Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: Khó xuôi chèo mát mái!

'Thỏa thuận đình chiến thương mại' mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được tại cuộc đàm phán bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Buenos Aires vừa qua được xem là bước đột phá tạm thời tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến thương mại đang có nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào giai đoạn khó khăn mới.

Tuy nhiên, với 90 ngày để giải quyết tất cả những bất đồng còn quá lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, xem ra thỏa thuận này là không thực tế.

Thỏa thuận Mỹ và Trung Quốc đạt được hôm 1-12 bên lề Hội nghị G20 ở Argentina đặt ra thêm một thời hạn chót trong vòng 90 ngày để chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tháo gỡ những quan ngại lâu nay của Mỹ như vấn đề chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và tấn công mạng.

Không rõ khi nào đồng hồ đếm ngược sẽ bắt đầu, song có thể dự đoán rằng các cuộc thương lượng căng thẳng và mau lẹ sẽ nhanh chóng được khởi động giữa hai bên để vạch ra chi tiết cho một thỏa thuận sơ bộ vừa được hai nhà lãnh đạo phác thảo.

Chủ tịch Trung QUốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các quan chức dự tiệc tối, kết hợp làm việc tại Argentina ngày 1-12.

Mặc dù lãnh đạo mỗi bên đều ca ngợi mối quan hệ cá nhân thân thiết của nhau, song tuyên bố mà hai bên đưa ra trong bữa tối với nhau cho thấy vẫn tồn tại sự cách biệt giữa Washington và Bắc Kinh. Trong đó, sự khác biệt lớn nhất là việc Trung Quốc không hề đả động gì đến một thời gian biểu cho các cuộc đàm phán tới đây. Hơn nữa, phía Trung Quốc cũng không đề cập cụ thể loại hình thị trường nào mà nước này sẽ mở cửa trong thời gian tới, trong khi nông nghiệp, năng lượng và sản phẩm công nghiệp là 3 lĩnh vực được Mỹ quan tâm nhất.

Và, dù cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức được rằng hai bên sẽ cùng có lợi nếu tạm ngừng cuộc đối đầu thương mại nhưng, các nhà phân tích nhận định rằng thỏa thuận “đình chiến” mong manh này sẽ chẳng giúp ích gì trong việc giải quyết những vấn đề hóc búa then chốt trong quan hệ đối đầu giữa hai nền kinh tế.

Mỹ sẽ tạm ngừng gia tăng áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, vốn đã được lên kế hoạch từ trước, trong 90 ngày. Đổi lại, phía Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ được coi là những bước đi giúp hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngừng leo thang căng thẳng đang tác động tiêu cực tới các thị trường thế giới, đặc biệt giải tỏa nỗi lo của cộng đồng quốc tế về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Thỏa thuận “đình chiến” này còn giúp ông Trump, vừa bị đảng Dân chủ giành lại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, có thể tránh khỏi những tổn hại hơn nữa đối với nền nông nghiệp Mỹ, vốn phải chịu nhiều thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ chốt là tới quốc gia này.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng hai bên vẫn còn nhiều khác biệt lớn trong những vấn đề quan trọng. Theo ông Brock Silvers, Giám đốc Điều hành Công ty Cố vấn đầu tư Kaiyuan Capital có trụ sở tại Thượng Hải, Tổng thống Trump có thể sẽ phải chịu sức ép một khi thỏa thuận “đình chiến” thương mại này được xem xét kỹ lưỡng bởi lẽ ông Tập Cận Bình “không phải thực hiện những nhượng bộ quan trọng nào”.

Theo ông Silvers: “Căng thẳng giữa hai nước chỉ chấm dứt tạm thời chứ không phải được giải quyết, trừ khi Trung Quốc nhanh chóng đạt được sự nhất trí về chính trị để đạt được hòa bình dài hạn thông qua những nhượng bộ quan trọng về các vấn đề công nghệ, nếu không thỏa thuận vừa đạt được chỉ là trong ngắn hạn”.

Trên thực tế, thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ-Trung chỉ là thỏa thuận từng phần. Khoảng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hiện vẫn đang bị áp mức thuế 25%. Và mặc dù mức thuế 10% hiện nay đang áp đặt lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ không tăng lên mức 25% cho tới ngày 1-1-2019 như đe dọa của Tổng thống Trump, song chúng sẽ vẫn có hiệu lực.

Trung Quốc hiện đánh thuế đối với 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tổng thống Mỹ cảnh báo ông có thể sẽ áp đặt thuế trừng phạt đối với số hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trị giá 267 tỷ USD.

Không giống phía Mỹ, Trung Quốc không đề cập tới thực tế rằng việc trì hoãn tăng thuế chỉ kéo dài 90 ngày và rằng mức thuế có thể tăng lên nếu các cuộc đàm phán thương mại sắp tới không đạt được kết quả. Theo nhận định hiện không ai biết chính quyền Mỹ nghiêm túc tới mức nào đối với thỏa thuận “đình chiến” vừa đạt được. Mỹ không hứa rằng họ sẽ chấm dứt việc tăng quy mô đánh thuế sau đó và Trung Quốc cũng không đề cập tới những lời kêu gọi của Mỹ về việc Bắc Kinh cần thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với các chính sách kinh tế.

Giới phân tích đánh giá thỏa thuận “đình chiến” vừa đạt được là “tích cực và đáng khích lệ”. Tuy nhiên, để đạt được điều này Chính phủ Trung Quốc phải giải quyết được những lo ngại vốn tồn tại lâu nay trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, bao gồm “những rào cản thương mại, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn yếu kém, các chính sách công nghiệp không công bằng, tốc độ cải cách kinh tế chậm và những điều luật thiếu minh bạch.

Một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong quan hệ Mỹ-Trung là việc ông Tập Cận Bình công bố kế hoạch phát triển năng lực công nghệ cao của Trung Quốc lên mức đối đầu với Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng cái gọi là kế hoạch “Trung Quốc 2025” là một mối đe dọa đối với Mỹ, cáo buộc Bắc Kinh “ăn cắp” các công nghệ của Mỹ. Một điểm quan trọng nữa là thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ-Trung vừa đạt được không đề cập tới những tham vọng về công nghệ của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng nếu kịch bản 90 ngày không thể giải quyết được mọi vấn đề, kế hoạch của Mỹ áp thuế 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau. Việc tăng thuế suất sẽ khiến nhiều công ty đa quốc gia đẩy mạnh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, trong khi thuế nhập khẩu bổ sung đánh lên hàng Trung Quốc cũng sẽ đặt ra một “nguy cơ đáng kể về kinh tế và chính trị” cho chính quyền Tổng thống Donald Trump.

“Vấn đề của Mỹ với Trung Quốc là vấn đề cấu trúc và khi 2 bên không nhượng bộ nhau, 90 ngày hoặc thậm chí 180 ngày, bất cử thỏa thuận nào cũng trở nên vô tác dụng.

Bảo Trân (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thoa-thuan-dinh-chien-thuong-mai-my-trung-quoc-kho-xuoi-cheo-mat-mai-523561/