Thời gian xác định phẩm giá

Những ngày qua, vụ việc cô giáo dạy âm nhạc Trường THCS Văn Phú ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị một nhóm học sinh lớp 7 chốt cửa, dồn vào góc lớp, ném dép, lăng mạ, hành hung đã gây choáng váng cộng đồng trong cả nước. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông lớn về nhân cách của học sinh và hậu quả của nó không chỉ ở hôm nay.

Trước khi bị lăng mạ, hành hung, cô giáo đó từng nhiều lần phát ngôn không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh và bị nhà trường cảnh cáo. Thế nhưng, học sinh bao vây, ném khăn lau bảng vào mặt, chốt cửa, nhốt trong lớp để lăng mạ, hành hung khiến cô giáo té ngã ngất đi... đã vượt quá xa luân thường đạo lý, vượt xa sự tưởng tượng của cả xã hội.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời gian gần đây mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ việc học sinh đánh nhau, bạo lực học đường, trong đó rất nhiều trường hợp học sinh tấn công, xúc phạm chính thầy cô giáo của mình. Điều này quá đau lòng khi hầu hết các trường học trong cả nước đều có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”... Nền văn hiến hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống hiếu học “tôn sư trọng đạo” bậc nhất thế giới của dân tộc Việt Nam đã bị mai một như thế nào là câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này.

Trong bài thơ “Nửa đêm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nhà hiền triết Khổng Tử cũng có tư tưởng “Nhân chi sơ tính bản thiện”… Mọi đứa trẻ sinh ra bản tính vốn hiền, vốn thiện. Khi lớn lên, do ảnh hưởng của môi trường sống mới trở nên thay đổi. Việt Nam cũng như tất cả quốc gia trên thế giới đều xem giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Vậy môi trường sống, môi trường học đường đã như thế nào mới dẫn tới câu chuyện đau lòng và con số đáng lo như đã dẫn ra? Phải chăng chương trình giáo dục hiện nay có vấn đề, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh bị xem nhẹ? Gia đình đã như thế nào khi gieo mầm hay không ngăn cản được hành vi trái luân thường đạo lý nảy sinh trong con em mình? Thầy cô giáo đã làm vẩn đục tấm gương của chính mình với học sinh? Xã hội đã dung túng, lên án không đủ mạnh với cái xấu của con trẻ? Luật Giáo dục 2019 đặt ra mục tiêu giáo dục phổ thông “phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ...” phải chăng đã không đi vào thực tế? Có lẽ còn nhiều lý do khác nữa…

Ai từng đi họp phụ huynh đều biết, không chỉ phụ huynh, cả thầy cô giáo, nhà trường phần lớn cũng chỉ quan tâm tới kết quả học tập của con em, học sinh của mình. Bên cạnh đó là các khoản đóng góp, tổ chức sơ kết, tổng kết, trao học bổng, trao giấy khen… Phần lớn phụ huynh và giáo viên rất ít quan tâm đến việc trao đổi, chia sẻ về đạo đức của con em, học sinh mình như thế nào.

Sự yếu kém trong giáo dục đạo đức học sinh không thể chỉ do nguyên nhân từ ngành giáo dục, càng không thể từ những học sinh non nớt. Và hậu quả của nó, xa hơn, hẳn đó không chỉ là chuyện của học đường, chuyện của hôm nay mà còn là chuyện của ngày mai và của toàn xã hội.

Mọi dấu ấn thời thơ ấu, tuổi học trò rồi sẽ theo suốt cuộc đời mỗi người. Nhân cách một người trưởng thành, một cán bộ, công chức, một kỹ sư, cử nhân hay một người lao động bình thường hôm nay hay bất kỳ ai, cũng đều là kết quả của cả một quá trình hoàn thiện lâu dài, phức tạp. Và phẩm giá của mỗi người cũng không thể chỉ được xác định bằng hành động, kết quả nhất thời, ngắn hạn hay sự hào nhoáng bề ngoài, phải trải qua một quá trình đủ lâu, đủ dài và đặt trong đủ hoàn cảnh phức tạp mới rõ được.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/152020/thoi-gian-xac-dinh-pham-gia