Thỏa thuận Idlib: Nga 'đẩy' Thổ vào thế thách thức lấn át cơ hội

Cơ hội hay thách thức đang chờ đợi Ankara sau khi ký kết với Nga thỏa thuận thiết lập một khu vực phi quân sự tại Idlib, Syria?

Ankara đã ra tín hiệu sẵn sàng sử dụng vũ lực đối phó với các nhóm cực đoan tại tỉnh Idlib – theo đúng tinh thần của thỏa thuận đã ký giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Đầu tháng này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Vladimir Putin đã đồng ý thiết lập một khu vực phi quân sự trong tỉnh Idlib – thành lũy cuối cùng của lực lượng nổi dậy và cả các nhóm khủng bố từng có quan hệ với al-Qaeda, IS… tại Syria.

Thỏa thuận trên được Ankara ca ngợi là một thắng lợi ngoại giao, giúp ngăn cản một chiến dịch tấn công tổng lực vào Idlib từ các lực lượng chính phủ Syria với sự ủng hộ của Moscow. Ước tính hiện có khoảng hơn 70.000 tay súng và 3 triệu thường dân đang có mặt tại Idlib. Giới quan sát quốc tế lo ngại, tổng tấn công sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo mới.

Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây đang đứng trước một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, đó là trước ngày 15/10, họ phải đưa được các nhóm hồi giáo cực đoan và vũ khí hạng nặng của lực lượng nổi dậy, ra khỏi một khu vực có diện tích từ 15 tới 20km vuông.

“Bàn luận trong phòng họp để tuyên bố ngoài họp báo là một chuyện, còn đánh nhau trên chiến trường lại là chuyện khác,” một nhà ngoại giao kỳ cựu của Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen nói. “Nguyên do chủ yếu từ nhóm Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), bao gồm hơn 30.000 tay súng ở phía tây Idlib, đặc biệt gần với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và ngay trong thành phố Idlib. Họ sẽ làm gì? Họ sẽ đồng ý với giải pháp này không? Đây là câu hỏi chưa có lời giải đáp”.

Phát biểu trước các phóng viên hôm 21/9, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin ám chỉ, Ankara sẵn sàng sử dụng vũ lực trước các nhóm cực đoan nếu họ không đồng ý rời khỏi khu vực phi quân sự.

“Thuyết phục, hòa ước… bất kỳ biện pháp nào nếu cần thiết”, ông Kalin thẳng thừng nói. Tháng trước, Ankara đã liệt HTS vào danh sách các nhóm khủng bố.

Quân lính Thổ Nhĩ Kỳ tại một trạm gác gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (ảnh: getty image)

“Nhiệm vụ bất khả thi” cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Giới phân tích nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cẩn thận để tránh một cuộc đụng độ quân sự, thay vào đó, chính quyền Erdogan trông chờ vào ảnh hưởng của mình trước lực lượng đối lập.

“Lợi thế đòn bẩy Thổ Nhĩ Kỳ có chính là họ vẫn ủng hộ Quân đội Giải phóng Syria và nhiều nhóm khác. Ngay từ đầu, các nhóm đối lập đã trông chờ vào sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad”, giáo sư quan hệ quốc tế Huseyin Bagci của Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara phân tích.

“Tuy nhiên, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng tới các nhóm quan hệ với IS, al Qeada, al Nusra hay không thì tôi khá nghi ngờ”, ông Bagci cảnh báo. “Nga đang kỳ vọng Ankara có thể thuyết phục thành công tất cả bọn họ rời đi; nhưng tôi cho rằng đó là một nhiệm vụ rất, rất khó khăn”.

Một số chuyên gia đánh giá, Ankara đã “lọt bẫy” của Moscow khi cam kết tự mình đưa hoặc xóa bỏ các nhóm cực đoan khỏi khu vực phi quân sự. Điều này có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào một cuộc xung đột với các tay súng cực đoan.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thỏa thuận Idlib cũng giúp Ankara có cơ hội củng cố sức mạnh của mình tại Syria.

“Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ tăng cường số lượng binh lính tại Idlib và ảnh hưởng chung tại Syria”, ông Bagci nói. “Sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một phần của quá trình thương lượng trong tương lai với Nga. Chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng cơ hội để đưa thêm quân tới Syria cũng như ở lại lâu hơn”.

Theo một hiệp định trước đây giữa Moscow và Tehran, Ankara đã thiết lập 12 đồn quan sát quân sự xung quanh Idlib. Các đồn trạm này là một phần trong thỏa thuận tạo ra một khu vực giảm leo thang cho các lực lượng đối lập Syria và gia đình của họ. Nguy cơ về một chiến dịch tổng tấn công của chính phủ Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hiện diện tại các đồn trạm trên.

“Mục tiêu đôi” mà Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới

Theo các nhà phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ củng cố lực lượng tại Idlib cùng với quân đội của họ hiện đang kiểm soát một phần lớn lãnh thổ miền bắc Syria, sẽ đẩy mạnh nỗ lực của Ankara nhằm đạt được các mục tiêu của mình tại Syria.

“Ankara muốn tạo ra một hiện trạng ở Syria, để các khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ đều do các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát; từ đó loại bỏ các nguy cơ an ninh”, Sinan Ulgen, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học và Chính sách đối ngoại tại Istanbul, phân tích.

“Thứ hai, một giải pháp chính trị thành công sẽ là một sự đảm bảo an ninh để người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ quay về nhà. Đó là hai mục đích đôi mà chính phủ Thổ muốn tại Syria”.

Hiện có hơn 3,5 triệu người Syria đang tị nạn ở quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại, thỏa thuận Idlib giữa Ankara và Moscow đã tạm thời giúp “dẹp yên” nguy cơ một cuộc khủng hoảng tị nạn khác nếu tấn công xảy ra.

Với lời tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng, thỏa thuận Idlib chỉ là “một bước trung gian”, giới phê bình e ngại, đây chỉ là một sự hòa hoãn tạm thời trước khi khi chiến dịch tổng tấn công của quân đội chính phủ thực sự bùng nổ. Việc Ankara tiếp tục tăng cường hiện diện tại Idlib trong những tuần tới sẽ đẩy khả năng đối đầu với các nhóm vũ trang, lên mức báo động. Tuy nhiên, điều này được nhận định là sẽ mở rộng vị thế của Tổng thống Erdogan trong lần đàm phán tiếp theo với Tổng thống Nga Vlaidmir Putin, về tương lai của Idlib.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/thoa-thuan-idlib-nga-day-tho-vao-the-thach-thuc-lan-at-co-hoi-366109.html