Thời gian và chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp gia nhập thị trường

Giai đoạn 2015 - 2018 được đánh giá là một trong những thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trung bình mỗi năm có gần 123 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số lượng và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn ba năm trước đó. Điều này cho thấy chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển DN của Đảng, Nhà nước đã được cộng đồng DN hưởng ứng tích cực. Thời gian tới, tinh thần đó sẽ tiếp tục được phát huy nhằm hỗ trợ DN gia nhập thị trường một cách thuận lợi với mức chi phí thấp nhất.

Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Khu công nghiệp Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc) sản xuất, kinh doanh linh kiện, phụ tùng ô-tô, xe máy. Ảnh: THANH HÀ

Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Khu công nghiệp Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc) sản xuất, kinh doanh linh kiện, phụ tùng ô-tô, xe máy. Ảnh: THANH HÀ

Giai đoạn 2015 - 2018 được đánh giá là một trong những thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trung bình mỗi năm có gần 123 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số lượng và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn ba năm trước đó. Điều này cho thấy chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển DN của Đảng, Nhà nước đã được cộng đồng DN hưởng ứng tích cực. Thời gian tới, tinh thần đó sẽ tiếp tục được phát huy nhằm hỗ trợ DN gia nhập thị trường một cách thuận lợi với mức chi phí thấp nhất.

Nhiều tín hiệu khả quan

Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang khiến đầu tư thế giới suy giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút. Tuy nhiên, tình hình đăng ký DN trong nước vẫn cho thấy những tín hiệu khả quan, thể hiện ở số lượng DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trước, trong khi tình trạng DN rút lui khỏi thị trường đã được kiềm chế.

Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2019, cả nước có 66.958 DN thành lập mới (tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018) với số vốn đăng ký đạt 860.195 tỷ đồng (tăng 32,5%), là mức cao nhất so với cùng kỳ bốn năm gần đây. Quy mô DN thành lập mới tiếp tục tăng khi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của một DN đạt 12,8 tỷ đồng (tăng 27,7%). Với đà tăng này, có thể hy vọng rằng, năm 2019 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp có số lượng DN gia nhập thị trường và số vốn đăng ký đạt mức cao nhất trong lịch sử. Bên cạnh số DN thành lập mới, đã có 21.617 DN quay trở lại thị trường (tăng 31,4%) và cũng là mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trước. Như vậy, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt 88.575 DN (tăng 9,4%). Dòng vốn tư nhân chảy vào nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế từ lực lượng DN trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng (tăng 17,9%). Trong đó, riêng số vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Những con số nêu trên cho thấy tín hiệu rõ ràng về niềm tin của nhà đầu tư khi những DN đang hoạt động, đang thực tế trải nghiệm môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục bổ sung một lượng vốn lớn vào nền kinh tế.

Sự gia tăng ấn tượng về số lượng DN mới và số vốn đăng ký trong thời gian qua là một trong những yếu tố khẳng định tiềm năng của các cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam được nhận định là một trong những nền kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN. Cùng với những lợi thế sẵn có như tỷ lệ dân số vàng, nhân công lao động rẻ, nhu cầu tiêu dùng lớn, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký cũng đã mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về lực lượng DN trong nước phần nào cho thấy chúng ta đang nắm bắt tốt các cơ hội nêu trên.

