điều đó không những đã nói lên ý chí, nghĩa tình đặc biệt giữa người dân Thọ Xuân với Quế Sơn mà còn xuất phát từ sâu thẳm trái tim của những người con đất Việt cùng dòng máu Lạc Hồng và cùng một kẻ thù chung.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên xây dựng CNXH, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do hậu quả của chiến tranh để lại nhưng Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân vẫn tăng cường cho Quế Sơn hàng chục người con của Thọ Xuân và con em Quảng Nam đang công tác ở Thọ Xuân, ở Nông trường Sao Vàng vào giúp Quảng Nam, giúp Quế Sơn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp được dựng xây từ trong những ngày gian khó, lãnh đạo hai huyện thường xuyên tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm, những sự kiện trọng đại của hai địa phương là dịp để đại biểu hai huyện gặp gỡ giao lưu, bày tỏ sự quan tâm thiết thực và chia sẻ niềm vui, hòa với niềm vui chung của quê hương, đất nước. Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa, hàng năm nhân ngày thương binh liệt sĩ và các ngày lễ lớn, lãnh đạo hai huyện qua lại thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng; xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách trị giá hàng tỷ đồng. Riêng 5 năm gần đây, huyện Thọ Xuân đã trao tặng 25 sổ tiết kiệm và 5 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách của Quế Sơn với tổng giá trị 500 triệu đồng. Mặt khác, khi Quế Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai, huyện Thọ Xuân đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp vào thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 430 triệu đồng giúp khắc phục hậu quả. Đáp lại tình cảm đó, thời gian qua Quế Sơn cũng thường xuyên cử các đoàn công tác ra Thọ Xuân thăm hỏi, trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, Quế Sơn đã trao tặng 26 sổ tiết kiệm và hỗ trợ xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng của Thọ Xuân với tổng giá trị 410 triệu đồng, đồng thời động viên, giúp đỡ người dân Thọ Xuân bị thiệt hại nặng do thiên tai với số tiền 235 triệu đồng... Tất cả những việc làm ân nghĩa thủy chung xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tình cảm trong sáng ấy đã kịp thời động viên, cổ vũ nhân dân hai huyện vượt qua khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu ngày càng to lớn và toàn diện hơn.

Với Thọ Xuân, trải qua hơn 30 năm đổi mới và bước sang thời kỳ CNH, HĐH, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã giành được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng ngày càng được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới hoàn thành đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Vùng đất ngọt Lam Sơn - một trong “Tứ Sơn” của tỉnh Thanh đã trở thành điển hình của cả nước về “liên minh công, nông, trí” trong lao động sản xuất. Cảng Hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động ổn định, phát triển; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được đầu tư tôn tạo, trở thành điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây thực sự là tiền đề quan trọng, là động lực to lớn, tạo niềm phấn khởi, tự tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thọ Xuân thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Với Quế Sơn, Đảng bộ và nhân dân trong huyện không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tranh thủ thời cơ, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện quyết liệt và hiệu quả các mục tiêu kế hoạch đề ra. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm đạt 15,6%; vượt chỉ tiêu đề ra. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có bước phát triển đột phá. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú. Hình thành nhiều khu cụm công nghiệp phát triển hiệu quả như công nghiệp Đông Quế Sơn; Cụm công nghiệp Hương An, Đông Phu... Vì vậy, kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV, nhất là 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, huyện luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng mối tình trong sáng, thủy chung Thọ Xuân - Quế Sơn như hai dòng sông “chung đầu hợp cuối”, lắng đọng bồi đắp tình người, tình quê hương và sẽ mãi mãi là niềm tự hào khắc sâu trong lòng mỗi người.

Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/60nam-thanh-hoa-quang-nam/tho-xuan-que-son-nhu-hai-dong-song-chung-dau-hop-cuoi/115321.htm