Thoái vốn lớn, hàng trăm nghìn tỷ được sử dụng như thế nào?

Đó chính là số liệu vừa được công bố trong tài liệu phục vụ Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, dự kiến diễn ra ngày 21/11 tới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Hàng trăm ngàn tỷ thoái vốn được sử dụng đầu tư công trung hạn.

Tiền thoái vốn, cổ phần hóa điều chuyển vào đâu?

Năm 2016, theo số liệu báo cáo của 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, tổng vốn chủ sở hữu đạt 1.398.183 tỷ đồng. Tổng tài sản là 3.053.547 tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1.515.821 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp là 251.845 tỷ đồng.

Năm 2017, số lượng doanh nghiệp giảm xuống 526 do đó, tổng vốn chủ sở hữu của nhà nước giảm xuống 1.326.699 tỷ đồng. Tổng tài sản là 3.001.117 tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1.598.742 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 167.039 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp là 219.468 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2018, theo báo cáo của 47 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tổng doanh thu đạt 691.508 tỷ đồng; bằng 70% so với kế hoạch năm 2018 (981.879 tỷ đồng). Lãi phát sinh trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 68.668 tỷ đồng, bằng 71% so với kế hoạch năm 2018 (96.170 tỷ đồng). Thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách 6 tháng đầu năm: 102.357 tỷ đồng; bằng 71% so với kế hoạch năm 2018 (144.113 tỷ đồng).

Tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỷ đồng, trong đó năm 2016 đạt 30.000 tỷ đồng; Năm 2017 là 144.577 tỷ đồng; 11 tháng đầu năm 2018 đạt 32.143 tỷ đồng.

Về tình hình sử dụng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, theo Nghị quyết 26 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó: Năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; Năm 2017 là 60.000 tỷ đồng; Năm 2018 là 65.000 tỷ đồng; Năm 2019 dự kiến là 50.000 tỷ đồng; Năm 2020 dự kiến là 45.000 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến ngày 18/11/2018, đã chuyển 135.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) vào ngân sách nhà nước, số còn phải chuyển về ngân sách là 115.000 tỷ đồng, trong đó năm 2018 đã thực hiện chuyển về ngân sách 45.000 tỷ đồng, còn phải chuyển về ngân sách là 20.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chậm

Nguyên nhân của việc chậm cổ phần hóa, theo Bộ Tài chính là do diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới.

Về yếu tố chủ quan, một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.

Doanh nghiệp nhà nước chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Lực lượng lao động trong doanh nghiệp nhà nước còn đông, năng suất lao động thấp, lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu và yếu. Tình trạng thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Tổ chức bộ máy trong doanh nghiệp nhà nước còn cồng kềnh, thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chính tiến độ cổ phần hóa.

Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Bạch Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoai-von-lon-hang-tram-nghin-ty-duoc-su-dung-nhu-the-nao-20181120153847564.htm