Thời cơ vàng thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam

Theo nhận định của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), chuyển đổi số được xem như vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. Việc nắm bắt thời cơ ngàn năm có một sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài trên trường quốc tế.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ tới cuộc sống, công việc, học tập, lao động của tất cả các cơ quan, tổ chức, người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia khống chế gần như hoàn toàn đại dịch, nền kinh tế dự báo tăng trưởng dương cao nhất khu vực và châu lục, là điểm sáng hiếm hoi của thế giới. Cùng với đó, Việt Nam đang có một vị thế lớn, quan trọng trên trường quốc tế cả về kinh tế và chính trị. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn vàng, là thời cơ vàng để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao và duy trì vị thế quan trọng này.

Tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030 được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt gần đây có các mục tiêu chính: Hướng tới Chính phủ số, đến năm 2025, nước ta có 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Chuyển đổi số được xem là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi số được xem là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Về kinh tế số, Việt Nam hướng tới nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), kinh tế số chiếm 20% GDP và Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Về xã hội số, Việt Nam hướng đến mục tiêu trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh và nước ta thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Tuy nhiên, những mục tiêu này cũng vô cùng thách thức khi hiện tại, theo khảo sát của Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện với 2.659 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tới 82% các doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu “nhập cuộc”.

Điểm trung bình chỉ là 0,53 (so với mức 5 điểm), tương ứng với mức sẵn sàng đầu tiên là mức 0, hay chưa có sự chuẩn bị nào. Có thể thấy, sự dịch chuyển của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra tương đối chậm, hầu hết các cơ quan, tổ chức đang chưa biết bắt đầu từ đâu, mặc dù chúng ta đã có bước tiếp cận với xu hướng này về mặt công nghệ tương đương so với thế giới.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, chuyển đổi số được xem như vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. Việt Nam chúng ta đang có rất nhiều lợi thế, chuyển đổi số nhanh chóng, nắm bắt thời cơ ngàn năm có một sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài trên trường quốc tế.

Nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế Việt Nam, trong 2 ngày 11-12/8/2020 tại Hà Nội, VINASA sẽ tổ chức Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 (DX Day Vietnam). Chương trình được xác định là hoạt động thường niên trọng điểm của VINASA kể từ năm 2020 và được xác định là sự kiện quy mô.

Trong lần đầu tiên được tổ chức, bên cạnh việc chia sẻ về kinh nghiệm, xu hướng quốc tế, DX Day Vietnam 2020 sẽ tập trung vào “người thật, việc thật” tức là hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số và giới thiệu những giải pháp hiệu quả đã và đang được ứng dụng, triển khai thực tế.

6 ngành, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm được chọn để thực hiện trong DXDay 2020 bao gồm: Y tế, tài chính ngân hàng, logistics, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và chuyển đổi số doanh nghiệp SMEs. Đây là những ngành kinh tế và đối tượng quan trọng, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, góp phần quan trọng trong việc tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

VINASA hy vọng Ngày chuyển đổi số Việt Nam sẽ tạo ra các không gian tri thức, kinh nghiệm thực tiễn sống động và các giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đồng thời tích cực kết nối hợp tác cung cầu về chuyển đổi số - ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 dự kiến sẽ thu hút trên 2.500 đại biểu là lãnh đạo chính phủ, bộ, ngành, cơ quan, các hiệp hội, doanh nghiệp trong 6 ngành, lĩnh vực liên quan, và các doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin đang cung cấp các dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoi-co-vang-thuc-day-manh-me-chuyen-doi-so-tai-viet-nam-140434.html