Thói hoang phí của công dẫn đến tham nhũng rất gần

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn luôn là vấn đề lớn hiện nay. Nhiều ý kiến nhận định, từ thói lãng phí, tiêu xài hoang phí của công dẫn đến tham nhũng cũng rất gần.

Tuy thực trạng này đã được nhận diện, nhưng để triệt tiêu không hề dễ nếu không có những giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của nhiều phía.

Căn bệnh “tiền chùa”

Qua các tư liệu lịch sử cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ.

Có khi tai hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu…”. Người cũng chỉ rõ, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến” nên “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong những năm qua cùng với thúc đẩy việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, một trong những nội dung cần gương mẫu đi đầu đó là: "Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành".

Trên cơ sở đó, nhiều quy định cụ thể hơn cũng đã được ban hành để ngăn, để chống lối sống xa hoa, lãng phí của cán bộ. Từ việc hạn chế tổ chức các lễ hội, các cuộc chiêu đãi, tiệc tùng tràn lan, đến từ chối nhận quà vào dịp kỷ niệm, hay thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, không tổ chức cưới ở những nhà hàng sang trọng, đắt tiền, tăng cường thiếp báo hỉ thay cho thiếp mời dự tiệc cưới… Tuy nhiên, những kết quả trên chỉ là bước đầu và dường như việc “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” của một bộ phận cán bộ và cơ quan, đơn vị vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Khi bàn về vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng coi ngân sách như “tiền chùa”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), lãng phí do chi sai mục đích, chi phục vụ bệnh thành tích, hay tổ chức sự kiện như lễ kỷ niệm, đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang, xây dựng các trụ sở được quan tâm nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh. Đó là việc “coi ngân sách là tiền chùa”.

Không ít những dẫn chứng thực tiễn về việc lãng phí trong các lễ động thổ, khởi công, khánh thành rất lớn đã được chỉ ra. Biểu hiện rõ nhất là mời nhiều đại biểu, tổ chức hoành tráng và luôn có quà tặng. “Tiền ở đâu ra nếu không là ngân sách, tiền thuế của Nhân dân” - đó là khẳng định đã được nhấn mạnh.

Rồi dư luận xã hội cũng từng rất bức xúc trước hiện tượng cán bộ, công chức đua nhau lợi dụng các hoạt động công vụ, đối ngoại để đi du lịch nước ngoài bằng tiền ngân sách. Có lẽ chúng ta ai cũng biết, chi phí cho mỗi chuyến công du nước ngoài ấy rất đắt đỏ, vì vậy chỉ dành cho các hoạt động thực sự quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực, không thể bỏ. Nhưng trên thực tế theo dư luận, có nhiều trường hợp cán bộ công chức đi nước ngoài bằng tiền công vụ còn đem theo cả người thân để tranh thủ đi du lịch, mua sắm cả núi hàng xách tay đem về nước bán kiếm lời…

Như có ý kiến đã nhận định, khó nói tham nhũng hay lãng phí gây thất thoát cho đất nước nhiều hơn. Nhưng tham nhũng thì kín đáo, tinh vi, lợi ích của các bên gần như đồng nhất nhau nên tìm ra người, ra việc khó khăn. Nhưng lãng phí thì không khó phát hiện so với tham nhũng. Chúng ta có thể nhận diện, nhìn ra tương đối dễ dàng, từ lãng phí đất đai, xây dựng, họp hành, lễ hội…

Người có chức năng phòng chống hay người dân bình thường đều có thể nhận thấy lãng phí. Ngay ở không ít cơ quan, đơn vị, lãnh đạo mới nhậm chức là thay đổi nhiều thứ, điển hình là trang bị trong phòng làm việc. Mua mới bàn ghế, đồ phục vụ. Chắc hiếm có Giám đốc sở, Thứ trưởng mới đề bạt sử dụng lại bàn ghế người tiền nhiệm, cứ là phải mới, mới tương xứng, mới hên...

Song song với cải cách đổi mới chúng ta còn cần nêu cao tinh thần tiết kiệm, chống lối sống khoe mẽ xa hoa lãng phí. Hiện, việc tiêu xài hoang phí của công không chỉ dừng ở việc công hoặc có gắn mác việc công, một hiện tượng cũng được nói đến là những cuộc ăn chơi xả láng, những bữa tiệc linh đình, thậm chí tiêu tiền như… ném qua cửa sổ của những người mang mác “công bộc của dân” đã bị điểm danh.

Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ, khi đọc thông tin về những bữa tiệc linh đình của người có chức, có quyền; về việc sếp mới nhậm chức phải thay đổi nhiều thứ, điển hình là trang bị trong phòng làm việc, sắm ô tô mới; rồi đến những thông tin về việc bòn rút của công để ăn chơi…, tôi cứ suy nghĩ mãi về cái người ta vẫn nói là “hưởng thụ quyền lực”.

