Thoát nghèo bền vững nhờ... 'sợ nghèo'

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững. Người dân không chỉ nhận hỗ trợ một cách thụ động, mà đã chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Với khát vọng làm giàu chân chính trên mảnh đất quê hương, người dân xã Đà Vị, huyện Na Hang không ngại khó, ngại khổ, biến những mảnh đất cằn cỗi, trơ đá sỏi thành những vạt tre Bát độ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ưu tiên phát triển HTX giúp giảm nghèo hiệu quả

Anh Giàng A Tọa, Giám đốc HTX Toàn Tuyến, thôn Nà Pin cho biết, chính suy nghĩ "sợ nghèo" đã thúc giục anh cùng gia đình phải nỗ lực phấn đấu vươn lên chiến thắng đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Đã có thời gian anh phải đóng cửa xưởng sản xuất do thua lỗ, thiếu nguyên liệu. Quyết không để cái nghèo đeo bám, anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh. Hiện tại bình quân mỗi ngày HTX của anh nhận thu mua cho bà con trên địa bàn trên 3 tấn lá tre và đang liên kết nhận bao tiêu sản phẩm lá tre cho 108 hộ dân ở các xã Đà Vị, Yên Hoa, Thượng Nông, Khau Tinh, Thượng Giáp (Na Hang) và các hộ dân ở Cổ Linh, Cao Tân, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) với diện tích trên 200 ha.

HTX trung bình có từ 30 đến 40 công nhân làm việc đảm đương việc coi lò, sấy, ép, vận chuyển lá tre. Hầu hết những lao động này đều là những người dân trong thôn Nà Pin, tiền công được trả theo tiếng hoặc khoán theo sản phẩm, thu nhập của người lao động trung bình từ 150.000- 200.000 đồng/ngày.

Theo anh Tọa, với khả năng sinh trưởng tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt, do đó cây tre Bát độ thường không phải đầu tư công chăm sóc, trồng 1 năm là có thể khai thác lá.

Từ đó, có thể tạo vùng nguyên liệu dồi dào. lá tre phát triển tự nhiên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, yên tâm khi sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, cũng như để bà con gắn bó với cây tre, HTX phải bỏ kinh phí bù lỗ thu mua đồng giá cho bà con với giá 12.000 đồng/kg lá tre tươi.

Vừa qua, HTX vừa đầu tư lò sấy lá trị giá hơn 600 triệu đồng, sau khi sơ chế, lá tre được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan phục vụ nhu cầu gói bánh và các loại thực phẩm.

Quá trình sơ chế lá tre trải qua nhiều công đoạn, trong đó chủ yếu dùng củi sấy qua hệ thống lọc khói bằng nước, nhờ đó hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, khi sấy nhiệt độ luôn được giám sát chặt chẽ.

Ông Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, nói về tiềm năng trồng tre Bát độ của xã thì vô cùng lớn, hiện nay, những diện tích đất đồi kém hiệu quả để hoang hóa xã đang tập trung vận động người dân phát triển trồng tre để có thu nhập từ việc lấy lá, làm măng khô, những cây già cỗi bán làm nguyên liệu giấy cho Nhà máy Giấy đế Na Hang, hoặc bán cho các chủ công trình xây dựng để làm giàn giáo, cốt pha...

Với thị trường ổn định và nguồn nguyên liệu lớn, anh Tọa nhẩm tính, đến năm 2025, 45 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nà Pin sẽ thoát nghèo bền vững từ cây tre Bát độ.

Để người nghèo chủ động vươn lên làm giàu

Đến xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn không ai là không biết ông Hoàng A Dử, thành viên HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, vì ông chính là tấm gương sáng về thoát nghèo bền vững được bà con trong xã ca ngợi, noi theo.

Các HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Theo ông Dử, trước đây gia đình cũng đủ ăn, đủ mặc nhưng sau một cơn bạo bệnh của người vợ, đất đai cũng vơi dần để đổi lấy tiền chữa bệnh, từ đó gia đình rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.

Ông vẫn còn nhớ như in cảnh đêm khuya phải lội nước đi cắm câu, giăng lưới kiếm tiền chạy gạo từng bữa, lo việc học, cái mặc cho các con nhưng cái nghèo vẫn cứ bám lấy gia đình ông. Mãi đến trước năm 2015, ông được hỗ trợ vay vốn 15 triệu đồng, ông Dử quyết tâm đầu tư nuôi bò vì không cần phải bỏ thêm vốn, chủ yếu lấy công làm lời và nhẹ công chăm sóc.

Từ 3 con bò ban đầu, nhờ chuyển đổi dần theo kiểu nuôi sinh sản, nuôi để bán, bán để mua lại con khác nuôi, qua thời gian ông trả hết nợ vay và dần có tích cóp cho gia đình. Hiện chuồng bò của gia đình ông có khoảng 10 con đang trong giai đoạn vỗ béo chờ được giá để xuất chuồng, sau đó ông sẽ tiếp tục đầu tư nuôi bò chất lượng cao.

Ông Hoàng A Dử bộc bạch, để có được thành công của hôm nay, ngoài được hỗ trợ nguồn vốn, bản thân ông đã nỗ lực không ngừng nghỉ, nhất là tâm lý sợ nghèo đã hun đúc, tạo động lực cho ông quyết tâm phấn đấu thoát cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi, ngoài được tham gia các lớp tập huấn, ông cũng được HTX hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc bò, cách tiêm ngừa phòng bệnh… nên giờ chỉ cần nhìn sơ là ông biết bò khỏe hay đang bệnh.

Nhờ đó trong nhiều năm liền hành nghề chăn nuôi bò, gia đình không hề gặp rủi ro, thất thoát gì. Để tạo nguồn thức ăn ổn định cho đàn bò, ông dành hẳn 1 công đất để trồng cỏ, 9 công đất còn lại ông trồng lúa với giống chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận thu về hàng năm đều ổn định.

Bằng sự nỗ lực của bản thân, gia đình ông Dử đã thoát nghèo bền vững, đồng thời nhiệt tình hướng dẫn bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vận động bà con nâng cao nhận thức muốn thoát nghèo là phải tự lực cánh sinh, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho hay, là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, cấp ủy, chính quyền Tuyên Quang luôn đau đáu và trăn trở với mục tiêu giảm nghèo.

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của tỉnh, trong đó coi công tác giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của người dân, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

“Trong các giải pháp thoát nghèo, việc phát huy nội lực của người dân là quan trọng nhất, dù có được đầu tư mà người dân không quyết tâm vượt khó thì kết quả cũng không được như mong đợi”, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Minh Thành

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thoat-ngheo-ben-vung-nho-so-ngheo-1089850.html