'Thời gian vàng' trong điều trị vô sinh, hiếm muộn

Tuy không cấp thiết như cấp cứu đột quỵ nhưng trong điều trị, hỗ trợ sinh sản cũng có những mốc thời gian mà trong đó, chúng ta cần ưu tiên tìm, phát hiện và xử trí các vấn đề của mình để nâng cao cơ hội thành công.

Ảnh minh họa: Pinterest

Chúng ta thường nghe đến "thời gian vàng" trong việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ, thực tế, đây là khái niệm có hàm ý rằng trong giai đoạn này, việc điều trị và xử trí sớm sẽ đem lại kết quả tốt hơn nhiều cho bệnh nhân, giảm thiểu được mức ảnh hưởng và di chứng lâu dài. Trong điều trị hỗ trợ sinh sản, tuy không cấp thiết như cấp cứu đột quỵ, nhưng cũng có những mốc thời gian mà trong đó, chúng ta cần ưu tiên tìm, phát hiện và xử trí các vấn đề của mình để nâng cao cơ hội thành công.

BS Nguyễn Bình Dương, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF của một bệnh viện ở Hà Nội giải thích: "Hãy khoan nói về hệ lụy xã hội: càng chờ lâu bệnh nhân càng áp lực, thậm chí hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng theo, ta tạm nói dưới góc độ y tế. Mấu chốt của sức ép về thời gian trong điều trị hiếm muộn nằm ở hai điểm: tuổi bắt đầu điều trị hiếm muộn ngày càng tăng (đến khám ngày càng trễ) và khả năng mang thai của người phụ nữ giảm rõ rệt theo thời gian (càng trễ càng khó). Thời gian càng kéo dài, tuổi người phụ nữ càng tăng, kéo theo càng tăng cao chi phí điều trị và giảm sâu khả năng thành công". Do đó, có thể nói hiếm muộn không chỉ là gánh nặng bệnh tật, mà còn là gánh nặng tâm lý.

"Thời gian vàng" trong điều trị vô sinh, hiếm muộn

Như ta biết, lượng noãn bào/trứng của người phụ nữ không tăng lên theo thời gian mà mất dần đi, thậm chí mất đi với mức chóng mặt khi người phụ nữ qua mốc 35 tuổi. Điều này thể hiện ở con số: khi mới sinh bé gái mang trong mình khoảng 1 triệu nang trứng, con số này còn khoảng 500.000 khi bé vào tuổi dậy thì (khoảng 12 tuổi), bắt đầu có hiện tượng rụng trứng.

BS Nguyễn Bình Dương (Ảnh: BSCC)

Tới khoảng 30-32 tuổi - lượng trứng còn 120.000 (giảm đi 4 lần sau 20 năm). Nhưng chỉ sau 5 năm, ở lứa tuổi ngoài 35, con số này chỉ còn 25.000 (giảm đi gấp 5 lần). Và tới tuổi quanh mãn kinh, khoảng 42-50 tuổi, con số này chỉ còn nhỏ hơn 1.000 trứng.

Cac nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian tối ưu để mang thai nằm ở từ 22 đến 32 tuổi. Không chỉ số lượng, chất lượng trứng cũng có sự thay đổi. Người ta thực hiện thu thập trứng của những người phụ nữ ở các lứa tuổi khác nhau từ 25 đến 42 tuổi. Sau đó cho thụ tinh và kiểm tra tỉ lệ phôi bình thường di truyền trong số các phôi được tạo thành.

Kết quả cho thấy ở 26 tuổi, khoảng gần 80% số phôi là bình thường, con số này ở 35 và 42 tuổi lần lượt chỉ còn 60% và 33%.

"Ta thử viết lại: ở 26 tuổi khả năng lượng trứng bất thường là vào khoảng 20%, ở 35 tuổi là 40% và 42 tuổi là vào 66%. Ở lứa tuổi ngoài 40: hai phần ba số trứng của bạn sẽ có vấn đề. Một vài con số trên cho ta một bức tranh khá rõ ràng: trước 35 tuổi, cả số lượng lẫn chất lượng trứng giảm chậm so với thời gian, sau 35, tình hình xấu đi nhanh chóng", BS Dương nhấn mạnh.

Vì vậy nếu bạn muốn có con, đặc biệt là con khỏe mạnh, việc bạn tới khám và điều trị trước 35 tuổi là cần thiết. Câu chuyện sẽ càng trở nên cấp bách nếu dự định của hai vợ chồng bạn là có nhiều hơn 1 con, vì ta cần phải lên cả kế hoạch cho lần sinh thứ hai vốn cách lần đầu từ 2 năm trở lên.

Đừng để "rào cản vô hình" khiến bạn bỏ lỡ "thời gian vàng"

Theo BS Dương, việc mong con muộn thường đến từ 2 khía cạnh xã hội:

- Cơ hội của người phụ nữ trong xã hội ngày càng nhiều và đa dạng. Khác với thế hệ ông bà của chúng ta trước đây khi mà vai trò của người phụ nữ đa phần chỉ là công việc làm nông, buôn bán nhỏ lẻ và nội trợ - ngày nay vị trí và vai trò của người phụ nữ trong lực lượng lao động ngày một tăng cao. Ở khắp các nơi dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ nắm những vai trò chủ chốt trong các tập thể, cơ hội phấn đấu trong học tập và công việc làm việc có con (nghĩa là bị gián đoạn trong 9 tháng mang thai và 6 tháng sau sinh) trở nên kém hấp dẫn hơn.

- Cuộc sống ngày càng khó khăn khi quy mô dân số trẻ, sự cạnh tranh ngày càng cao, điều này ngoài việc khiến người phụ nữ buộc phải tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn, còn có tác động gián tiếp về mặt tài chính khiến việc sinh con trở nên đắt đỏ. Nếu một bịch bỉm tử tế hết chừng 1 triệu đồng hay một hộp sữa công thức hết cũng ngót nghét 7-800.000 đồng thì việc có con có thể… trì hoãn lại cho tới khi điều kiện kinh tế của gia đình trở nên tốt hơn.

Vì vậy, BS Dương nhắc nhở mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ hãy biết lắng nghe cơ thể mình. Nếu đã mong con từ 6 tháng trở lên mà vẫn chưa thành công, hãy đi khám để được các bác sĩ thăm khám, phát hiện vấn đề gây cản trở cho quá trình mang thai càng sớm, điều trị thành công càng sớm thì cơ hội thành công càng cao.

Mỹ Diệu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thoi-gian-vang-trong-dieu-tri-vo-sinh-hiem-muon-20230417204722477.htm