Thời điểm giao mùa, gia tăng trẻ nhập viện do mắc virus hợp bào hô hấp

Hiện đang là thời điểm giao mùa, là điều kiện để các loại virus phát triển, gây ra bệnh về đường hô hấp ở trẻ. Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện gia tăng. Hầu hết bệnh nhi có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở, có trường hợp bị suy hô hấp nặng.

Hơn 1.000 trẻ mắc virus hợp bào hô hấp

Theo ghi nhận của phóng viên, số bệnh nhi đến khám, điều trị tại BV Nhi Trung ương trong những ngày này gia tăng. Các bệnh nhi đến khám, điều trị chủ yếu bệnh lý về đường hô hấp.

Sốt ruột chờ tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị N.T.H. (Ứng Hòa, Hà Nội) bế con gái 6 tháng tuổi chia sẻ, 2 ngày nay, con gái có biểu hiện sốt gần hơn 39 độ C, ho, khò khè, hắt hơi, sổ mũi. Lo lắng cho sức khỏe của con nên chị đưa con đến viện khám và làm các xét nghiệm.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các giường bệnh đều kín mít. Nằm trên giường bệnh, bé N.T.H. (hơn 1 tháng tuổi, Hà Nội) vừa trải qua 2 ngày phải thở ô xy do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Trước khi vào viện, con sốt 38 độ. Sau đó, diễn biến bệnh rất nhanh với các biểu hiện khó thở, khò khè. Khi gia đình đưa con đến Trung tâm Hô hấp, bé đã bị suy hô hấp.

Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cũng tại đây, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, thở khò khè. Sau một thời gian ngắn điều trị tích cực viêm phế quản, đến nay sức khỏe đã chuyển biến tốt hơn.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) phát hiện tại bệnh viện đang có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 1.025 trường hợp nhiễm RSV. Chỉ tính riêng từ ngày 1/3-5/3 là 157 ca mắc.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Thu – Đông hoặc Xuân – Hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

Vào thời điểm đỉnh dịch, số bệnh nhân viêm phổi do RSV có thể tăng tới 20-30%. Hầu hết bệnh nhân RSV vào Trung tâm Hô hấp đều có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở. Một số bệnh nhân nặng bị suy hô hấp, có rút lõm lồng ngực, tím tái, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) giảm.

Với các trường hợp này, các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra phác đồ chống suy hô hấp, bằng mọi cách cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân… Trường hợp bị bội nhiễm sẽ được dùng kháng sinh, bù đủ nước, điện giải, dịch và cung cấp đủ dinh dưỡng.

RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn có chứa virus được thải ra qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng.

Ngoài ra, người khỏe mạnh có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc các bề mặt, vật dụng có chứa virus. Việc thơm, hôn, mớm thức ăn cũng có thể làm lây lan virus.

“Ở nhiều bệnh nhi mắc RSV có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, các bệnh nhi sinh non, có bệnh lý nền… khi mắc RSV, bệnh có thể diễn biến nhanh, để lại di chứng nặng nề như suy hô hấp hấp, thậm chí tử vong” - PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cảnh báo.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) phát hiện tại bệnh viện đang có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

Để phòng tránh bệnh lây lan, lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tại Trung tâm Hô hấp, tất cả các bệnh nhân mắc RSV đều được cách ly và điều trị riêng.

Phòng bệnh đường hô hấp thời điểm giao mùa

Tương tự, những ngày gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn liên tục tiếp nhận số trẻ nhập viện. Hầu hết bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản cấp, thậm chí hen phế quản.

Bác sĩ Phan Thị Kim Dung - Phó trưởng khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, các bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ tiến triển khá nhanh. Trẻ có thể bị sốt cao, khó thở, suy hô hấp chỉ sau vài ngày mắc bệnh. Vì vậy, khi nhập viện, đa số bé đã ở tình trạng nặng.

Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng theo cách học được trên mạng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên cân nhắc trước khi áp dụng cho con. Cha mẹ cần có cách xử trí đúng và đủ cho con trẻ trong từng trường hợp, để tránh những hậu quả không đáng có.

Theo bác sĩ Phan Thị Kim Dung, khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, cha mẹ có thể tự điều trị triệu chứng tại nhà trong 2-3 ngày đầu tiên. Cha mẹ có thể hạ sốt cho con, dùng thuốc ho thảo dược và làm sạch đường hô hấp bằng cách nhỏ nước muối sinh lý.

Cha mẹ không nên quá lo lắng. Các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn khác là một phần trong quá trình trẻ lớn lên và phát triển hệ thống miễn dịch.

Để tránh các bệnh lý viêm đường hô hấp thời điểm giao mùa, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc nhiều lớp.

“Trong thời gian trẻ bệnh, cha mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ ăn, bú như bình thường, chia nhỏ các cữ ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hóa và giảm bớt nôn trớ. Phụ huynh tuyệt đối không bắt trẻ ăn kiêng. Điều này khiến trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật” - Bác sĩ Phan Thị Kim Dung khuyến cáo.

Ngoài ra, chuyên gia lưu ý, cha mẹ hãy cho bé uống nhiều nước, chế độ sinh hoạt tốt để tăng khả năng tự bảo vệ, tăng sức đề kháng của cơ thể. Vệ sinh thân thể và môi trường sống của trẻ sạch sẽ, tránh ở những nơi ẩm thấp.

Tuy nhiên, khi các bé có tiến triển xấu đi như ho nặng hơn, thở nhanh, mất nước, rút lõm lồng ngực, tiêu chảy quá nhiều, viêm kết mạc, cha mẹ phải cho con đến bệnh ngay.

Liên quan đến cách phòng bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV), PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh lưu ý, do chưa có vaccine phòng bệnh, vì vậy, phụ huynh thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

Tránh để trẻ sờ tay lên mặt, mũi, hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch; tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác nếu trẻ bị ho hoặc bị bệnh.

Khi mới khởi phát, trẻ nhiễm RSV có thể xuất hiện triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân thở khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở.

Khi có triệu chứng chảy nước mũi trong, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc khó thở, giảm cảm giác thèm ăn thì cho con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Ngoài ra, để tránh các bệnh lý viêm đường hô hấp thời điểm giao mùa, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc nhiều lớp. Buổi trưa trời nóng có thể cởi bớt lớp ngoài, khi trẻ chạy nhảy ướt áo có thể thay áo trong.

Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ra đường, chỗ gió lùa, khi ra cần mặc ấm, đeo khẩu trang, đồng thời, giữ vệ sinh mũi họng cho con, nhỏ mũi thường xuyên. Phòng trẻ dọn dẹp sạch sẽ thoáng mát, tránh mùi thuốc lá, than tổ ong.

Cha mẹ cần để ý chế độ ăn uống đủ thành phần dinh dưỡng, đặc biệt lưu ý bổ sung thêm vitamin, rau xanh ở trẻ lớn và bổ sung kẽm, sắt để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Cha mẹ cũng lưu ý, không nên cho trẻ chơi chỗ có trẻ bị ốm, hắt hơi sổ mũi hoặc chỗ đông người đụng chạm vào trẻ nhiều. Người lớn khi đi từ ngoài đường, bệnh viện về cũng không nên ngay lập tức ôm hôn trẻ, tránh truyền virus cho trẻ.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thoi-diem-giao-mua-gia-tang-tre-nhap-vien-do-mac-virus-hop-bao-ho-hap.html