THOÁT CƠN MÊ 'SỐT ĐẤT'

Thị trường đất nền ở nhiều nơi như ma trận đối với những người có nhu cầu tìm hiểu, mua bán thực sự.

Chỉ đơn cử như ở TP Hà Nội, trước thông tin một số huyện sẽ lên thành quận, một số địa bàn của thành phố có các dự án lớn đã hoặc sẽ được quy hoạch, triển khai thì giá đất những nơi đó tăng "phi mã". Tất cả các địa phương trên cả nước đều có hiện tượng này. Sẽ không có gì đáng nói, nếu giá đất được tăng theo lộ trình cùng với quy hoạch và đúng với giá trị thực. Điều đáng lo ngại ở đây là rất nhiều nơi tình trạng đầu cơ đất, đất bị “làm giá”, “thổi giá” vượt rất xa giá trị thực, gây ra tình trạng "sốt giá đất" ảo. Hệ lụy của những đợt "sốt giá đất" ảo là khôn lường.

Chuyện giá đất tăng vượt xa giá trị thực trở thành phổ biến. Không chỉ ở các thành phố lớn, mà ngay ở khu vực nông thôn cũng có tình trạng đó. Điều này diễn ra khi một khu vực, một địa bàn có quy hoạch về xây dựng hạ tầng cơ sở, khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại hay việc chuyển đổi địa giới hành chính... Nạn đầu cơ đất khiến cho thị trường méo mó, không phản ánh đúng quy luật cung-cầu, dư luận gọi là “đất bị làm giá”. Không chỉ giới đầu cơ mà còn xuất hiện một thành phần khác, thường được gọi là “cò đất”. Với rất nhiều chiêu trò, một số “cò đất” thiếu lương tâm không chỉ góp phần "thổi" giá đất mà còn tìm cách lừa người mua. Nhiều người dân vốn thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này, lại bị tâm lý đám đông nên đã mắc câu.

Sốt đất ảo tại nhiều vùng ven ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.

Với các nhà đầu tư, kinh doanh thì việc mua rẻ, bán đắt, mua khi giá thấp, bán khi giá cao... là việc bình thường, nếu đó là phương thức làm ăn chân chính, tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, lại có những vấn đề không bình thường trong lĩnh vực này. Phổ biến nhất là tình trạng một số nhà đầu cơ lợi dụng thông tin quy hoạch, bắt tay, cấu kết nhau để “chạy” quy hoạch, “chạy” thông tin, làm giả thông tin để tạo ra hiện tượng khan hiếm giả tạo, đẩy giá đất lên cao, hòng trục lợi. Nhiều người dân đã bị cuốn theo những thông tin rỉ tai “cứ mua sẽ có lãi” để rồi điệp khúc “ôm cây đợi thỏ” ở đâu cũng có. Đã có nhiều người sẵn sàng đi vay lãi, sử dụng “tín dụng đen”, đầu cơ “tất tay” vào đất trong khi nhu cầu ở thì không có thực. Khi giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực thì nguy cơ thị trường đổ vỡ là tất yếu. Đất đầu cơ không bán được, áp lực lãi suất tiền vay khiến mất ăn mất ngủ, bị “tín dụng đen” siết nợ... đã khiến bao người tán gia bại sản. Chắc hẳn chưa ai quên cơn vỡ “bong bóng bất động sản” những năm 2010-2012. Cho đến giờ, bài học đó vẫn là bài học rất đắt giá.

Chuyện đầu cơ đất đã khiến nhiều người giàu lên nhưng cũng khiến nhiều người bị đẩy xuống tận cùng xã hội do mất hết sản nghiệp. Suy cho cùng, lĩnh vực mua đi, bán lại quyền sử dụng đất đai chỉ có thể làm người này giàu lên và người khác nghèo đi. Với mỗi người dân, đầu tư vào đất thực sự không phải là lĩnh vực theo kiểu “cứ mua là có lãi”. Khi chúng ta không nắm được thông tin, không hiểu biết pháp luật, không có kiến thức, tầm nhìn, không có nhu cầu ở thực sự thì phải rất cẩn trọng. Cần tỉnh táo trước những thông tin theo kiểu “rỉ tai”, “tung hỏa mù” trong lĩnh vực đầu tư vào đất đai.

Ở góc độ quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này cũng cần tiếp tục hoàn thiện, bịt những kẽ hở trong quản lý. Việc quản lý thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch cần công khai, minh bạch và có kế hoạch bài bản, tầm nhìn xa để tránh thông tin bị lợi dụng vì động cơ trục lợi. Không chỉ cơ quan chức năng mà người dân cũng cần được giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, tránh quy hoạch treo gây hệ lụy xấu cho xã hội. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt tình trạng "giao dịch ngầm" về đất đai. "Giao dịch ngầm" không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, thị trường cung-cầu méo mó mà còn là một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ tranh chấp gia tăng do vi phạm pháp lý.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thoat-con-me-sot-dat-626967