Thỏa thuận Trung-Mỹ: Niềm vui nhỏ, báo trước khó khăn cực lớn

Thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ giai đoạn đầu được cho là có tiến bộ nhưng đó chỉ là bước dạo đầu trước những khó khăn lớn nhất sắp tới.

Có tiến bộ thực sự nhưng có phải là thỏa thuận lớn nhất?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/10 cho biết, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể sẽ không được ký kết cho đến khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) tại Chile vào tháng 11.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nói với các phóng viên rằng tương lai của thỏa thuận đang trong quá trình hoàn thiện.

Trước đó, trong vòng đàm phán thứ 13, Tổng thống Mỹ tuyên bố thỏa thuận tạm thời đang ở trong “giai đoạn đầu tiên”. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã đồng ý mua khối lượng nông nghiệp khổng lồ từ Mỹ.

Trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc mua nông sản từ Hoa Kỳ dựa trên nhu cầu của thị trường nội địa và theo nguyên tắc thị trường, trong năm nay họ đã mua 20 triệu tấn đậu nành, 700 nghìn tấn thịt lợn, 700 nghìn tấn cao lương, 230 nghìn tấn lúa mì và 320 nghìn tấn bông.

Trump cho biết “giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận” là một thỏa hiệp lớn nhất từng được thực hiện. Phía Trung Quốc đã đồng ý mua các sản phẩm nông nghiệp trị giá 40-50 tỷ USD trong vòng chưa đầy hai năm. Và câu hỏi bây giờ chỉ là liệu nông dân Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu này hay không.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố thận trọng hơn. Các phương tiện truyền thông đại chúng lớn nhất Trung Quốc đưa tin về những tiến bộ đáng kể sau kết quả vòng đàm phán thứ 13 và khẳng định đã đạt được nhiều vấn đề, bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ và mua sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã không gọi đây là một thỏa thuận.

Những khác biệt nhỏ trong cách diễn đạt làm tăng sự nghi ngờ về tiến bộ trong quá trình đàm phán.

Tuy nhiên mọi người đều nhớ các sự kiện tháng 5, khi cả Trump và các đại diện Hoa Kỳ khác đưa ra tuyên bố thỏa thuận "sắp diễn ra, chỉ trong vài tuần tới". Và sau đó, Hoa Kỳ công bố mức thuế mới, đưa Huawei vào danh sách đen, làm mọi thứ dẫn đến sự leo thang của cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, các tiến bộ đạt được hiện đã rõ ràng: Trump hứa sẽ không tăng thuế từ ngày 15 tháng 10 theo kế hoạch và ông đã giữ lời, còn ông Tập cam kết mua một số lượng nhất định nông sản.

Nhưng ở đây quan trọng phải hiểu từ những gì đang được thực hiện. Trung Quốc hiện rất cần nhập một số loại sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, đặc biệt là đậu nành, thịt lợn…, để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Và điều gì xảy ra nếu khối lượng sản phẩm mà Mỹ đang cố gắng bán ra, đơn giản là Trung Quốc không cần đến?

Thỏa thuận mới chỉ là thành công nhỏ, trước những khó khăn rất lớn trong tương lai

Thỏa thuận mới chỉ là thành công nhỏ, trước những khó khăn rất lớn trong tương lai

Nhưng mới chỉ là bước khởi đầu

Tất cả những gì mà hai bên tuyên bố phụ thuộc vào mức độ chắc chắn của một thỏa thuận đạt được, và vị trí của đường ranh giới đỏ, mà Bắc Kinh không có ý định vượt qua.

Bloomberg trước đó đã cho biết, Trung Quốc có thể không mua đủ khối lượng ông Trump công bố, mà không có sự nhượng bộ đáng kể nào từ Mỹ, ví dụ như là bãi bỏ mức thuế quan hiện có. Vì vậy điều rất quan trọng là cả hai bên phải sẵn sàng thỏa hiệp và tuân theo các thỏa thuận.

Ông Jiang Yuechun, giám đốc Trung tâm Kinh tế và Phát triển Thế giới tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nói rằng, nếu Bắc Kinh và Washington có thể đạt được sự đồng thuận, chẳng hạn, Hoa Kỳ ngừng áp thuế đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc và cả hai bên có thể xác nhận quan điểm nhất quán trong các lĩnh vực khác, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện nghĩa vụ và lời hứa.

Với ý nghĩa trên, chìa khóa của sự thành công là Trung Quốc và Hoa Kỳ cần đạt được sự đồng thuận và ký kết một hiệp ước. Nếu có một tài liệu văn bản, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải thực hiện trách nhiệm của mình và tất nhiên là phía Mỹ cũng cần tuân thủ thỏa thuận.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Stephen Mnuchin xác nhận văn bản thỏa thuận đang được chuẩn bị cho một cuộc họp giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Chile vào tháng 11.

Ông nói rằng, nội dung của thỏa thuận “giai đoạn đầu tiên” sẽ bao gồm các vấn đề về sở hữu trí tuệ, mua sắm nông nghiệp và các thỏa hiệp về tiền tệ.

Nhưng thực tế là vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc, là những vấn đề hết sức phức tạp, chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc.

Hơn nữa, điều này đòi hỏi phải đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, bởi nó có thể thay đổi cả chính sách quốc gia của Trung Quốc và ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của doanh nghiệp nước này. Do đó, ông Tập không dễ đưa ra những nhượng bộ lớn trước ông Trump.

Giới chức lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, không thể vội vã trong vấn đề này, họ cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, bàn bạc kỹ lưỡng; nên quyết định về việc này đã bị trì hoãn, không được đưa vào giai đoạn đầu tiên.

Như vậy, thực chất là vẫn chưa có những tiến bộ lớn trong thỏa thuận thương mại giữa hai nước về những vấn đề then chốt. Những khó khăn sắp tới mới là những khúc mắc lớn thực sự cần phải giải quyết, và chúng ta hãy đợi xem những gì sẽ xảy ra trong giai đoạn thứ hai.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thoa-thuan-trung-my-niem-vui-nho-bao-truoc-kho-khan-cuc-lon-3389801/