'Thoát' thẻ vàng IUU: Nỗ lực thần kỳ của Philippines

Chưa đầy hai năm, từ khi bị EU phạt thẻ vàng cảnh cáo vì hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, Philippines đã nỗ lực không ngừng và được dỡ bỏ lệnh cấm.

 Một góc cảng cá ở đảo Panay, phía bắc Philippines.

Một góc cảng cá ở đảo Panay, phía bắc Philippines.

Philippines từng bị phạt thẻ vàng vì hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) vào tháng 4/2014. Đây là một cú sốc với nền kinh tế nước này, bởi xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của quốc đảo Đông Nam Á.

Gần như ngay lập tức, Nghị viện Philippines thông qua bộ luật Đánh cá RA 8550 vào tháng 12/2014. Nội dung chính là nâng mức phạt đối với những tàu đánh bắt cá trái phép, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý khai thác hải sản nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn IUU cho thị trường châu Âu (EU). Đây là khu vực tiêu thụ cá hàng đầu thế giới, nhập khẩu thủy sản ước tính khoảng 2 tỷ USD từ Philippines vào năm 2013.

EU áp lệnh trừng phạt với các quốc gia phớt lờ những tiêu chuẩn đánh bắt quốc tế từ năm 2010, còn gọi là phạt thẻ vàng. Đây là hành động “nắn gân” những quốc gia đã có vi phạm đánh bắt. Tuy nhiên, việc cảnh cáo này sẽ được gỡ bỏ sớm nếu quốc gia bị phạt chứng tỏ thiện chí thay đổi, cải thiện trong nỗ lực chống đánh bắt IUU.

Với tấm gương của Hàn Quốc năm 2013, Philippines chính là nước Đông Nam Á áp những quy định mới thành luật cương quyết nhất, theo đúng mô hình của Hàn Quốc. Bên cạnh việc đặt ra những quy định ngặt nghèo như tước giấy phép hoạt động bắt cá với những cơ sở vi phạm, Chính phủ Philippines, còn tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các đối tác châu Âu về cách cải thiện các chính sách nghề cá.

“Thật may là Philippines đã hành động đầy trách nhiệm, sửa đổi hệ thống pháp luật thích hợp và chuyển đổi để có một cách tiếp cận chủ động hơn chống lại IUU”, Đại sứ EU tại Philippines hồi năm 2014, Guy Ledoux cho biết.

Liên tục tham khảo ý kiến từ EU chính là phương châm đưa Philippines thoát thẻ vàng. Họ bám sát theo từng kiến nghị của EU, nhưng cũng làm rõ với đối tác rằng để khắc phục những tồn tại là quá trình không thể một sớm một chiều. Hai bên cùng bàn bạc tìm ra lộ trình cụ thể, hướng tới phát triển bền vững.

Ở góc độ quản lý, thông qua Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản, Chính phủ Philippines thực hiện song song việc đào tạo thêm lực lượng bảo vệ biển, mua nhiều thiết bị hiện đại cho tàu thuyền và các hệ thống định vị, giám sát, có kết nối vệ tinh. Bộ luật Thủy sản 17 năm tuổi từng bước được làm mới nhằm phù hợp với thực tiễn, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh nhỏ - đối tượng dễ vi phạm các điều khoản IUU.

Giấy phép đánh bắt mới bị Chính phủ Philippines đóng băng trong ba năm, kể từ 2014, để tập trung quản lý hiệu quả lực lượng hiện có. Ngoài ra, Philippines tăng đáng kể nguồn nhân lực và tài chính cho nghề cá, trích từ ngân sách nhà nước. Họ thể hiện thiện chí với phía EU bằng cách thông tin công khai, minh bạch sản lượng đánh bắt cá trái phép, tính theo tháng, và cập nhật liên tục.

Khai thác thủy sản ở thành phố Quezon.

EU ước tính, hàng năm có khoảng 26 triệu tấn hải sản, chiếm 15% sản lượng toàn cầu, được đánh bắt trái phép. Phần lớn số này đến từ những quốc gia quản lý lỏng lẻo đội tàu, và thiếu các thiết bị liên lạc hiện đại. Philippines từng nằm trong số ấy, nhưng đến cuối năm 2014, họ và EU đã ký kết hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập, giúp nhiều mặt hàng của Philippines tiếp cận thị trường EU, mở đường cho việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU vào năm sau.

Cục trưởng Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines, Palma nhận xét về bước tiến thần kỳ trong việc thoát thẻ vàng IUU: "10 trong 13 khu vực đánh bắt cá chính của đất nước bị khai thác quá nhiều. Với sự gia tăng dân số, tất cả phải gánh chịu áp lực cung cấp đủ thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng không vì thế, chúng ta được phép quên giữ vững vùng biển và đảm bảo các công tác chiến lược cho ngành thủy sản. Nếu không hành động mau chóng, các đại dương sẽ sụp đổ với hơn 80% trữ lượng cá toàn cầu bị khai thác kiệt quệ“.

Kể từ khi được xếp hạng thẻ xanh nghề cá, cho phép xuất khẩu sản phẩm sang EU mà không bị trừng phạt, Philippines tiếp tục phát triển một cách có chọn lọc ngành thủy sản. Bởi nhiều tác động xấu, gây hậu quả lâu dài cho môi trường, EU luôn yêu cầu các lô thủy sản nhập khẩu phải chứng minh xuất xứ. Nếu Philippines không kịp thời hệ thống và số hóa quy trình khai thác, vấn đề sẽ dai dẳng tới giờ, khiến chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng lớn tới giá trị xuất khẩu cũng như cán cân thương mại.

Ngày nay, tại các ngư trường lớn ở Philippines, ngư dân vẫn tuân thủ chặt chẽ những quy định như không đánh bắt quá hạn ngạch, đánh cá đúng mùa vụ và sử dụng ngư lưới cụ đúng chuẩn. Quốc gia Đông Nam Á hướng tới việc hài hòa mối quan hệ giữa nguồn lợi khai thác và thời gian tái tạo.

Bên cạnh đó, những khuyến nghị từ các thị trường lớn như EU thường xuyên được Philippines và ngành thủy sản cập nhật. Hệ quả, đến nửa cuối năm 2020, toàn ngành thủy sản Philippines thặng dư 11 ngày khai thác, tương đương hơn 100.000 tấn cá.

Bảo Thắng - Dương Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thoat-the-vang-iuu-no-luc-than-ky-cua-philippines-d288721.html