Chính việc không coi trọng đạo đức xã hội đã tạo ra nếp sống hưởng thụ theo chức vụ, quyền hạn nặng nề. Nhìn lại trong lịch sử, có nhiều nhà lãnh đạo xưa, cả quá trình làm cán bộ không hề tích lũy gì cho bản thân, công tư rành rọt. Đã có rất nhiều tấm gương cán bộ, danh nhân, những người làm ra nhiều của cải, tiện ích cho xã hội đều là những tấm gương có cuộc sống giản dị và tiết kiệm.

Chuyển trong nhận thức

Nếu nói rằng thiếu những quy định để kiểm soát hay xử lý tình trạng lãng phí, tiêu xài hoang phí của công chưa hẳn đúng, vấn đề là thực thi các quy định. Đây là một lĩnh vực đã và đang rất được quan tâm và có nhiều quy định điều chỉnh, từ chỉ thị của Đảng, đến các quy định của Luật mà cụ thể là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rồi các nghị định của Chính phủ.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2544/QĐ-TTg (ngày 30/12/2016) về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 và ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành chương trình về nội dung này của cơ quan, tổ chức mình…

Ngày 1/9/2019, Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước cũng đã chính thức được thực thi.

Đây cũng là lần đầu Chính phủ quy định rõ hơn cơ chế, chế tài, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như biện pháp khắc phục. Qua đó, đã tạo thành hệ thống khung khổ pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ cho quá trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhờ đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên - hầu hết các cơ quan, tổ chức đều thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tương đương mỗi năm tiết kiệm chi thường xuyên được hàng trăm nghìn tỷ đồng; hầu hết các cơ quan, tổ chức thực hiện mua sắm tài sản công đúng định mức…

Cùng với đó, các lễ động thổ, khởi công; định mức xe công… cũng đã có những quy định cụ thể để tránh hoang phí. Tuy nhiên, thực tiễn, việc tiêu xài hoang phí của công, lãng phí kiểu “tiền chùa” vẫn chưa dứt, vẫn diễn ra dưới nhiều dạng thức khác nhau và thi thoảng lại làm xôn xao dư luận bởi những câu chuyện được lộ diện. Nhiều ý kiến đã chỉ ra, cũng với những quy định mang tính pháp lý, rất cần phải tạo ra sự chuyển trong nhận thức của những cán bộ có quyền, bởi tiết kiệm là một phẩm chất đạo đức cá nhân trong cuộc sống sinh hoạt đời thường cũng như trong công việc.

Và cán bộ phải là lực lượng tiên phong trong cuộc “thi đua thực hành tiết kiệm”, bởi "một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền" như câu nói của Bác. Đồng thời, có chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cơ quan có liên quan trong việc để xảy ra vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của công.

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng coi ngân sách như “tiền chùa”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), lãng phí do chi sai mục đích, chi phục vụ bệnh thành tích, hay tổ chức sự kiện như lễ kỷ niệm, đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang, xây dựng các trụ sở được quan tâm nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có lần kể: “Tôi có biết trong cùng một chuyến công tác từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nơi họ cho chúng ta vay tiền thì họ đều ngồi ghế hạng phổ thông”.

Tình trạng lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng còn phổ biến

"Ở nước ta hiện nay, tình trạng làm việc ít hiệu quả, lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng còn khá phổ biến. Cần nhớ rằng, sinh thời Bác Hồ tiết kiệm trong từng bữa ăn, tiết kiệm từng mẩu bút chì, mẩu giấy, từng chiếc phong bì, Bác không cho thay xe khi vẫn còn sử dụng được. Dù có nhiều quy định, nhưng hiện nay, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Cần phải nghiêm trị những kẻ tham nhũng, lãng phí, đục khoét tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Khắc phục bệnh hình thức, bệnh thành tích, sự gian dối, cẩu thả, vô cảm, vô trách nhiệm, đầu cơ, cá nhân chủ nghĩa." - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Tăng cường giám sát

"Đất nước còn nghèo nhưng tình trạng lãng phí lại rất phổ biến. Dân nghèo nhưng tổ chức cưới phải hoành tráng, rồi còng lưng đi làm trả nợ. Cán bộ thay đổi chức vụ là đổi xe mới, trang thiết bị phòng làm việc mới. Nhưng tôi nghĩ, không phải đi xe sang là có tầm đâu, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp giản dị, nhưng cũng có một số người còn nặng về hình thức. Đề nghị tăng giám sát, công khai chế độ trong phạm vi nào đó để mọi người giám sát, tránh tình trạng lạm dụng để tiêu xài của công." - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An

Nguyễn Vũ ghi

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thoi-hoang-phi-cua-cong-361675.html