'Thổi giá' cổ phiếu, đút túi hàng chục tỷ đồng

Ngày 14-11, HĐXX của TAND TP Hà Nội xét xử 15 bị cáo về các hành vi lừa đảo, giả mạo công tác và thao túng giá chứng khoán. Đáng nói, trong vụ án này có sự tiếp tay của cán bộ các ngân hàng…

Cán bộ ngân hàng tiếp tay!

Tháng 9-2010, Nguyễn Văn Dĩnh, SN 1965, GĐ Cty CP Khoáng sản Nari Hamico, mua lại hồ sơ pháp lý Cty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung với giá 3 tỷ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm, đa kim loại. Do hàm lượng quặng thấp nên Dĩnh không tổ chức khai thác và đến tháng 1-2013 thì hết hạn khai thác. Dĩnh biết được Cty không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh song vẫn chỉ đạo em gái Nguyễn Thị Hiên, Ngô Văn Hiến, Kế toán trưởng Cty CP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc, làm giả hồ sơ cho Cty MTM đủ điều kiện được niêm yết cổ phiếu.

Theo cáo buộc, Dĩnh và đồng phạm làm giả danh sách 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (310 tỷ đồng), làm giả chứng từ tăng “vốn thực góp” là 44,9 tỷ đồng, chứng từ góp vốn 255,1 tỷ đồng, làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết… giữa MTM với các Cty do nhóm Dĩnh sở hữu (gồm: Cty CP Khoáng sản Nari Hamico, Cty TNHH An Bình, Tổng Cty CP Khoáng sản luyện kim Bắc Kạn, Cty CP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc) nhằm thể hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận.

Dĩnh chỉ đạo Nguyễn Thị Hiên , Ngô Văn Hiến liên hệ với cán bộ ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Hà Nội, ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank, chi nhánh Tây Hà Nội, lập các chứng từ giả thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua, bán hàng hóa qua tài khoản ngân hàng với các Cty liên quan, tổng số tiền gần 490 tỷ đồng. Theo đó, Hiên nhờ các cán bộ BIDV Nam Hà Nội giúp “chạy khoản” bằng cách hạch toán dòng tiền trên hệ thống phần mềm qua các tài khoản trong nhóm Cty của Dĩnh mở tại ngân hàng này, mỗi giao dịch thường cách nhau vài phút để lập chứng từ giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền.

Để đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát, nhóm cán bộ ngân hàng yêu cầu khi Hiên đến giao dịch phải có tiền mặt đặt trên quầy giao dịch và hướng dẫn cô ta, mỗi lần đến giao dịch phải chia thành nhiều chứng từ để ngân hàng thu được nhiều phí dịch vụ. Hiên đã thuê tiền của một số người mang đến phòng giao dịch để cán bộ ngân hàng “làm động tác kiểm đếm tiền. Vì động cơ vụ lợi, thu phí giao dịch và hoàn thành chỉ tiêu giao, cán bộ ngân hàng đã làm theo các yêu cầu của Hiên.

CQĐT làm rõ, từ tháng 11-2013 đến tháng 5-2015, các cán bộ ngân hàng đã làm giả 143 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền, với tổng số gần 360 tỷ đồng cho MTM và các Cty trong nhóm liên quan, thu 67 triệu đồng phí giao dịch.

