Thời chúng tôi, tuyệt không có việc trò hỗn với thầy, sao giờ băng hoại đến vậy?

Thời chúng tôi đi học, tuyệt không có chuyện trò hỗn với thầy, sao giờ lại băng hoại đến mức xảy ra những vụ xúc phạm, hành hung giáo viên, trò đâm thầy bị thương?

Việc mạng xã hội sục sôi vì clip nam sinh tát cô giáo khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc xác minh khiến tôi không khỏi nhớ lại nhiều vụ học trò hỗn láo, phụ huynh hành hung giáo viên xảy ra suốt thời gian qua. Mỗi lần những tin tức như vậy đập vào mắt, tôi đều bàng hoàng tự hỏi: Điều gì đang xảy ra? Sao lại đến nông nỗi này?

Nam sinh ưỡn ngực, vênh mặt cãi tay đôi với cô giáo. (Ảnh cắt từ clip được đăng tải trên mạng xã hội năm 2014)

Nam sinh ưỡn ngực, vênh mặt cãi tay đôi với cô giáo. (Ảnh cắt từ clip được đăng tải trên mạng xã hội năm 2014)

Tôi nhớ mình từng sốc nặng khi xem một clip cậu học trò vênh mặt, ưỡn ngực cãi tay đôi với cô giáo mà mạng xã hội lan truyền cách đây 7 năm, vào tháng 4 năm 2014. "Em đang ngồi yên, nói thì cô bảo là cãi, không nói thì bảo là lì, cô giáo thì làm gì nhau", nam sinh nói bằng giọng thách thức. Trong clip dài 2 phút đó, cô giáo có vẻ bất lực, chỉ có thể lớn giọng mắng mỏ cậu bé này trong tiếng ồn ào và bình luận chớt nhả của nhiều học sinh khác trong lớp.

Tháng 10/2016, một học sinh cấp 2 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cầm dao chém thầy giáo, do thầy mời bố mẹ đến trường để trao đổi về tình trạng em này hay bỏ học đi chơi. Đang nói chuyện với phụ huynh thì bị nam sinh vung dao chém, thầy giáo chỉ kịp giơ tay lên đỡ và bị thương khá nặng.

Tháng 12/2018, một nam sinh lớp 11 Trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Hoài Ân, Bình Định) dùng cây sắt đánh bị thương thầy giáo dạy toán, chỉ vì trước đó bị thầy nhắc nhở vì dùng điện thoại di động, thiếu nghiêm túc trong lễ chào cờ. Cũng trong năm đó, tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, thầy Nguyễn Văn Tiến, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 Trường THPT Trần Hưng Đạo, bị học sinh dùng dao đâm trọng thương sau khi yêu cầu em này xóa hình xăm trên người.

Còn những vụ phụ huynh đánh đập, lăng nhục giáo viên thì nhiều lắm, như vụ mẹ một học sinh lớp 3 ở Đà Nẵng đến trường tát cô giáo chỉ vì thấy con mình bị xước má. Vào tháng 5/2020, tại huyện Đức Hòa (Long An), một phụ huynh cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu cô giáo khiến cô bất tỉnh, chỉ vì con mình tan học muộn hơn, cho rằng tại cô cố ý giữ lại trong lớp...

Những chuyện nhức nhối như thế khiến ta không thể không tự hỏi: Chốn tôn nghiêm nhất sao lại có thể xúc phạm, bị đập phá đến mức này? Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt đâu mất rồi? Sao nó lại mai một nhanh đến vậy? Cách đây vài chục năm, vị thế của người thầy trong xã hội, trong tâm thức mọi người đều rất cao. Họ thường nghèo, nhưng lại là những người được kính trọng nhất. Còn nhớ hồi đó gia đình tôi chuyển nhà đến một xóm mà dân trí rất thấp, có nhiều thành phần côn đồ, đầu gấu. Thế nhưng ngay cả những người đó khi gặp bố tôi - người mà họ nghe nói từng làm nghề giáo - đều "chào thầy" rất trọng thị, khi nói chuyện, xưng hô đều gọi ông là thầy, dù ông không dạy họ chữ nào.

Bản thân tôi và các bạn bè cùng trang lứa, suốt thời học sinh và cả thời đại học, luôn kính ngưỡng thầy cô không chỉ như người dạy chữ, mà còn như nhà lãnh đạo tinh thần của mình. Dù có những lúc vi phạm kỷ luật, không nghe lời hay lười nhác, nghịch ngợm làm thầy cô buồn lòng... nhưng chúng tôi tuyệt không bao giờ hỗn láo. Vậy mà sao bây giờ đạo đức xã hội lại băng hoại đến mức các vụ hành hung, xúc phạm giáo viên xảy ra nhiều như vậy?

Cảnh nam sinh tát cô giáo trong clip lan truyền trên mạng mấy ngày qua.

Và clip nam sinh tát cô giáo đang gây bão phẫn nộ trên mạng xã hội 2 ngày qua, dù là được dàn dựng hay có thật, vừa xảy ra hay là clip cũ của vài năm trước, cũng đều nói lên một thực tế: Giá trị truyền thống đã nhạt nhòa, đạo đức xã hội đang sa sút. Chúng ta luôn tự hào là đất nước coi trọng tri thức, ngay cả việc phát triển kinh tế cũng hướng đến nền kinh tế tri thức, liệu có thể không tôn trọng người thầy được chăng?

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Thu Hà

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-chung-toi-tuyet-khong-co-viec-tro-hon-voi-thay-sao-gio-bang-hoai-den-vay-ar596945.html