Thỏa thuận Abraham thay đổi địa chính trị Trung Đông

Hôm nay 15-9, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain sẽ ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Israel theo thỏa thuận do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian.

Người Palestine tại Dải Gaza phản đối thỏa thuận giữa UAE và Israel. Ảnh: Anadolu Agency

Người Palestine tại Dải Gaza phản đối thỏa thuận giữa UAE và Israel. Ảnh: Anadolu Agency

Lễ ký kết diễn ra ở Nhà Trắng với sự hiện diện của Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngoại trưởng hai quốc gia vùng Vịnh. Trên Twitter, ông Trump ca ngợi đây là bước đi đột phá và mang tính lịch sử giữa các đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông.

Thỏa thuận tên gọi Hiệp định Abraham được kỳ vọng thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa những nền kinh tế năng động nhất khu vực, trải rộng trên các lĩnh vực an ninh, kinh doanh, năng lượng và khoa học. Trước UAE và Bahrain chỉ có Ai Cập, Jordan có quan hệ ngoại giao với Israel lần lượt từ các năm 1979 và 1994. Hiện một số quốc gia như Sudan, Oman, Kuwait và Morocco cũng được cho cân nhắc bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái.

Tin tức trên không gây bất ngờ khi nhiều nước Arab giàu dầu mỏ từ lâu đã âm thầm vun đắp quan hệ với Israel. Về chính trị, hai bên tuy không phải đồng minh truyền thống nhưng có chung mối hiềm khích với Iran. Về thương mại, mở rộng hợp tác giữa các nền quân chủ vùng Vịnh và Tel Aviv được cho tạo cú hích đối với kinh tế khu vực, đặc biệt giữa cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Trước viễn cảnh này, giới phân tích cho biết đây sẽ là cơ hội để chính quyền Trump và các đồng minh thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc ở Trung Đông. “Thành tích” trên cũng giúp chiến dịch tranh cử của ông Trump ghi điểm khi bước vào giai đoạn nước rút trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuần rồi, một nghị sĩ Na Uy còn đề cử chủ nhân Nhà Trắng cho giải Nobel hòa bình 2021 vì đóng góp quan trọng cho thỏa thuận Israel - UAE.

Bất ổn số phận người Palestine

Trước “thành tựu đối ngoại” của Mỹ và đồng minh trong khu vực, các nhà lãnh đạo Palestine đã chỉ trích thỏa thuận các bên đạt được với Israel là “đáng xấu hổ” khi phá vỡ sự đồng thuận của thế giới Arab đối với nỗ lực của Palestine đòi lại những vùng đất bị Israel chiếm đóng. Theo giới quan sát, các nước vùng Vịnh bao gồm UAE và Bahrain tuy khẳng định cam kết của họ với Sáng kiến Hòa bình Arab và một nhà nước Palestine chủ quyền, nhưng sự nghiệp của người Palestine và xa hơn là khôi phục hòa bình ở Trung Đông rõ ràng đang mất dần sức hút.

Thực tế mới này được phơi bày tại cuộc họp của Liên đoàn Arab tuần rồi khi nghị quyết lên án UAE do các quan chức Palestine đưa ra đã không được thông qua. Quan trọng hơn, theo giới phân tích, đằng sau quyết định nối gót UAE của Bahrain (vốn đang cậy nhờ răn đe quân sự từ Saudi Arabia) là dấu hiệu cho thấy Riyadh cũng ngầm đồng ý tiểu vương quốc này công nhận Israel. Thậm chí có khả năng Saudi Arabia cũng đang đi theo hướng tương tự dù sẽ chậm hơn. Nếu điều này xảy ra, chính thức hóa quan hệ với ông lớn trong nền chính trị vùng Vịnh sẽ là “phần thưởng” cuối cùng đối với nỗ lực của Israel trong hàng thập kỷ qua để được các quốc gia Arab xung quanh công nhận. Song, đây là “sự phản bội” và là ngày đen tối trong lịch sử của người Palestine cũng như người Arab - theo lời một quan chức cấp cao Palestine.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thoa-thuan-abraham-thay-doi-dia-chinh-tri-trung-dong-a125434.html