Thời cơ 'vàng' để đầu tư công lấy lại niềm tin

Trong bối cảnh dịch Covid-2019 gây thiệt hại lớn, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ và thành phố Hà Nội kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu để lấy lại nhịp độ phát triển và tăng trưởng.

Sau những vụ tiêu cực lớn bị phát hiện ở lĩnh vực đầu tư công với nhiều cán bộ, đảng viên phải hầu tòa vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham nhũng… thì quyết tâm không cắt giảm đầu tư công được xem là thời cơ “vàng” để lĩnh vực này lấy lại niềm tin, từ đó góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thức đẩy tăng trưởng kinh tế.

1. Là quốc gia đang phát triển nên hơn 30 năm qua, đầu tư công ở nước ta chủ yếu tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao năng lực quản trị bộ máy chính quyền các cấp... Với việc tập trung mạnh cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giai đoạn 2000-2015, hệ thống đường cao tốc, sân bay, bến cảng; hạ tầng các khu chế xuất, công nghiệp, cụm công nghiệp... được hoàn thiện đồng bộ đã giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, thúc đẩy kinh tế trong nước hướng mạnh ra xuất khẩu. Ví dụ như ở Hà Nội, nhờ có đầu tư công mà bộ mặt đô thị được cải thiện hiện đại, tiện lợi, là cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt mang lại thì khi nói đến đầu tư công là dư luận rộn lên nghi ngại vì liên tưởng đến các dự án nghìn tỷ đồng phải đắp chiếu, xuống cấp và có nguy cơ phá sản cao. Nói đến đầu tư công là liên tưởng đến “lợi ích nhóm”, đến các đại án thời gian gần đây. Nói đến đầu tư công là nói đến cơ chế “xin - cho”, là mảnh đất màu mỡ để những kẻ thoái hóa biến chất ngấm ngầm chia chác, hưởng lợi. Thế nên không lạ khi ngành nào, địa phương nào có nhiều dự án đầu tư công cao thì gần như đồng nghĩa với xảy ra nhiều tham nhũng, tiêu cực.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 30.521 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng trước năm 2018 thì có tới hàng trăm dự án có vấn đề về kỹ thuật, không hiệu quả. Những tỉnh có số dự án thất thoát, lãng phí nhiều nhất là Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ngãi… Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công (ban hành năm 2014) và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.700 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả ở các bộ, ngành, địa phương...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đầu tư công không hiệu quả, trong đó cơ bản nhất là hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, công tác quản lý đầu tư công lỏng lẻo. Đặc biệt, do chưa có quy định chặt chẽ trong vấn đề “đổi đất lấy hạ tầng” dẫn đến hiện tượng thông đồng, móc ngoặc, rút ruột công trình giữa các lực lượng chức năng, chủ đầu tư với nhà thầu để hưởng lợi. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, hối lộ, làm tha hóa cán bộ nhà nước, thúc đẩy chạy chức, chạy quyền; phá hoại nền tảng đạo đức và các giá trị của xã hội; là nguyên nhân để các thế lực thù địch khai thác, khoét sâu chống phá, nhằm làm suy giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.

Chính những lình xình, “ung nhọt” trong lĩnh vực đầu tư công là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền. Điều này đã được đúc kết tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, trong đó nêu rõ: “Đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc”.

2. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ xem là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm và giai đoạn sắp tới. Luật Đầu tư công (ban hành năm 2019) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và mới đây là Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công cũng được xem là cách hữu hiệu để ngăn chặn những hiện tượng “phá rào”, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, từ đó bảo đảm tối đa hiệu quả của giải ngân vốn đầu tư công.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương toàn quốc tổ chức ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Thủ tướng cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân vốn đầu tư công và thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, thành phố Hà Nội xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau chống dịch Covid-19. Qua rà soát, mặc dù ngân sách trên địa bàn năm 2020 có thể giảm 30.000-33.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố có thể sụt giảm 10.000-15.000 tỷ đồng, nhưng Hà Nội quyết không cắt giảm đầu tư công mà cắt giảm 5% chi thường xuyên, sau khi đã giảm 10% so với dự toán trước đây. Nếu giải ngân được 37.000-40.000 tỷ đồng đến cuối năm 2020 thì đây là nguồn lực lớn để giải quyết các công trình cấp bách về an sinh xã hội, công trình thiết yếu của Thủ đô, kích cầu sản xuất, kinh doanh trong nước... Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố lập tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; thường xuyên giao ban, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan; thống kê từng vướng mắc gắn với trách nhiệm cá nhân và thời hạn hoàn thành đối với các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập đơn giá, thiết kế, thi công, thẩm định công trình với mục tiêu “kích hoạt” ở mức cao nhất để đầu tư công sớm mang lại giá trị tăng trưởng cho kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tuy nhiên, những giải pháp trên dù có quyết liệt đến đâu cũng khó mang lại hiệu quả tối đa nếu những người được giao phụ trách công việc đầu tư công ở các cơ quan, đơn vị e ngại, sợ, né trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đây là thực tế đã được chỉ ra ở nhiều nơi, được xem là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2019 chưa như mong đợi.

Để trị hội chứng ngại, sợ, né và thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong giải ngân vốn đầu tư công thì vấn đề cốt yếu nhất là cần tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện đúng các quy phạm pháp luật về lĩnh vực này. Cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện ra các tồn đọng, thiếu sót để xử lý kịp thời. Ngoài việc khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt thì cũng kiên quyết kỷ luật cá nhân, tập thể sai phạm trên tinh thần không quy chụp, nâng quan điểm. Cạnh đó cũng cần kiên quyết lên án, đấu tranh với những hiện tượng ngại, sợ, né và thiếu trách nhiệm ngay tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Để mỗi dự án đầu tư công trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, vùng phát triển thì cần phải từ bỏ tư duy coi vốn đầu tư công là “chiếc bánh ngọt” hấp dẫn như trước đây. Hãy coi những người thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là những người gieo hạt. Trách nhiệm, sự tận tụy của họ với công việc được giao sẽ là một trong những điều kiện đủ để các dự án đầu tư công không bị thâm hụt, xâu xé và cho ra những trái ngọt, đúng với mục đích Chính phủ và người dân kỳ vọng. Từ đó, những định kiến, những nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên cũng dần được kéo giảm. Trong khi đó, các thế lực thù địch sẽ ít cơ hội khai thác, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Thời cơ “vàng” để đầu tư công lấy lại niềm tin đã đến, chớ bỏ lỡ!

Nguyễn Mạnh Thắng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/965079/thoi-co-vang-de-dau-tu-cong-lay-lai-niem-tin