Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran: Giương oai và trừng phạt!

Ngày 8/5 đánh dấu tròn 1 năm Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký bản ghi nhớ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được hồi năm 2015. Để 'chào đón' sự kiện đặc biệt này, cả Mỹ và Iran dường như 'không ai chịu ai'!

Cáo buộc Iran di chuyển các tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến Vùng Vịnh, Mỹ đã rầm rộ đưa oanh tạc cơ B-52, tàu sân bay đến Trung Đông. Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phải bỏ dở chuyến thăm Đức để tức tốc bay sang Iraq để bàn cách ứng phó; còn Iran cũng tuyên bố đình chỉ thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran. Trung Đông một lần nữa lại dậy sóng và chưa ai biết đâu sẽ là điểm dừng!

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng thống Iraq Barham Saleh tại Baghdad trong chuyến công du Trung Đông ngày 9/1/2019. Ảnh: Getty

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng thống Iraq Barham Saleh tại Baghdad trong chuyến công du Trung Đông ngày 9/1/2019. Ảnh: Getty

Căng như dây đàn

Không đợi đến khi tròn 1 năm Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), bầu không khí giữa 2 nước đã u ám từ tháng trước, khi cả Washington và Tehran liên tục có các động thái gây căng thẳng và thách thức đối phương. Còn nhớ hồi giữa tháng 4, nếu như Mỹ liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách tổ chức khủng bố thì đáp lại, Iran cũng ngay lập tức tuyên bố lực lượng quân đội Mỹ tại Tây Á là khủng bố. Đến ngày 2/5 vừa qua, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Cần nhắc lại, hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran. Tuy nhiên lúc đó, Washington đã áp dụng miễn trừ, trong đó 8 nước và vùng lãnh thổ tiếp tục được mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Đến ngày 22/4, Tổng thống Trump đã quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ này, bắt đầu từ ngày 2/5. Washington cũng không ngại công khai mục đích của động thái này là nhằm buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời làm suy giảm vai trò của nước này trong các hồ sơ nóng tại khu vực Trung Đông. Không chịu thua, Iran tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ chặn eo biển chiến lược Hormuz nếu bị cản trở xuất khẩu dầu.

Độ nóng càng tăng lên khi những ngày qua Mỹ cáo buộc Iran “động binh” gây căng thẳng, đe dọa an ninh trong khu vực buộc Mỹ phải hành động. Theo phía Mỹ, nhiều nguồn tin tình báo cho thấy, Iran dường như đang di chuyển các tên lửa đạn đạo lên tàu quân sự ở Vùng Vịnh và sẵn sàng cho các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh ở Saudi Arabia, Bahrain, Qatar và không ngoại trừ các vị trí của quân đội Mỹ ở Iraq và Syria. Dù không tiết lộ chi tiết nhưng một số nguồn tin cho rằng, Washington đã có những thông tin tình báo này từ phía đồng minh thân cận là Israel. Đáp lại, người ta thấy Mỹ bắt đầu rầm rộ triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress tới vùng Vịnh.

Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln. Ảnh: US Navy

Hủy thăm Đức, cấp tập sang Iraq

Với lý do phải “xử lý vấn đề an ninh cấp bách”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bất ngờ hủy chuyến thăm Đức với cuộc gặp dự kiến với Thủ tướng Đức Merkel và Ngoại trưởng nước này. Thay vào đó, ông Pompeo ngay lập tức có chuyến thăm bất ngờ đến quốc gia đồng minh Iraq. Theo thông tin ít ỏi trên truyền thông, Ngoại trưởng Pompeo đã gặp Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cùng nhiều quan chức cấp cao. Các cuộc gặp này nhằm thảo luận về sự an toàn của người Mỹ tại Iraq cũng như bày tỏ quan ngại đối với Iran.

