Thỏa thuận hạt nhân: Iran dọa có thể làm giàu urani 'cấp độ vũ khí', Mỹ nói gì về phản hồi từ Tehran?

Truyền thông khu vực ngày 2/9 đưa tin, đại biểu Quốc hội Iran - Tướng Mohammad Ismail Kothari đã đe dọa rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo có thể tăng cường làm giàu urani có độ tinh khiết từ 60% lên 93%, được coi là 'cấp độ vũ khí', nếu các bên tiếp tục trì hoãn việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Israel cảnh báo Iran có thể trang bị vũ khí hạt nhân sau khi JCPOA hết hạn

Hãng thông tấn nhà nước ISNA dẫn lời ông Kothari nói rằng, Iran có khả năng tăng cường làm giàu urani từ 60% lên 93% có thể dùng để sản xuất bom hạt nhân, nếu việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) lâm vào bế tắc

Tuy nhiên, quan chức này khẳng định thêm, Tehran không mong muốn kịch bản trên xảy ra.

Sau 16 tháng đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất hồi đầu tháng 8 nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trước khi các bên hướng tới việc khôi phục JCPOA.

Bản dự thảo này xác định các bước mà Iran và Mỹ sẽ phải thực hiện để quay trở lại việc tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân. Tehran đã yêu cầu sửa đổi văn bản. Ngày 1/9, Washington đã trả lời các phản hồi mới nhất của Iran, đồng thời cho rằng, phản hồi này không “mang tính xây dựng”.

Iran dự kiến hoàn tất việc xem xét các câu trả lời cho những phản hồi từ phía Mỹ ở cấp chuyên gia vào ngày 3/9, trước khi gửi bản đánh giá lên Hội đồng An ninh quốc gia Iran - cơ quan đưa ra quyết định hạt nhân dưới sự giám sát trực tiếp của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Trước đó, cùng ngày 2/9, ông Mohammad Marandi - cố vấn của phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran tuyên bố Tehran đã đưa ra câu trả lời dành cho Washington về một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng và nếu Mỹ đưa ra “quyết định đúng đắn” thì tiến trình đàm phán có thể đi đến hồi kết một cách nhanh chóng.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Marandi nêu rõ: “Iran đã trả lời như cam kết. Đây là lúc để phía đội ngũ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra một quyết định nghiêm túc”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi xác nhận đã nhận được câu trả lời của Iran thông qua EU, người phát ngôn bộ này chia sẻ: “Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ có câu trả lời thông qua EU, nhưng thật không may là câu trả lời của phía Tehran lại không mang tính xây dựng”.

Iran đã ký JCPOA với các cường quốc thế giới vào tháng 7/2015, theo đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran, khiến Tehran từ bỏ một số cam kết trong JCPOA.

Theo thỏa thuận năm 2015, Iran chỉ được phép làm giàu uranium có độ tinh khiết đến 3,67%, duy trì một kho dự trữ 300 kg uranium và chỉ được phép sử dụng các máy ly tâm IR-1 rất cơ bản - máy quay khí uranium ở tốc độ cao cho mục đích làm giàu.

Tuy nhiên, hiện nay, Iran đã vượt quá giới hạn này khá nhiều khi đang sở hữu kho dự trữ khoảng 3.800 kg uranium đã được làm giàu - một số đã được làm giàu tới 60%, gần bằng cấp vũ khí. Iran cũng đã lắp đặt hàng nghìn máy ly tâm tiên tiến (vi phạm thỏa thuận năm 2015), bao gồm cả máy IR-6 quay nhanh hơn nhiều. Nếu JCPOA được khôi phục, Iran sẽ buộc phải tuân thủ trở lại các giới hạn trước đó nhưng họ sẽ được phép khai thác các máy ly tâm tiên tiến, bao gồm cả cơ sở hạ tầng điện tử cần thiết để vận hành chúng.

(theo Aawsat, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-hat-nhan-iran-doa-co-the-lam-giau-urani-cap-do-vu-khi-my-noi-gi-ve-phan-hoi-tu-tehran-196719.html