Thời hiệu yêu cầu bồi thường oan quá ngắn

Ngoài bốn loại thời hiệu mà Bộ luật Dân sự đã nêu, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn quy định một loại thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường cho người bị oan.

Ngày 2-7, Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam”.

Trình bày tham luận tại hội thảo, ThS Đặng Lê Phương Uyên (ĐH Luật TP.HCM) đặt vấn đề về hiệu lực của thời hiệu khởi kiện và hệ quả của việc hết thời hiệu khởi kiện. Theo ThS Uyên, khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Từ đó có thể thấy thời hiệu là một loại thời hạn.

ThS Uyên cho rằng thời hiệu khởi kiện cho phép chủ thể có quyền khởi kiện nhưng đó cũng là ranh giới hạn định quyền khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết, trừ trường hợp phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Điều này có nghĩa là khi kết thúc khoảng thời gian luật định mà chủ thể không thực hiện quyền khởi kiện thì bị mất quyền khởi kiện.

Nói về thời hiệu trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), ThS Nguyễn Trương Tín, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng đây là một trong những nội dung mang tính chất đặc trưng. Điều 150 BLDS có quy định bốn loại thời hiệu là thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

ThS Nguyễn Trương Tín trình bày tại hội thảo. Ảnh: CHÂU YẾN

ThS Nguyễn Trương Tín trình bày tại hội thảo. Ảnh: CHÂU YẾN

Trong Luật TNBTCNN có thêm một loại thời hiệu nữa không nằm trong bốn loại thời hiệu mà BLDS đã nêu trên, đó là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ.

ThS Tín nêu ví dụ: Tòa huyện X xử ông A phạm tội, sau đó ông A kháng cáo kêu oan và được tòa tỉnh tuyên không phạm tội. Từ phán quyết của tòa tỉnh, ông A có quyền yêu cầu bồi thường. Ông A có thể gửi đơn tới TAND huyện X là cơ quan làm oan yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện TAND huyện X ra tòa để bồi thường. Như vậy có hai thủ tục, một là thủ tục yêu cầu cơ quan làm oan bồi thường, hai là thủ tục khởi kiện cơ quan làm oan bồi thường. Hai thủ tục này có quy định thời hiệu khác nhau.

Theo ThS Tín, thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ là ba năm, kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Còn việc khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường là theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự, tức khởi kiện cơ quan đã làm oan, sai hoặc có những quyết định gây thiệt hại cho người bị thiệt hại. Thời hiệu này cũng là ba năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, theo ThS Tín, trong thời hiệu khởi kiện ra tòa có thời hiệu 15 ngày. Tại Điều 52 Luật TNBTCNN có quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó... thì có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

ThS Tín nói thời hiệu 15 ngày là quá ngắn, liệu có đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hay không.

Thế nào là “biết” hoặc “phải biết”?

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Tấn Hoàng Hải, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng trước đây thời hiệu được tính từ ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm (Điều 427 BLDS 2005). Còn hiện nay, thời hiệu được tính từ ngày người có quyền yêu cầu “biết hoặc phải biết” quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 BLDS 2015). Tuy nhiên, như thế nào là “biết” hoặc “phải biết” thì chưa được hướng dẫn cụ thể, gây lúng túng cho việc áp dụng pháp luật.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/thoi-hieu-yeu-cau-boi-thuong-oan-qua-ngan-921969.html