Không khó lý giải khi trong lúc “nước sôi lửa bỏng” với Iran, Mỹ lại ngay lập tức tìm đến đồng minh Iraq. Bởi đây là quốc gia có khoảng 5.000 binh sỹ Mỹ đồn trú. Quan trọng hơn, Mỹ đặc biệt lo lắng đồng minh thân thiết vào thời khắc quan trọng có thể ngả về phía Iran. Theo giới quan sát, cái bắt tay nồng ấm giữa 2 láng giềng Iran - Iraq không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương mà có thể tác động nhiều đến các hồ sơ nóng của khu vực, như cuộc chiến Syria, khủng hoảng Lebanon hay cuộc chiến chống khủng bố… Đó là chưa kể, cùng với quan hệ tốt hơn với Iraq, các lực lượng thân Iran tại khu vực như Hezbollah, Houthi hay Hamas cũng không ngại ngần thể hiện sự ủng hộ với Tehran bằng cách đánh vào các lợi ích chiến lược của Mỹ tại khu vực.

Các bên tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Ảnh: Internet

Ai thắng - ai thua?

Căng thẳng gia tăng, ai cũng hiểu, cả Mỹ và Iran dù ấp ủ nhiều mục tiêu chiến lược nhưng không tránh khỏi những thiệt hại trước mắt. Như với Mỹ, bề ngoài là siết chặt trừng phạt, cô lập Iran nhưng dường như, Mỹ đang gián tiếp khiến cho mối quan hệ Iran và các đối tác mua dầu trên toàn cầu trở nên “khăng khít”, dù có thể phải theo một cách khác. Không những thế theo một số chuyên gia quân sự, tàu sân bay USS Abraham Lincoln mà Mỹ vừa điều đến Trung Đông thực tế lại không phù hợp với nhiệm vụ, do các mẫu hạm này vốn được thiết kế cho các hoạt động trên các vùng biển mở. Vì vậy, nếu xung đột xảy ra sẽ có nguy cơ đẩy hàng nghìn thủy thủ Mỹ vào thế bất lợi quân sự lớn, do các tàu sân bay này dễ bị tấn công một cách bị động trong một vùng biển hẹp và hạn chế.

Trong khi đó, Iran trong hàng loạt tuyên bố mới nhất vẫn thể hiện thái độ cứng rắn đối với Mỹ. Dù khẳng định không rút khỏi thỏa thuận nhưng Iran vừa thông báo với đại sứ của các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga về quyết định của nước này “ngừng thực hiện một số cam kết” trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký với các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Trước đó, Tổng thống Iran Rouhani cũng tuyên bố sẽ khởi động lại chương trình hạt nhân để đáp trả Mỹ. Thế nhưng cùng lúc, nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp cho hay, Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc phải tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, nếu Tehran từ bỏ một phần thỏa thuận hạt nhân.

Đây là sự thay đổi thái độ đáng kể khi các nước châu Âu thời gian qua có nhiều tuyên bố ủng hộ Iran. Hơn nữa về mặt kinh tế, không thể phủ nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ của Iran. Đơn cử, ngay khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái, xuất khẩu dầu của nước này đã giảm 25%, đồng Rial mất giá 70%, lạm phát tăng gần 50%...

Không chỉ khiến cả 2 bị thiệt hại cả về kinh tế, quân sự và chiến lược, căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng đang khiến cả khu vực Trung Đông vốn đã phức tạp nay càng thêm nóng bỏng. Ai cũng hiểu, Mỹ thông qua hàng loạt biện pháp siết chặt và giương oai đều nhằm mục đích gây sức ép buộc Iran phải ngừng phát triển tên lửa đạn đạo cũng như chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Washington cũng muốn Iran phải chấm dứt ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen hay Hamas ở Palestine...

Quan trọng hơn, Mỹ muốn một Iran bị cô lập và suy yếu về kinh tế, sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận mới liên quan đến vấn đề hạt nhân. Thế nhưng ngược lại, Iran chắc chắn sẽ không chịu bị sức ép và phải nhượng bộ Mỹ một cách bề trên, vô lý. Bởi thế vào lúc này, một khi vẫn không ai chịu nhường ai, cả Mỹ và Iran đều sẽ phải chịu thiệt hại khó mà đo đếm!

Khang Duy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/thoa-thuan-hat-nhan-my-iran-giuong-oai-va-trung-phat-242375.html