Bên cạnh một số lượng lớn DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, cũng có một bộ phận DN bị sàng lọc và đào thải, tổng số DN rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong sáu tháng đầu năm 2019 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018. Việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Có nhiều nguyên nhân khiến DN rời khỏi thị trường, trong đó không loại trừ nguyên nhân từ điều kiện kinh doanh không phù hợp, đâu đó vẫn còn rào cản... Thế nhưng, ở một góc độ nào đó, việc DN ngừng hoạt động, phá sản, giải thể cũng giúp nền kinh tế cơ cấu lại liên tục, là cơ sở thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh khi những DN yếu kém sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với những ý tưởng kinh doanh có chất lượng hơn. Với dữ liệu kết xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN những năm gần đây, có thể thấy rằng DN đóng cửa, ngừng hoạt động chủ yếu có quy mô nhỏ với 92% dưới 10 tỷ đồng. Ðây là nhóm DN dễ chịu tác động nhất từ những khó khăn của thị trường nhưng cũng là nhóm sẽ dịch chuyển nhanh nhất khi các kế hoạch kinh doanh không đạt được kỳ vọng. Ở các nền kinh tế khác, tình hình cũng diễn ra tương tự. Số liệu về tình hình DN rút lui khỏi thị trường cũng cho thấy, phần lớn DN khởi nghiệp hiện nay chưa được trang bị kỹ càng trước khi tham gia thị trường cho nên tính cạnh tranh chưa cao. Trong số DN giải thể, ngừng hoạt động năm 2018 có khoảng 49,5% là những DN đăng ký thành lập trong các năm 2017, 2018. Ðối với DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, thường là để cơ cấu lại danh mục đầu tư hoặc tạm thời dừng hoạt động trước khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Có rất nhiều DN sẽ quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng kinh doanh, bằng chứng là tại các kỳ báo cáo, số lượng DN quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc cao hơn so với số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Việc DN giải thể, ngừng hoạt động là điều không mong muốn, cần có cái nhìn khách quan và phân tích thấu đáo để đưa ra giải pháp kịp thời trong thời gian tới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DN nhỏ và vừa thông qua việc nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động và trình độ ứng dụng công nghệ của DN. Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy khởi sự kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối hiệu quả. Ðáng chú ý, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN đã và đang được tiếp tục cắt giảm đến mức thấp nhất. Thời gian tới, dự kiến quy trình thủ tục và chi phí gia nhập thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện. Theo đó, dự kiến lệ phí đăng ký thành lập DN và phí công bố nội dung đăng ký DN sẽ được cắt giảm đáng kể, từ 400 nghìn đồng xuống còn hơn 100 nghìn đồng/hồ sơ. Với dự kiến sửa đổi này, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có chi phí thành lập DN thấp nhất thế giới. Ðồng thời, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang phối hợp Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ lùi thời hạn nộp hoặc miễn hoàn toàn việc nộp lệ phí môn bài cho DN thành lập mới. Nếu được triển khai, dự kiến sửa đổi này sẽ đơn giản một bước về thủ tục hành chính và giảm hai triệu đồng trong quy trình khởi sự kinh doanh của DN, cắt giảm đáng kể so với mức ba triệu đồng như hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

Hiện nay, so sánh về quy trình đăng ký thành lập DN với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai về số lượng thủ tục ít nhất (đứng đầu là Xin-ga-po chỉ bao gồm một thủ tục; Việt Nam có hai thủ tục là đăng ký thành lập DN và công bố nội dung đăng ký DN, đã được gộp trong một bước) và đứng thứ ba về thời gian xử lý hồ sơ đăng ký thành lập DN ngắn nhất (sau Xin-ga-po và Thái-lan). Kể từ ngày 20-1-2018, lệ phí đăng ký thành lập DN của Việt Nam đã được cắt giảm 50%, từ 200 nghìn đồng xuống còn 100 nghìn đồng/hồ sơ và miễn phí hoàn toàn đối với hồ sơ nộp qua mạng điện tử.

Bối cảnh trong nước, quốc tế đang mang đến nhiều cơ hội và Nhà nước là bàn tay nâng đỡ cho sự phát triển của DN, nhưng chính bản thân DN mới có thể biến cơ hội thành thành công. Khi có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng DN thành lập mới cũng chính là thời cơ để cộng đồng DN trong nước lớn mạnh hơn không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, bởi lúc này, thương trường sẽ là "cuộc chiến sống còn", áp lực cạnh tranh đòi hỏi DN phải nâng cao chất lượng để không bị đào thải ra khỏi cuộc chơi. Với sự hỗ trợ cao nhất từ các chính sách của Nhà nước cùng với nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN, hy vọng rằng, thời gian tới, DN Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh và thực hiện tốt vai trò là động lực phát triển cho kinh tế đất nước.

Bùi Anh Tuấn

Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh

(Bộ Kế hoạch và Ðầu tư)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40941902-thoi-gian-va-chi-phi-thap-nhat-cho-doanh-nghiep-gia-nhap-thi-truong.html