Thời gian tạm dừng thanh tra không tính trong thời hạn thanh tra.

Là một trong những nội dung được đề cập tại Quyết định số 1404/QĐ- TCT về việc ban hành quy trình thanh tra thuế của Tổng Cục Thuế- Bộ Tài chính.

Đối với một số trường hợp phát sinh trong thanh tra, quy trình quy định trong thời gian thanh tra tại trụ sở người nộp thuế phát sinh trường hợp bất khả kháng phải tạm dừng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra nêu rõ lý do tạm dừng, thời hạn tạm dừng để trình người ban hành quyết định ra thông báo về việc tạm dừng thanh tra. Thời gian tạm dừng không tính trong thời hạn thanh tra.

Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện vi phạm không thuộc phạm vi thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra để trình người ban hành quyết định bổ sung nội dung thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra rõ lý do bổ sung nội dung thanh tra và kèm theo dự thảo quyết định, bổ sung nội dung thanh tra để lãnh đạo bộ phận thanh tra xem xét trình lãnh đạo cơ quan thuế ký quyết định bổ sung nội dung thanh tra theo mẫu 11/QTTTr ban hành kèm theo quy trình này.

Thay đổi trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra: Trường hợp xét thấy trong quá trình triển khai thực hiện thanh tra cần có sự thay đổi Trưởng đoàn thành viên Đoàn thanh tra hoặc bổ sung thành viên Đoàn thanh tra thi lãnh đạo bộ phận thanh tra xem xét, trình lãnh đạo cơ quan thuế ký quyết định thay đổi bổ sung. Quyết định thay đổi Trưởng đoàn theo mẫu 12/QTTTr ban hành kèm theo quy trình này, Quyết định thay đổi (hoặc bổ sung) thành viên Đoàn thanh tra theo mẫu.

Chậm nhất là 10 ngày 1 lần, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra, để báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế về tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Đoàn thanh tra hoặc theo yêu cầu đột xuất của lãnh đạo cơ quan thuế.

Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra được thực hiện bằng văn bản theo mẫu (số 21/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 156 ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính), bao gồm các nội dung: Nội dung đã triển khai; nội dung đã hoàn thành; nội dung đang tiến hành; các nội dung thực hiện trong thời gian tới; khó khăn, vướng mắc (nếu có) và đề xuất biện pháp giải quyết.

Kết thúc thanh tra, Đoàn thanh tra phải lập dự thảo Biên bản thanh tra căn cứ vào kết quả tại các Biên bản xác nhận số liệu của thành viên đoàn thanh tra và các Biên bản thanh tra tại đơn vị thành viên (nếu có). Dự thảo Biên bản thanh tra phải được thảo luận thống nhất trong Đoàn thanh tra và được công bố công khai với người nộp thuế. Nếu có thành viên trong Đoàn không thống nhất thì Trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Thành viên trong đoàn thanh tra có quyền bảo lưu số liệu theo Biên bản xác nhận số liệu của mình. Biên bản thanh tra được ký giữa Trưởng đoàn thanh tra và người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế theo mẫu.

Số lượng Biên bản thanh tra phải lập cho mỗi cuộc thanh tra tùy thuộc vào tính chất, nội dung từng cuộc thanh tra, nhưng ít nhất phải được lập thành 3 bản (người nộp thuế 1 bản, Đoàn thanh tra 1 bản, cơ quan quản lý thuế trực tiếp người nộp thuế 1 bản). Biên bản thanh tra phải ghi rõ số trang và các phụ lục đính kèm (nếu có); Trưởng đoàn thanh tra và người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế ký vào từng trang, đóng dấu của người nộp thuế (bao gồm cả dấu giáp lai và dấu cuối biên bản của người nộp thuế) nếu người nộp thuế là tổ chức có con dấu riêng.

Khi kết thúc thanh tra, trường hợp người nộp thuế không ký Biên bản thanh tra thì chậm nhất trong 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố công khai Biên bản thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra để trình lãnh đạo cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, đồng thời thông báo yêu cầu người nộp thuế ký Biên bản thanh tra. Nếu người nộp thuế vẫn không ký Biên bản thanh tra thì trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố công khai Biên bản thanh tra, lãnh đạo cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế và kết luận thanh tra thuế theo nội dung trong Biên bản thanh tra”.

Trong quá trình dự thảo Biên bản thanh tra, nếu có vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến nội dung thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra để xin ý kiến xử lý. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, lãnh đạo bộ phận thanh tra phải báo cáo lãnh đạo cơ quan Thuế để giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp đến thời hạn phải ký Biên bản thanh tra mà chưa nhận được kết quả giám định, ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải đáp các vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến nội dung thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra phải ghi nhận các nội dung vướng mắc tại Biên bản và tiến hành ký Biên bản thanh tra với người nộp thuế theo quy định. Sau khi nhận được kết quả giám định, ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải đáp các vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến nội dung thanh tra thì Đoàn thanh tra tiến hành lập Phụ lục Biên bản thanh tra với người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo quy trình này.

B.B.Đ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/thoi-gian-tam-dung-thanh-tra-khong-tinh-trong-thoi-han-thanh-tra_t114c1160n101576