Trong đó, Đặng Mạnh Hùng, SN 1983, giao dịch viên, Phòng giao dịch Đại Kim đã ký 79 chứng từ nộp, rút tiền, ủy nhiệm chi, số tiền gần 280 tỷ đồng. Con số này với Nguyễn Thị Hiền, SN 1980, cán bộ BIDV Nam Hà Nội, là 31 chứng từ, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng; Vũ Thế Vinh, SN 1979, cán bộ BIDV Nam Hà Nội, 30 chứng từ, số tiền 42 tỷ đồng; Nguyễn Thị Thu Trang ký 3 chứng từ, tổng số tiền 3,5 tỷ đồng; kiểm soát viên Hồ Xuân Lý, SN 1975, PGĐ Phòng giao dịch Đại Kim BIDV Nam Hà Nội, ký duyệt 91 chứng từ, số tiền nộp, rút, là gần 220 tỷ đồng; Lê Đắc Hà, SN 1972, GĐ Phòng giao dịch Đại Kim BIDV Nam Hà Nội, 49 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền, tổng cộng 125 tỷ đồng; Lộ Thị Thu Quỳnh, PGĐ Phòng giao dịch Đại Kim ký 2 chứng từ, tổng số 10 tỷ đồng; Nguyễn Thị Giang Thanh, GĐ Phòng giao dịch Đại Kim, ký 1 chứng từ số tiền 2,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, tháng 10-2014, Dĩnh đã chỉ đạo Hiến nhờ cán bộ TPBank làm giả chứng từ góp vốn 130 tỷ đồng cho MTM với hình thức “chạy khoản” dòng tiền qua các Cty liên quan và cấp chứng từ. Qua Nguyễn Văn Tuân, Hiến nhờ Lê Thị Hằng Nga, SN 1979, GĐ TPBank Tây Hà Nội, để làm giả 7 chứng từ. Ngày 24-10-2014, Hiến mở tài khoản và chuẩn bị trước các giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút séc, có đóng dấu, chữ ký để cán bộ ngân hàng hạch toán. Mặc dù không có tiền mặt đặt tại quầy giao dịch, người có tên trên chứng từ không đến ngân hàng song bà Nga vẫn chỉ đạo Trần Thị Mai Lan, SN 1980, GĐ dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội, hạch toán số giấy tờ Hiến đưa.

Số tiền phí thu được gần 39 triệu đồng, cán bộ ngân hàng này để ngoài sổ sách và sử dụng chi phí trong hoạt động chung của Phòng dịch vụ khách hàng.

Các bị cáo tại tòa.

Thao túng chứng khoán

Cơ quan tố tụng còn làm rõ, biết Cty MTM không hoạt động, không có vốn, tháng 6-2015, Trần Hữu Tiệp, SN 1983, Chủ tịch Cty MTM và Phùng Thành Công (hiện bỏ trốn) nhờ Hiến giới thiệu gặp bà Vũ Thị Hoa, vợ Dĩnh, thỏa thuận tiếp nhận hồ sơ pháp lý Cty này. Bà Hoa biết Cty không hoạt động nhưng vẫn đồng ý bàn giao, song thỏa thuận nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong tổng số 31 triệu cổ phiếu (tương đương 155 tỷ đồng).

Tháng 7-2015, bà Hoa chuyển trước 6,3 triệu cổ phần để Tiệp và Công tin tưởng làm thủ tục đăng ký giao dịch. Sau đó, Công đã liên hệ thêm 4 cá nhân có tên trong danh sách 103 cổ đông ban đầu làm thủ tục mở 5 tài khoản giao dịch chứng khoản tại Cty CP Chứng khoán Bảo Việt và Công chứng ủy quyền đặt lệnh giao dịch trên tài khoản chứng khoán cho Công 3 tài khoản.

Tháng 8-2015, Tiệp và Công đã làm giả hồ sơ đại hội đồng cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt MTM. Tiệp giữ chức Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Lê Trường làm GĐ, Công là Trưởng ban kiểm soát... Ba tháng sau, Tiệp và Công tiếp tục làm giả bản thông tin tóm tắt về tổ chức đăng ký giao dịch của MTM để nộp hồ sơ đề nghị đươc giao dịch trên sàn Upcom. Giữa tháng 5-2016, Tiệp và Công được bà Hoa bán nốt số cổ phần còn lại với giá 5 tỷ đồng. Sau đó Công đã chuyển cho bà Hoa hơn 4,4 tỷ đồng. Ngày 17-6-2016, Cty MTM bị ngừng giao dịch nên bà này chưa nhận đủ số tiền Công trả.

Biết cổ phiếu MTM trên sàn Upcom không thu hút, Công đã chỉ đạo Đỗ Hữu Tài, Bùi Thiện Lý sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại Cty Chứng khoán Bảo Việt, Cty CP Chứng khoán Maritime (MSI) và Cty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Họ đã dùng số tài khoản trên tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Qua việc thao túng chứng khoán trên, nhóm Công, Lý, Tài, đã chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng của 1.064 nhà đầu tư. Đáng nói, Tiệp còn bị cáo buộc, đã chiếm đoạt của hai người khác số tiền 355 triệu đồng khi bán 166.000 cổ phiếu MTM vốn không có giá trị.

Do đó, các bị cáo bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Giả mạo trong công tác”, “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức” và tội “Thao túng chứng khoán”.

Dự kiến, phiên xử diễn ra trong 1 tuần.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thoi-gia-co-phieu-dut-tui-hang-chuc-ty-dong-127704.html