Thời báo Hoàn cầu: 10 ngày cuối nhiệm kỳ ông Trump là lúc Trung Quốc dạy Đài Loan bài học

Trước việc ông Pompeo tuyên bố bãi bỏ các hạn chế trong quan hệ Mỹ - Đài Loan, dư luận Bắc Kinh cảnh báo những ngày cuối cùng của chính quyền Trump cũng có thể là những ngày cuối của chính quyền DPP ở Đài Loan.

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố bãi bỏ mọi hạn chế trong quan hệ Mỹ - Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận, đe dọa"dậy cho Đài Loan bài học" (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố bãi bỏ mọi hạn chế trong quan hệ Mỹ - Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận, đe dọa"dậy cho Đài Loan bài học" (Ảnh: AP).

Ngày 9/1/2021, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố bãi bỏ các hạn chế trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan. Ông nói, những hạn chế nội bộ đối với các nhà ngoại giao, quân nhân và các quan chức Mỹ tiếp xúc với Đài Loan trong quá khứ chỉ là "cố gắng xoa dịu Bắc Kinh". Ông nói hiện nay không cần phải làm như thế nữa. Các cơ quan hành chính cần tuyên bố vô hiệu và bãi bỏ “hướng dẫn tiếp xúc” đã ban hành sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan năm 1979.

Về vấn đề này, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc ngày 10/1 bình luận: "10 ngày cuối cùng trước ngày 20/1 là khoảng thời gian hiếm có để Trung Quốc đại lục dạy cho thế lực ‘Đài Loan độc lập’ một bài học đau đớn và đó cũng là một cửa sổ có giá trị cho các đòn bẩy chiến lược mới ở Trung Quốc mở ra cuộc đấu tranh của chúng ta ở eo biển Đài Loan”. Ngày 20/1 là thời điểm chính phủ Mỹ chuyển giao quyền lực, khi đó ông Joe Biden sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống.

Hình ảnh Trung Quốc công bố về phóng tên lửa hành trình nhằm đe dọa Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài xã luận cho rằng động thái này diễn ra vào khoảng 10 ngày trước khi Tổng thống Donald Trump từ chức, “Mike Pompeo một lần nữa điên cuồng "đào hố, chôn mìn" đối với quan hệ Trung - Mỹ và vấn đề Đài Loan. Đây là một sự phá hoại mang tính tính toán đối với hòa bình ổn định hai bên eo biển và quan hệ Trung - Mỹ và gây nên hậu quả nghiêm trọng khôn lường”.

Theo bài báo, động thái của Mike Pompeo báo trước hai điều không chắc chắn: thứ nhất, chính quyền Joe Biden sẽ áp dụng chính sách thế nào và liệu họ có thực sự làm mất hiệu lực động thái thái quá nghiêm trọng của chính phủ hiện tại và không được thực hiện nó hay không; thứ hai, nhóm người như Pompeo liệu có sẽ tự mình đi thêm những bước lớn hơn nữa hay không?

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu nêu rõ, “Chúng ta phải cảnh cáo chính quyền Đài Loan rằng nếu họ chạy theo những kẻ cuồng loạn, những ngày cuối cùng của chính phủ Mỹ hiện tại cũng có thể là những ngày cuối cùng của chế độ Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) ở Đài Loan. Họ không được nghĩ rằng sự điên cuồng cuối cùng của một chính phủ đã bị người dân Mỹ bỏ rơi có thể trở thành bàn đạp để Đài Loan tiến tới 'độc lập'; ngược lại, những sự điên rồ này có khả năng khiến họ tự chuốc lấy họa diệt vong”.

Hình ảnh Trung Quốc khoe tên lửa hành trình Trường Kiếm-10 đánh trúng cửa sổ nhà cao tầng (Ảnh: Dwnews).

Tuy nhiên, ông Trương Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Hạ Môn, cho rằng để khôi phục cái gọi là "quan hệ chính thức" giữa Mỹ và Đài Loan, cách tiếp cận này của Mike Pompeo vi phạm chính sách "một Trung Quốc" của Mỹ và cũng vi phạm ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ. Ông hy vọng rằng dựa trên nhu cầu hợp tác Trung - Mỹ, chính quyền Joe Biden sẽ tỏ ra kiềm chế khi chơi lá bài Đài Loan.

Ngoài những dư luận trong nước nói trên ở Trung Quốc, ông Douglas H. Paal, Phó chủ tịch Carnegie Endowment for International Peace (Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế), phân tích rằng những hành động vào phút cuối của ông Mike Pompeo trước khi rời nhiệm sở không dựa trên lợi ích của Đài Loan. Thay vào đó, bằng cách thể hiện thái độ thù địch với Trung Quốc đại lục để ghi điểm trong nền chính trị nội địa Mỹ.

Ông nói rằng thứ nhất, ông không cho rằng Đài Loan muốn được sử dụng như một quân cờ trong chính trị nội địa của Mỹ; thứ hai, Trung Quốc đại lục có thể lớn tiếng phàn nàn và đáp trả bằng những lời đe dọa đối với Đài Loan, điều này (phát biểu của Mike Pompeo) không tốt cho Đài Loan ngoại trừ mang tính biểu tượng ngắn hạn.

Đồng thời, trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan, Lực lượng tên lửa PLA đã công bố những hình ảnh mới nhất về diễn tập của lực lượng tên lửa Chiến khu miền Nam, trong đó có hình ảnh 3 tên lửa hành trình đánh trúng một ngôi nhà cao tầng. Tờ South China Morning Post của Hồng Kông viết, một chuyên gia quân sự nói hình ảnh thể hiện các tên lửa Đông Phong đánh trúng các mục tiêu từ các góc độ khác nhau. Động thái này được coi là nhằm cảnh cáo thế lực “Đài Loan độc lập”.

Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E của Đài Loan có tầm bắn 1.200km đã được sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị (Ảnh: Dongfang).

Đáp lại sự đe dọa của Trung Quốc đại lục, theo trang tin Hồng Kông Dongfang hôm 11/1, một nguồn tin quân sự Đài Loan cho biết tên lửa hành trình tăng tầm Xiongfeng-2E (Hùng Phong - 2E) do Viện Khoa học Trung Sơn Đài Loan nghiên cứu phát triển đã hoàn thành việc sản xuất hàng loạt và được đưa vào biên chế lữ đoàn tên lửa đặc biệt của Bộ Tư lệnh Tên lửa và Phòng không Đài Loan vào cuối năm 2020. Theo báo cáo, loại tên lửa này có tầm bắn lên tới 1.200 km và phạm vi tấn công đến trùm lên các thành phố đại lục quan trọng như Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu, Quảng Châu...

Có tin đồn rằng quân đội Đài Loan đã lên kế hoạch đầu tư 3,62 tỉ Đài tệ cho việc phát triển tên lửa hành trình tầm xa với tầm phóng lên tới 2.000 km, và đặt tên cho kế hoạch này là "Dự án Falcon". Các nguồn tin quân sự Đài Loan từ chối bình luận về điều này, chỉ nhấn mạnh rằng các nhà chức trách đã và đang phát triển các hệ thống vũ khí liên quan.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thoi-bao-hoan-cau-10-ngay-cuoi-nhiem-ky-ong-trump-la-luc-trung-quoc-day-dai-loan-bai-hoc-post141915.html