Thỏa thuận hạt nhân Iran: Đứng trước nguy cơ đổ vỡ

Ngày 14-7 đánh dấu tròn 5 năm Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết tại thủ đô Vienna (Áo) sau quá trình đàm phán đầy khó khăn. Tuy nhiên, từ một cam kết lịch sử được ca ngợi là thành tựu quan trọng của ngoại giao quốc tế giúp chấm dứt một trong những hồ sơ gây căng thẳng nhất thế giới, số phận của thỏa thuận này sau nửa thập kỷ ngày càng trở nên mong manh và thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Iran đã từng bước thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1.

Bản thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) còn có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) dài tới 100 trang và có thêm 5 trang phụ lục, khi đó được Tổng thống Iran Hassan Rouhani miêu tả là một chiến thắng của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Các mục tiêu do Tehran đề ra đều được đề cập trong văn bản này, gồm duy trì các hoạt động và thành tựu hạt nhân, gỡ bỏ các lệnh cấm vận của phương Tây, lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... JCPOA giúp giải phóng hơn 150 tỷ USD tài sản của các cá nhân, thực thể Iran bị đóng băng thông qua việc dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần trừng phạt đối với lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, kim loại, hàng không, vận tải, vũ khí và thương mại nói chung.

Trong khi đó, trang web của Nhà Trắng giải thích rõ rằng thỏa thuận mới sẽ ngăn chặn mọi con đường tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran. Nhóm P5+1 yêu cầu được thanh sát thường xuyên các nhà máy hạt nhân của nước này để bảo đảm hoạt động làm giàu uranium không vượt mức cho phép trong cam kết.

Cùng với nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba, việc đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân được xem là di sản ngoại giao nổi bật của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo. Cùng với đó, châu Âu cũng thể hiện được vai trò trung gian, dẫn dắt trong giải quyết mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Mỹ và Iran.

Tuy nhiên, vào tháng 5-2018, bước ngoặt của JCPOA xuất hiện khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận lịch sử này, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Đúng một năm sau, Iran cũng ra tối hậu thư đe dọa giảm bớt cam kết nếu các bên còn lại của văn kiện không cho thấy hành động cần thiết trong việc giúp nước này bảo vệ lợi ích. Hàng loạt biến cố liên tiếp xảy ra, nhất là sự kiện Mỹ hạ sát Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tháng 1 vừa qua tại thủ đô Baghdad của Iraq, khiến những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận năm 2015 đi vào ngõ cụt.

Một khi JCPOA đổ vỡ, khó có gì ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu, phát triển vũ khí hạt nhân. Nước này đã 4 lần vận dụng các điều khoản 26 và 36 trong thỏa thuận để từng bước thu hẹp các cam kết, tăng trữ lượng uranium làm giàu vượt ngưỡng trần 300kg, nâng mức làm giàu uranium tới độ tinh khiết vượt quá giới hạn 3,76%, khởi động các máy ly tâm tối tân để tăng cường trữ lượng uranium làm giàu... Thế nhưng, đến nay các cường quốc tham gia JCPOA vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ hành động cụ thể và có hiệu quả nào để ngăn chặn văn kiện này sụp đổ.

Sau 5 năm kể từ khi JCPOA được ký kết, Bộ Ngoại giao Iran ngày 13-7 vẫn khẳng định thỏa thuận là kết quả sự sẵn sàng cam kết của Tehran. Số lượng các cuộc đối thoại kỷ lục về những vấn đề cốt lõi đã thể hiện sự nghiêm túc và thực tế của nước này trong việc mang lại ổn định và hòa bình. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và đại diện nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới cũng liên tục kêu gọi các nỗ lực thực thi và bảo vệ văn kiện, bởi việc JCPOA “chết yểu” không chỉ làm mất đi một khuôn khổ đối thoại giữa Iran và phương Tây mà còn có thể khơi mào một cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm tại khu vực và trên thế giới.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/972788/thoa-thuan-hat-nhan-iran-dung-truoc-nguy-co-do-vo