Thoát khỏi cơn ho mạn tính khó hơn bạn nghĩ

Cơn ho được bắt đầu bằng một xung điện giữa các dây thần kinh trong đường thở, bao gồm cả mũi và cổ họng.

 Ho có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe cấp tính hoặc mạn tính. Ảnh: Walkinclinic.

Ho có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe cấp tính hoặc mạn tính. Ảnh: Walkinclinic.

Ho là triệu chứng phổ biến của các loại nhiễm trùng đường hô hấp. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 30 triệu lượt khám tại bệnh viện do ho, 40% trong số đó phải đến phòng khám bác sĩ chuyên khoa phổi để khám và điều trị.

Căn cứ vào mức độ phổ biến của chứng ho dai dẳng, bạn có thể cho rằng ngành y tế có danh sách dài các phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ho. Ho do nhiễm trùng đường hô hấp trên thường khỏi sau một thời gian.

Cách cơn ho hoạt động

Từ lâu, các bác sĩ đã đặt nghi vấn về thời gian ho sau khi nhiễm virus hoặc vi khuẩn đường hô hấp trên. Khác biệt có thể nằm ở thể trạng mỗi người và tính chất bệnh tật, chẳng hạn hen suyễn hay viêm phế quản mạn tính.

Ông Kyle B. Enfield, phó giáo sư Y khoa, ĐH Virginia, nhận thấy sự khác biệt này khi khám cho nhiều người. Ông cho biết một số bệnh nhân ho kéo dài, trong khi những người khác dường như hết ho sớm hơn mà không rõ nguyên nhân.

Cơn ho được bắt đầu bằng một xung điện giữa các dây thần kinh trong đường thở, bao gồm cả mũi và cổ họng. Hai loại dây thần kinh có thể kích hoạt ho để đáp ứng với các kích thích bên ngoài, bao gồm thụ thể cảm nhận hóa học và thụ thể cảm nhận cơ học. Các thụ thể hóa học phản ứng với mùi vị và khói. Chúng là lý do khiến nhiều người bị ho sau khi hít phải ớt cay trên chảo nóng.

Khi các dây thần kinh này được kích hoạt, cổ họng sẽ đóng lại và áp lực trong lồng ngực tăng lên. Sự tích tụ áp suất này dẫn đến sự bùng nổ không khí và chất nhầy vào phổi với tốc độ rất nhanh.

Ho dai dẳng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Ảnh: Homage.

Các nghiên cứu cho thấy nhiễm virus sẽ làm thay đổi mức độ nhạy cảm của các dây thần kinh này.

Khi nhiễm virus, quá trình viêm sẽ tạo ra phân tử bradykinin khiến bạn cảm thấy muốn ho. Bản thân virus có thể kích hoạt những thay đổi làm tăng độ nhạy cảm của các đường dẫn truyền thần kinh, khiến bạn ho nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi giai đoạn nhiễm trùng cấp tính kết thúc và bạn bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, cơ thể sẽ tự phục hồi những tổn thương do viêm đường thở và phổi gây ra.

Thông qua quá trình này, phản xạ ho cũng giảm đi. Các phân tử khiến cơn ho và hắt hơi thường xuyên sẽ lắng xuống, trở lại trạng thái bình thường.

Ho kéo dài bao lâu?

Ba loại ho chính là cấp tính, bán cấp tính và mạn tính.

Ho cấp tính là tình trạng ho kéo dài đến dưới 3 tuần. Các nguyên nhân phổ biến gây ho cấp tính gồm cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm phổi. Mặt khác, ho mạn tính lại kéo dài hơn 12 tuần. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này là bệnh suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày, viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi, lao phổi...

Ho bán cấp tính (ho sau nhiễm trùng) là cơn ho kéo dài mà nhiều người mắc phải sau khi khỏi bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Nó có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng và có thể tiến triển thành ho mạn tính.

Ho sau nhiễm trùng rất phổ biến nên các bác sĩ từ lâu đã nghiên cứu để xác định có bao nhiêu người bị ho kéo dài sau khi các triệu chứng khác của họ biến mất.

Ho mạn tính thường kéo dài hơn 8 tuần và được gây ra bởi nhiều lý do. Ảnh: Statnews.

Một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy trong số những người bị ho cấp tính và mạn tính, khoảng 12% là do nhiễm trùng đường hô hấp. Khi nói đến Covid-19, bằng chứng tốt nhất đến nay cho thấy chỉ 2,5% những người mắc bệnh này cũng bị ho mạn tính sau khi nhiễm bệnh.

Khan hiếm dữ liệu điều trị

Hiệp hội Y tế Mỹ và Hiệp hội Hô hấp châu Âu đã xuất bản các hướng dẫn nhằm giúp các bác sĩ lâm sàng giải quyết tình trạng khan hiếm dữ liệu chẩn đoán, điều trị ho. Mặc dù các hướng dẫn của Mỹ đã được xuất bản vào năm 2006, chúng vẫn là bằng chứng tốt nhất hiện có cho các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân của họ.

Ở người lớn, bằng chứng về hiệu quả của các phương pháp điều trị còn khác nhau và hạn chế. Trên thực tế, ông Enfield thường kê đơn thuốc giảm ho không gây nghiện benzonatate. Nó hoạt động bằng cách làm tê liệt các dây thần kinh trong phổi và đường thở, làm dịu phản xạ ho.

Dữ liệu về các phương pháp điều trị ở trẻ em cũng thiếu và các nghiên cứu đã chỉ ra thuốc giảm ho, thuốc kháng histamine không kê đơn không hiệu quả hơn giả dược.

Các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể đóng vai trò quan trọng đối với một số bệnh nhân. Nhiều người tin tưởng vào mật ong bởi một thực nghiệm cho thấy nó có tác dụng làm dịu cơ ho hiệu quả hơn giả dược trong khoảng 3 ngày.

Tuy nhiên, nếu sụt cân nhanh chóng, ho ra máu, đổ mồ hôi ban đêm hoặc khạc ra nhiều đờm, bạn nên nói chuyện với các bác sĩ chuyên khoa. Trong một số ít trường hợp, ho cấp tính và mạn tính có thể là dấu hiệu của ung thư phổi hoặc các bệnh phổi mạn tính khác nhau.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoat-khoi-con-ho-man-tinh-kho-hon-ban-nghi-post1401607.html