Thói giẫm đạp, bất chấp

'Văn hóa' chửi, kiểu như người ta hay nói văn hóa đọc, văn hóa xếp hàng? Không, nói thế tội cho văn hóa, hiểu như là những hành vi, cách ứng xử tốt đẹp đã thành nếp tương đối bền vững.

Cốt cách? Càng không, khi cốt cách được hiểu như cái gì tốt đẹp, cao quý ăn sâu vào tính cách con người (Mai cốt cách, tuyết tinh thần - Kiều). Bản chất? Không, vì bản chất là cái gì khó thay đổi, không thể thay đổi, như cái gốc con người.

Có lẽ cái kiểu cách ứng xử như của nữ đại úy công an Lê Thị Hiền ở quầy check-in sân bay Tân Sơn Nhất mới đây chưa chắc là không thể thay đổi nếu cô ta sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội, môi trường giáo dục, môi trường văn hóa khác, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Lành dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Vậy thì có lẽ cái từ phù hợp nhất để gọi cách ứng xử của viên nữ đại úy công an quận Đống Đa, Hà Nội tại sân bay, một không gian công cộng đòi hỏi sự ứng xử đúng mực, văn minh, là từ “thói”. Hành vi và lời nói của cô ta là vô văn hóa, hẳn rồi, với những lời lẽ tục tằn, nhục mạ phẩm giá người khác, trù ẻo những điều không may mà cô ta phun ra ở nơi công cộng ấy.

Vô học, hẳn rồi, mặc dù cô ta chắc chắn có đi học trường lớp, nhưng học chỉ để có chữ mà không tiếp thu được cái cốt lõi của sự học là biết sống tử tế, sống cho ra con người.

“Thói” trong trường hợp này là thói côn đồ, và nếu nhìn ở bình diện xã hội rộng hơn, quan sát được nơi nhiều người hơn, là thói giẫm đạp. Giẫm đạp một cách bất chấp lên mọi chuẩn mực xã hội, kể cả phẩm giá, danh dự của người khác, miễn sao thỏa mãn ý thích của mình, đạt được mục đích của mình.

“Thói” hiểu như là kiểu cách ứng xử ổn cố, lặp đi lặp lại nơi một cá nhân hoặc một tập thể , là thứ nhiễm phải chứ không hẳn do tính trời sinh ra vốn thế nhưng một khi nhiễm phải thì khó dứt bỏ và dễ dàng phát tác trong những hoàn cảnh nào đó.

Bà Lê Thị Hiền là hành khách đi chuyến bay VN248 chặng TP.HCM - Hà Nội ngày 11.8, do hành vi gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bị phạt hành chính 200.000 đồng và cấm bay 1 năm. Ảnh: TL

Trước vụ đại náo sân bay của đại úy Lê Thị Hiền, hẳn mọi người còn nhớ vụ việc gây phẫn nộ dư luận mới đây khi một cựu giám đốc công ty địa ốc đi máy bay hạng thương gia sàm sỡ với một nữ hành khách bay cùng khoang. Là cựu giám đốc công ty địa ốc và đang nắm giữ vài công ty khác, hẳn ông ta không thiếu tiền để bay hạng cao cấp, nhưng có lẽ cũng vì ỷ đồng tiền, ông ta thản nhiên tự cho phép mình sờ mó từ vai xuống sườn nữ hành khách ngồi cạnh, thậm chí sàm sỡ cả nữ tiếp viên khi cô này đến can thiệp.

Dư luận còn bàn tán chuyện ông ta dọa gọi điện cho ai đó ở cấp cao để can thiệp, kiểu “mày biết tao là ai không?”, song cuối cùng vẫn bị từ chối phục vụ. Cũng là cái thói cậy tiền hoặc cậy quyền để giẫm đạp lên chuẩn mực xã hội, lợi ích và phẩm giá của người khác mà ta có thể bắt gặp nhan nhản trong xã hội ngày nay.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự tử tế, sự hiểu biết, từ tốn, nhẹ nhàng, thậm chí nhún nhường ngày càng lùi xa, mất dấu để thay vào đó là sự lên ngôi của thói hống hách, trịch thượng, sẵn sàng giẫm đạp, thậm chí chà đạp lên người khác mà sống, giẫm đạp lên các giá trị từ lâu và ở nhiều nơi khác được thừa nhận và trân trọng, cổ vũ.

Nhìn ra mọi lĩnh vực khác, chúng ta cũng có thể bắt gặp những vụ việc tương tự. Ở đâu cũng có thể thấy người này giẫm đạp lên người khác để giành lấy điều mình muốn, từ chuyện hàng ngày như giành đường khi kẹt xe đến chuyện gian lận, mua bằng bất chấp như vậy là cướp chỗ ngồi học của người xứng đáng hơn.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự tử tế, sự hiểu biết, từ tốn, nhẹ nhàng, thậm chí nhún nhường ngày càng lùi xa, mất dấu để thay vào đó là sự lên ngôi của thói hống hách, trịch thượng, sẵn sàng giẫm đạp, thậm chí chà đạp lên người khác mà sống, giẫm đạp lên các giá trị từ lâu và ở nhiều nơi khác được thừa nhận và trân trọng, cổ vũ. Vì đâu nên nỗi?

Giáo dục gia đình mà nhiều người đã chỉ ra những khiếm khuyết nghiêm trọng về sự tôn trọng phẩm giá và nhân cách của con trẻ, tình trạng bạo lực với con trẻ và bạo lực trong gia đình; giáo dục nhà trường với những bất cập và gian dối kéo dài khiến xã hội không ngừng bức xúc; môi trường văn hóa - xã hội với đầy những nhiễu loạn và đảo lộn trong bậc thang giá trị... đều là những nhân tố góp phần dẫn đến tình trạng chúng ta đang nói.

Và với tần suất xuất hiện ngày càng dày những vụ việc gây phẫn nộ và lo âu nói trên thì nguồn cơn có lẽ đã mang tính hệ thống, với sự tác động qua lại giữa các nhân tố kể trên và đã tích tụ từ lâu. Chẳng có một giải pháp đơn giản và dễ dàng nào cho căn bệnh có thể nói một cách hình tượng là đã di căn, trừ phi cả xã hội và từng tế bào đồng lòng bắt tay vào một cuộc tổng duyệt xét những giá trị nào còn - mất để cố giữ lấy những giá trị còn lại, đồng thời kiến tạo lại từ gốc.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thoi-giam-dap-bat-chap-20257.html