Thỏa hiệp với cái sai

Mới đây, thông tin được công bố tại buổi Tọa đàm khảo sát về hoạt động thanh tra, kiểm tra DN do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. HCM tổ chức rất đáng chú ý.

Theo đại diện VCCI chi nhánh TP. HCM, kết quả khảo sát trên 10.000 DN trong cả nước của VCCI cho thấy: Có đến 79% số lượng DN chấp nhận trả chi phí không chính thức. Đáng chú ý, có 52% số DN thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra.

Trong câu chuyện này, nhiều quan điểm cho rằng, bất cập chủ yếu bắt nguồn từ phía cơ quan quản lý nhà nước khi có sự sách nhiễu, đòi hỏi để DN phải chi trả chi phí không chính thức. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, như ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI từng chia sẻ thì: "Việc chi trả phần nào xuất phát từ chính DN, không hẳn chi trả để theo yêu cầu và sách nhiễu của thanh tra, kiểm tra”. DN làm như vậy bởi vì muốn giảm phiền hà, duy trì quan hệ cũng như né tránh nghĩa vụ.

Trên thực tế, từ giữa tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Chỉ thị nêu rõ quy định chỉ được thanh, kiểm tra DN mỗi năm một lần. Theo tinh thần của Chỉ thị 20/CT-TTg, cơ quan chức năng chỉ được thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng và không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh, kiểm tra đột xuất. Tất cả những nội dung kể trên nhằm giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho DN trong quá trình hoạt động.

Với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vậy, việc giảm phiền hà, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong mọi vấn đề nói chung, lĩnh vực thanh tra, kiểm tra nói riêng là điều cần thiết. Muốn vậy, có lẽ tinh thần từ các văn bản như các Nghị quyết 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN hay Chỉ thị 20/CT-TTg cần được quán triệt mạnh mẽ, triển khai quyết liệt, thực chất hơn nữa. Về phía DN, có lẽ cần nhanh chóng có sự đổi thay trong tư duy bởi nếu DN cứ tiếp tục thỏa hiệp với cái sai, duy trì phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp thì DN chắc chắn khó nâng cao năng lực cạnh tranh, "lớn lên" trong hội nhập. Tất cả những điều này không chỉ tác động tới riêng từng DN mà vô hình trung sẽ làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thoa-hiep-voi-cai-sai.aspx