Thỏa thuận dập tắt 'chảo lửa' Idlib: Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ có lợi hơn?

Về tổng thể, thỏa thuận đang có lợi hơn so với Nga, trong khi Tổng thống Erdogan đang đặt nhiều rủi ro và trách nhiệm ở Idlib vào tay mình.

Thỏa thuận Nga-Thổ về Idlib đã cơ bản giải quyết được bất đồng giữa hai nước.

Thỏa thuận Nga-Thổ về Idlib đã cơ bản giải quyết được bất đồng giữa hai nước.

Moscow linh hoạt nhưng kiên định

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi ngày 17/9 trong một cuộc gặp được cho là giải quyết những căng thẳng nóng bỏng ở Idlib.

Tình hình ở vùng phía bắc Syria đã là tâm điểm chú ý của các nhà quan sát Trung Đông trong hơn một tháng qua, với sự leo thang giữa hai bên có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột lớn.

Đã có những nỗ lực trước đó giữa các nhà ngoại giao Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các quan chức quân sự và tình báo để đưa ra một kịch bản hòa bình cho Idlib, nhưng phải đến cuộc gặp của tổng thống hai nước mới có được một thỏa thuận cuối cùng.

Trên thực tế, cuộc họp Sochi là cuộc gặp gỡ cá nhân thứ ba giữa ông Putin và ông Erdogan trong ba tuần qua.

Căng thẳng ở Idlib dường như đã dịu lại vào cuối tuần qua, khi các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad được cho là đã rút lui khỏi tiền tuyến ở phía tây bắc Syria trong lúc các bên tích cực cho các nỗ lực ngoại giao.

Cuối tuần trước, đại diện cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức đã gặp nhau ở Istanbul để thảo luận về tình hình Idlib. Các bên đồng ý rằng bất kỳ cuộc tấn công nào đều sẽ mang đến những “hậu quả nghiêm trọng” và “một giải pháp chính trị phải đạt được”.

Bình luận với Al-Monitor, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga giấu tên cho biết: Moscow "linh hoạt trong các giải pháp nhưng kiên định trong mục tiêu giải quyết vấn đề một lần và mãi mãi”.

“Với Idlib, chúng tôi đang liên lạc với người Thổ Nhĩ Kỳ ở các cấp độ khác nhau 24/7 và nếu không phải vì sự can thiệp của phương Tây, với những mối đe dọa và áp lực liên tục, chúng tôi đã có thể làm việc với nhau một cách bình tĩnh. Cả châu Âu lẫn người Mỹ đều không đề xuất được bất cứ điều gì đáng giá hoặc mang tính xây dựng vào thời điểm này, họ chỉ liên tục ra tối hậu thư".

Những gì hai nhà lãnh đạo cuối cùng đã đạt được trong cuộc họp hôm 17/9 là một thỏa thuận về vùng đệm.

"Chúng tôi đã đồng ý lập ra một khu phi quân sự giữa quân đội Chính phủ và chiến binh phe đối lập trước ngày 15/10.

Vùng này sẽ rộng 15-20 km, với sự rút lui hoàn toàn của các nhóm chiến binh vũ trang bao gồm cả Jabhat al-Nusra", Tổng thống Erdogan tuyên bố.

“Lãnh thổ được kiểm soát bởi phe đối lập Syria phải được phi quân sự và phe đối lập Syria sẽ tiếp tục ở lại nơi đó. Nhưng cùng với Nga, chúng tôi sẽ cố gắng xóa bỏ những vùng chiếm đóng của các nhóm cực đoan”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được hoàn thành, nhưng các bên đã đồng ý rút tất cả các loại vũ khí hạng nặng, kể cả xe tăng và pháo binh ra khỏi khu vực trước ngày 10/10 – theo đề nghị của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đó, khu vực này sẽ được các đơn vị quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra cùng nhau.

Ngoài Idlib, các tuyến đường giữa Aleppo và Hama, cũng như giữa Aleppo và Latakia, được thiết lập để mở cửa trở lại cho giao thông quá cảnh vào thời điểm cuối năm nay.

Vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ là làm sao tách bạc được "khủng bố" và "đối lập".

Theo Tổng thống Putin, Nga sẽ bảo trợ chung cho thỏa thuận của Chính phủ Syria (mà về cơ bản là thỏa thuận giữa Moscow và Ankara) bền vững trong dài hạn, mặc dù sẽ có nhiều vấn đề thực tế có thể nảy sinh.

Theo Timur Akhmetov, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, "về tổng thể, thỏa thuận phù hợp lợi ích của Nga nhiều hơn".

“Thổ Nhĩ Kỳ duy trì cam kết của mình đối với tiến trình Astana và tiếp tục hỗ trợ các tiến trình chính trị liên quan. Nước này cũng chịu trách nhiệm ngăn chặn các cuộc tấn công của các nhóm khủng bố nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga. Ankara đang cứu cả Idlib và phe đối lập thoát khỏi một cuộc tấn công từ quân đội Syria nhưng cũng chịu rủi ro liên quan đến các nhóm cực đoan”, Akhmetov nêu quan điểm.

Mọi bài toán đều có lời giải

Cả hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ đều đưa ra nội dung với các giải pháp mà đội ngũ cố vấn của họ đã thảo luận một cách tỉ mỉ. Hai bên dường như thừa nhận mặc dù thỏa thuận này có thể là tạm thời, nhưng trong ngắn hạn nó giải quyết các vấn đề bức xúc nhất đang tạo nên mây mù trong quan hệ tương lai của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Syria, giúp Thổ Nhĩ Kỳ tránh một tình huống khó khăn hơn.

"Dù là bất cứ vấn đề gì, đều có một giải pháp để giải quyết", một nhà ngoại giao Nga khác cố vấn cho cuộc gặp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nói với Al-Monitor, bình luận về kết quả của cuộc họp Sochi.

Theo đánh giá của giới quan sát, thỏa thuận một khi đi đúng hướng sẽ là một bước quan trọng để giải quyết dần dần các vấn đề phức tạp ở Idlib đang ngày càng khó khăn trong vài năm qua. Nỗ lực của Nga-Thổ là rất đáng giá nhưng nhiều thách thức về cả quân sự và ngoại giao vẫn còn tồn tại.

Điều quan trọng nhất là câu hỏi về việc Moscow có thể thành công trong việc cân bằng giữa mục tiêu giành lại lãnh thổ của chính quyền Assad và những lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ một cách nhạy cảm và an toàn hay không.

Cuối cùng, có những câu hỏi về việc đâu là giải pháp chính trị và quân sự để tách được cái gọi là phe đối lập “ôn hòa” và các nhóm chiến binh cực đoan mà không gây nguy hiểm cho an ninh Syria trong thời gian dài.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thoa-thuan-dap-tat-chao-lua-idlib-nga-hay-tho-nhi-ky-huong-loi-hon-a403936.html