Thời gian tập sự, thử việc không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

Ông Đinh Ngọc Đông (ngocdong7676@...) hiện đang giảng dạy ở huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông, đề nghị giải đáp vướng mắc trong quá trình chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Ông Đông ký hợp đồng lao động dài hạn (hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế) giảng dạy tại Phòng Giáo dục huyện Cư Jút từ ngày 22/9/1999, mã ngạch 15-113.

Đến ngày 26/3/2000, ông bắt đầu được tính thời gian nâng lương thường xuyên và đến ngày 26/3/2003, ông có quyết định nâng lương từ bậc 1 lên bậc 2. Từ đó đến nay ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vi phạm kỷ luật, không nghỉ gián đoạn, đóng bảo hiểm đầy đủ.

Căn cứ Điều 19 và khoản 5 Điều 21 Nghị định 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì ông là công chức loại B (Cao đẳng sư phạm), thời gian thử việc là 6 tháng. Thời gian thử việc không tính vào thời gian nâng lương thường xuyên. Việc quyết định nâng lương vào ngày 26/3/2003 đối với ông hoàn toàn đúng nhưng đến 27/1/2004, UBND huyện Cư Jút có quyết định công nhận ông hết tập sự và bổ nhiệm vào ngạch công chức mã ngạch 15-113 từ ngày 5/3/2003.

Ông Đông hỏi, ông sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên từ thời điểm nào? Nếu ông tính hưởng từ ngày 26/3/2000 thì có đúng không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp trường hợp của ông Đông như sau:

Ngày 30/12/2011, Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư Liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Đối tượng và phạm vi áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư này như sau:

- Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật). Đối tượng này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15).

- Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập. Đối tượng này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, nhưng không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo.

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên

Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được xác định bằng tổng các thời gian sau:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có).

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Thời gian quy định nêu trên không bao gồm: Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Trường hợp ông Đinh Ngọc Đông, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ký hợp đồng dài hạn theo chỉ tiêu biên chế với Phòng giáo dục huyện từ ngày 22/9/1999, được xếp mã ngạch 15-113.

Vào thời điểm trước ngày 10/10/2003, Nghị định 116/2003/NĐ-CP chưa được ban hành, việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức áp dụng chung theo Nghị định 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998. Tại điểm b, khoản 1 Điều 3 và khoản 2 Điều 16 của Nghị định này quy định, công chức loại B là những công chức có trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng. Thời gian tập sự đối với công chức loại B là 6 tháng. Do ông Đông không nêu rõ ông đang là giáo viên bậc học nào, nhưng nếu xếp ngạch đúng trình độ đào tạo cao đẳng thì ông được xếp vào 1 trong các mã ngạch sau: 15a-204 (giáo viên tiểu học chính) hoặc 15a-202 (giáo viên trung học cơ sở) hoặc 15c-207 (giáo viên trung học phổ thông chưa đạt chuẩn). Thời gian tập sự các ngạch này là 6 tháng.

Có thể thông tin ông Đông cung cấp chưa chính xác về mã ngạch lương được xếp, vì mã ngạch 15-113 được xếp đối với giáo viên trung học phổ thông có trình độ đại học, tương ứng với công chức loại A. Nếu thực tế ông Đông được xếp ngạch 15-113 thì thời gian tập sự, thử việc của ông là 12 tháng.

Việc ngày 26/3/2003, ông Đông được cơ quan quản lý ban hành quyết định nâng bậc lương từ bậc 1 lên bậc 2 có thể làm dùng căn cứ xác định việc ông Đông đã hoàn thành thời gian tập sự, thử việc trước đó. Trừ đi thời gian giữ bậc cũ để xét nâng bậc mới là 36 tháng, thì thời điểm hết tập sự hưởng 100% lương bậc 1 là ngày 26/3/2000.

Ngày 27/1/2004 UBND huyện có quyết định công nhận ông Đông hết tập sự và bổ nhiệm ông vào ngạch công chức mã ngạch 15-113 từ ngày 05/03/2003. Đây là quyết định bổ nhiệm công chức và công nhận thời gian làm việc theo chế độ hợp đồng của ông là đã hoàn thành việc tập sự công chức.

Theo luật sư, việc xác định thời gian hết tập sự, thử việc phải căn cứ vào quyết định nâng bậc lương được cùng một cơ quan ký ban hành trước đó vào ngày 26/3/2003, vì chỉ có hoàn thành thời gian tập sự, thử việc thì mới bắt đầu được tính thời gian xét nâng bậc lương và nâng bậc lương.

Để đảm bảo việc thực hiện chính sách đúng, đủ, không sai sót, thì việc xác định thời gian tập sự, thử việc và thời điểm hoàn thành việc tập sự, thử việc cần được xem xét thận trọng và chính xác, phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thời gian tập sự, thử việc. Theo luật sư, nếu sự việc đúng như ông Đông trình bày và ông có đủ tài liệu như hợp đồng làm việc, quyết định nâng lương, quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức và các giấy tờ liên quan khác chứng minh việc ông nêu là đúng, thì có cơ sở xem xét việc tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho ông từ ngày 26/3/2000. Thẩm quyền quyết định cuối cùng thuộc cơ quan quản lý nhà giáo.

Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của ông Đông theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH được xác định là tổng thời gian giảng dạy thực tế có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập, không tính thời gian tập sự, thử việc.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

>> Quy định về phụ cấp thâm niên nhà giáo

>> Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo

>> Điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

>> Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

>> Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp thắc mắc về phụ cấp thâm niên nhà giáo

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/thoi-gian-tap-su-thu-viec-khong-duoc-tinh-huong-phu-cap-tham-nien/20125/137597.vgp